A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng một cộng đồng trí thức Việt kiều lớn mạnh tại Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland

GS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS) đã có những chia sẻ với phóng viên về sự năng động của các trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland cũng như hoạt động của Hội hướng về quê hương.

Có vị thế và uy tín khoa học

Giáo sư có thể chia sẻ một số thông tin về sự phát triển của Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland hiện nay?

- Hội được thành lập tháng 12/2020 với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland được công nhận của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Từ khoảng 40 thành viên ban đầu, tới nay, Hội đã có hơn 120 thành viên, gồm: 14 giáo sư, 35 phó giáo sư, còn lại là giảng viên cao cấp, giảng viên, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ làm việc trong hơn 30 ngành nghề khác nhau (tài chính, ngân hàng, công nghệ, luật, báo chí, môi trường, giáo dục) tại gần 70 trường đại học ở Anh và Ireland.

Hội được lãnh đạo bởi Ban chấp hành gồm 1 chủ tịch (GS.TS Nguyễn Xuân Huấn, ĐH Middlesex London), 2 Phó chủ tịch (PGS.TS Đoàn Xuân Vinh, ĐH Warwick và TS Đặng Quế Anh, ĐH Conventry) cùng 8 thành viên ban chấp hành khác đang làm việc trong các trường khắp các vùng miền của Anh và Ireland.

Xây dựng một cộng đồng trí thức Việt kiều lớn mạnh tại Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland
Buổi nói chuyện của Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland tại trường Đại học London .
Ảnh: VIS cung cấp.
 

Hội cũng vinh dự được GS Jonathan Van-Tam, một người Anh gốc Việt, nổi tiếng với những thành tích khoa học và lãnh đạo trong thời kỳ Covid-19 làm Chủ tịch danh dự. Giáo sư đã có những đóng góp đáng kể cho Hội thông qua các bài giảng và chia sẻ hàng năm. Ngoài ra, ban tư vấn của Hội là các Đại sứ, những người là kênh thông tin trực tiếp để kết nối Hội với ban ngành và Chính phủ Việt Nam.

Giáo sư đánh giá thế nào về vị trí của trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland hiện nay?

- Trước khi thành lập Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (Hội), cộng đồng người Việt làm việc trong giới học thuật và nghiên cứu khoa học Anh và Ireland có số lượng nhiều, tuy nhiên các hoạt động kết nối và hợp tác với Việt Nam ở mức độ cá nhân riêng lẻ. Nhận thấy sức mạnh tập thể sẽ làm được việc có ích hơn nhiều, Hội đã được thành lập vào năm 2020. Vị trí của Hội càng ngày càng lớn mạnh vì các thành viên là những người am hiểu và có kết nối với cả 2 nước, nên dễ dàng tìm được lĩnh vực cần thiết để kết nối hợp tác.

Rất nhiều các giáo sư và phó giáo sư của Hội có vị thế và uy tín khoa học cao ở Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland. Thông qua đó, Hội sẽ có cơ hội tham gia trao đổi và đối thoại với các lãnh đạo nhà nước, chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam. Mục tiêu của Hội cũng là xây dựng một cộng đồng trí thức mạnh, người đi trước với nhiều kinh nghiệm sẽ chia sẻ với người đi sau, điều này được các thành viên trẻ rất ủng hộ, nên lượng thành viên Hội tăng mạnh từ khi thành lập.

Xây dựng một cộng đồng trí thức Việt kiều lớn mạnh tại Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland
GS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (bên trái) gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng . Ảnh: VIS cung cấp .
 

Ngoài ra, Hội cũng đã kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, các hội, đoàn khác... tổ chức các sự kiện, các hoạt động cộng đồng.

Các trường đại học cũng như các tổ chức chính phủ ở Anh và Ireland bắt đầu thấy vai trò của Hội trong việc kết nối hợp tác về Giáo dục và hợp tác nghiên cứu khoa học với Việt Nam. Có thể nói, vai trò của Hội ngày lớn mạnh, mặc dù thời gian thành lập đến nay không lâu (phần lớn trong thời kỳ Covid-19).

Góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh

Với vai trò là Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland, Giáo sư có thể cho biết Hội đang triển khai những hoạt động nào kết nối với Việt Nam?

- Hội đã có nhiều hoạt động nhằm kết nối và phát triển cộng đồng người Việt ở Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland, đồng thời luôn hướng về Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực, như cố vấn cho các bạn trẻ, đặc biệt các bạn nghiên cứu sinh hoặc đang muốn làm nghiên cứu sinh. Hội có nhiều thành viên đi trước, có thể truyền tải lại kinh nghiệm cho người đi sau (thành công hay thất bại, về làm dự án, về công việc, về xây dựng phòng thí nghiệm, nghiên cứu...).

Hội cũng kết nối với nhiều trường Đại học Việt Nam, các doanh nghiệp, công ty công nghệ Việt Nam. Cứ 2 tuần một lần, Hội chia sẻ chuyên môn trên chương trình VIS Coffee Talk, mở rộng cho tất cả mọi người quan tâm. Hội cũng giúp đỡ tư vấn chính sách cho chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam.

Riêng năm 2022, Hội tổ chức 10 sự kiện như: Giúp đỡ các thành viên của Hội để tạo một cộng đồng người Việt lớn mạnh ở Anh. Rất nhiều các hội thảo và sự kiện chia sẻ về khoa học, về công việc, các sự kiện giúp đỡ các thành viên trẻ trong nghiên cứu khoa học và tìm quỹ nghiên cứu bên Anh, cũng như kết nối với Việt Nam đã được tổ chức. Kết nối xây dựng, hợp tác và phát triển quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh.

Xây dựng một cộng đồng trí thức Việt kiều lớn mạnh tại Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland
Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland tổ chức trao đổi học thuật và đón Tết Nguyên Đán 2023 tại ĐH Oxford .
Ảnh: VIS cung cấp.
 

Trong năm 2023, Hội sẽ thực hiện những kế hoạch nổi bật gì trong việc phát huy nguồn lực trí thức kiều bào phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước?

- Hội đang triển khai một số hoạt động chính nổi bật sau để hướng về Việt Nam, cụ thể: Từ tháng 3/2023, Hội đã tiển khai Chương trình VIS Coffee Talk chia sẻ công nghệ cũng như nghiên cứu mới nhất với thời lượng 2 tuần một lần. Từ tháng 9/2023 sẽ tổ chức mỗi tháng 1 lần.

Hội vừa tổ chức Sự kiện đặc biệt “50 Years and Beyond: VN-UK Partnership in Innovation and Education” ngày 19/6 tại London nhằm kỷ niêm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Anh.

Sắp tới, Chương trình trợ giúp và phát triển tài năng Việt (VIS MTD) của Hội sẽ đi vào hoạt động. Chương trình sẽ mở rộng ra cho một Dự án hợp tác với Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục để giúp đỡ 100 cán bộ trẻ và nghiên cứu sinh tiến sỹ theo Đề án 89.

Các hoạt động bao gồm: cố vấn (1-1 hoặc cho nhóm nhỏ), 4 hội thảo về xuất bản công trình nghiên cứu, tìm quỹ nghiên cứu, phát triển nghề nghiệp và nhóm nghiên cứu và trợ giúp nghiên cứu sinh Đề án 89 đi Anh. Hội cũng kết hợp tổ chức cho các mentees (người hướng dẫn) xuất sắc đi thực tế trao đổi bên Anh.

Ngoài ra, Hội sẽ triển khai hoạt động kết nối với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam để hợp tác các ngành chiến lược giáo sư của Hội và các tổ chức trong nước. Triển khai các bài thỉnh giảng của giáo sư trong Hội cho các trường đại học trong nước.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Phạm Lý (thực hiện)/ thoidai.com.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm