A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Weekly - Suy nghĩ về ông Nguyễn Thanh Sơn

Đôi suy nghĩ về tính cách và việc làm của nhà ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn sau chuyến đi Trường Sa của đoàn công tác số 6.

 



Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo Việt Weekly và Phố Bolsa TV tại Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn tiếng Việt”, tháng 9/2011

Không phải đợi đến lần thứ ba của các chuyến đi Việt Nam để làm công việc báo chí, tôi mới có những suy nghĩ riêng về ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy Ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN). Ngay từ lần đầu gặp ông ở Hà Nội vào tháng 9 năm 2011, tôi đã có “ấn tượng mạnh” với nhà ngoại giao này.

Chuyến đi thứ ba, đặc biệt ra đảo Trường Sa, suốt 9 ngày (từ 18-26 tháng 4/2012), chúng tôi có cơ hội sống và làm việc gần như gặp nhau hàng ngày với nhau trên con tàu HQ-571 đưa đoàn công tác số 6 ra biển đảo Trường Sa thăm các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo, tôi có nhiều dịp quan sát và nghe nhiều người nói hơn về nhà ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. Tôi xin ghi lại một số cảm nhận riêng nghĩ về ông, để bạn đọc thấy phần nào chân dung một nhà ngoại giao Việt Nam trong cái nhìn chủ quan của một nhà báo hải ngoại.
 
Từ buổi phỏng vấn đầu tiên ở Bộ Ngoại giao, lần gặp tháng 9 năm 2011 tại Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn tiếng Việt” ở Hà Nội
 
Tháng 9/2011, nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng tôi gồm 3 cơ quan truyền thông là Phố Bolsa TV, KBCHN và Việt Weekly gồm 4 nhà báo Nguyễn Phương Hùng (KBCHN,) Vũ Hoàng Lân (Phố Bolsa TV) và Hứa Trung Quân và Etcetera (Việt Weekly) đã có mặt ở Hà Nội để tham dự những buổi hội thảo về văn hóa Việt Nam. Thăm và làm việc với nhiều tòa soạn báo lớn từ Bắc tới Nam. Lịch trình làm việc dày đặc từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều, ngoài ra còn vô số những cuộc hẹn phỏng vấn, làm việc báo chí khác bên lề hội nghị. Tuy nhiên, dù trong khuôn khổ của hội nghị, anh em nhà báo chúng tôi đã có cơ may phỏng vấn trực tiếp ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng và cũng là Trưởng ban tổ chức ngay trong buổi hội thảo đầu tiên, trong lúc giải lao giữa giờ. Ấn tượng gặp gỡ ông lần đầu của tôi cũng có đôi chút tò mò. Tên tuổi của ông Nguyễn Thanh Sơn chúng tôi đã nghe tiếng của ông qua, chuyện giữa ông Nguyễn Thanh Sơn đón tiếp  ông Dân biểu tiểu bang Joseph Cao, đề nghị vị Dân biểu này làm nhịp cầu đối thoại giữa chính quyền Việt Nam và cộng đồng hải ngoại. Ông Joseph Cao đã “nói một đàng rồi về bên hải ngoại làm một nẻo khác”. Những nỗ lực ngoại giao bắc cầu thông cảm qua con đường ngoại giao với các dân cử gốc Việt dòng chính (kiểu như ông Joseph Cao) đã bị gãy, hỏng. Có đôi chút e dè, liệu ông Nguyễn Thanh Sơn sẽ “lợi dụng” vai trò báo chí của chúng tôi thế nào? E dè là ở chỗ đó. Là một nhà báo tự do, độc lập.

Tuy đến từ một xứ sở tự do, có quyền dân chủ, được pháp luật Hoa Kỳ bảo vệ, nhưng chúng tôi vẫn là những người bị áp lực chính trị cực đoan trong cộng đồng đè nặng. Việc về Việt Nam làm báo, ghi nhận thông tin, đưa tin về cho độc giả của mình ở địa phương để phục vụ nhu cầu thông tin của họ, tưởng là một điều bình thường, dễ hiểu và chẳng có chi phải bàn. Nhưng trên thực tế, chuyện dấn thân về nước, ngồi với những lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam, phỏng vấn họ, đưa đầy đủ những điều họ nói ra hải ngoại, các nhà báo chúng tôi cũng phải “xâm mình” để làm công việc này. Câu chuyện với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn của tôi (Etcetera Nguyễn) và anh Vũ Hoàng Lân (Phố Bolsa TV) đã được cho phổ biến ngay khi chúng tôi còn ở Hà Nội, ảnh của ông Nguyễn Thanh Sơn đã lên trang bìa tuần báo Việt Weekly ngay tuần đó, đã có tác động tốt cho việc đối thoại. Con người ngoại giao của ông Nguyễn Thanh Sơn đã thể hiện khá mạnh mẽ, thẳng thừng trong phần hỏi đáp cụ thể của chúng tôi. Như chuyện “thất hứa” của ông Dân biểu Joseph Cao, hay chuyện phê bình đảng Việt Tân, và tinh thần hòa hợp của chính phủ Việt Nam với cộng đồng hải ngoại. Ông Nguyễn Thanh Sơn muốn có cơ hội được sang thẳng Hoa Kỳ, tới tận nơi chống cộng mạnh nhất để nói thẳng với bà con về chuyện đoàn kết dân tộc. Người ta có thể xem những lời ông nói là của “nhà ngoại giao,” tất nhiên ông không thể nói khác. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng ông nói thật, nói bằng sự quyết tâm có thật trong con người Nguyễn Thanh Sơn, hơn là lối nói ngoại giao thông thường. Người Việt Nam mình có câu “Lời nói phải, củ cải cũng muốn nghe.” Dường như ông Nguyễn Thanh Sơn đã chuẩn bị tâm lý cho người nghe phải nhìn nhận cái sự phải, lẽ phải, có tình có lý trong cách nói, để đối tượng ông muốn nói tới là cộng đồng hải ngoại được thuyết phục. Phong cách khá tự tin, mạnh mẽ, cách trình bày khá lôi cuốn, lý luận chặt chẽ của ông Nguyễn Thanh Sơn được độc giả, khán giả tán thưởng.
 
Đến lần gặp lại trong dịp Xuân Nhâm Thìn, lễ hội ở Hà Nội tháng 2/ 2012
 
Trở lại Hà Nội lần thứ hai, tháng 2, 2012 nhân dịp lễ hội tết Nhâm Thìn, một lần nữa 3 cơ quan truyền thông chúng tôi là Phố Bolsa TV, KBCHN và Việt Weekly vẫn có mặt. Mặc dù trước đó, một vài cơ quan truyền thông bạn có được mời, nhưng phút cuối không ai dám đi, chúng tôi lại được tiếp kiến, nói chuyện với ông thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Ông có vẻ tâm đắc với ý tưởng “Việt Nam bây giờ tự tin trong vấn đề đối thoại với cộng đồng Việt ở ngoài nước” mà chúng tôi đã đánh giá sau chuyến đi lần trước. Trong cuộc trò chuyện đầu năm, ông Nguyễn Thanh Sơn đã mở đường cho một loạt dự án sẽ xảy ra do UBVNVNONN dự tính sẽ thực hiện. Như chuyện thăm vùng biên giới phía Bắc, thăm cửa khẩu và đường biên giới Hà Giang và đặc biệt, dự án đưa kiều bào, nhà báo hải ngoại ra thăm quần đảo Trường Sa khi có điều kiện. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tiết lộ khá nhiều chi tiết về chuyến đi Trường Sa với nhiều buổi lễ tưởng niệm, cầu siêu, thăm hỏi các chiến sĩ biển đảo, làm việc với nhà báo v.v. Lúc nghe ông nói, một phần tôi tin tưởng và muốn những điều ông nói sẽ thành sự thật. Một phần khác, con người báo chí trong tôi luôn nhắc nhở “coi chừng đó là lời ngoại giao.”

Chúng tôi vẫn thấy những lần gặp ông Nguyễn Thanh Sơn cách nói rất mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa chính quyền Việt Nam, người dân Việt Nam và cộng đồng người Việt ở ngoài nước bằng những dự tính, dự án rất táo bạo. Nghe cứ như “chắc như đinh đóng cột.” Điểm đặc biệt trong lần gặp thứ hai này, là những đánh giá, động viên công việc báo chí đầy khó khăn của anh em chúng tôi. Cũng như ông nói thẳng thắn, cụ thể từng sự việc xảy ra trước và sau mấy chuyến đi của chúng tôi với cộng đồng ở hải ngoại. Chứng tỏ ông có theo dõi sát sao, hiểu rõ từng chuyện. Ông nhắc tới những nhân vật chống cộng cực đoan như Phan Kỳ Nhơn, Nguyễn Xuân Nghĩa bằng thái độ vừa lên án, vừa thuyết phục mời gọi của một nhà ngoại giao khôn khéo nhưng quyết liệt. Ông không nói chung chung, mà đưa ra những ví dụ cụ thể, như muốn giải quyết dứt điểm những tồn đọng lâu năm của những vấn đề lẽ ra phải được giải quyết rốt ráo, dựa trên quyền lợi chung của dân tộc. Một lần nữa, những thông điệp của ông được các nhà báo chúng tôi chuyển tải tới bà con ở địa phương Little Saigon, Hoa Kỳ. Những video clip của Phố Bolsa TV giúp khán giả thấy rõ con người bằng xương bằng thịt Nguyễn Thanh Sơn với lối nói đầy tự tin, mạnh mẽ khi đưa ra những ý kiến của mình về vấn đề khác biệt chính kiến, khác biệt chính trị. Trong những lý luận có tính cách chính sách, chủ trương của chính phủ đó, vẫn lấp lánh sự sôi nổi, nhiệt tình của cá tính và thái độ rất tự tin của riêng con người ông Nguyễn Thanh Sơn.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn trong sinh hoạt chung ở biển đảo Trường Sa, tháng 4/2012
 
Phải đến khi được cùng ăn, cùng sống và làm việc với nhau trong chuyến đi Trường Sa 9 ngày liên tiếp, qua nhiều hoạt động từ chính trị, tâm linh đến sinh hoạt đời thường, tôi mới thấy và quyết định viết những suy nghĩ của mình về vị thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. Buổi phỏng vấn đầu tiên, ngày 18 tháng 4, 2012, khi con tàu HQ 571 rời cảng Cát Lái, ông Nguyễn Thanh Sơn đã không ngần ngại trả lời phỏng vấn của Phố Bolsa TV về nghi thức cúng bái trước khi đi ngay ở boong con tàu. Một vài ý kiến e ngại chuyện một viên chức chính phủ lại khom mình đốt nhang, khấn vái trước mặt mọi người theo một nghi thức có vẻ tôn giáo, nên đã có ý ngăn cản những thắc mắc của nhà báo Vũ Hoàng Lân thu hình ảnh ông Nguyễn Thanh Sơn. Nhưng khá bất ngờ “Tôi đã hỏi thẳng, và ông Nguyễn Thanh Sơn đã trả lời thẳng về chuyện này.” Anh Vũ Hoàng Lân kể lại. Chuyện khấn vái vong linh tử sĩ, các hương linh dân sự bỏ mình trên biển cả phù hộ, về độ trì tham dự buổi lễ cầu siêu sẽ tổ chức ngay tại những biển đảo sẽ đi qua, theo ông Nguyễn Thanh Sơn là văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc ta, trải qua bao đời “uống nước nhớ nguồn” là chuyện cần làm, nên làm, có chi phải ngại?

Anh Vũ Hoàng Lân còn tiết lộ thêm nhiều lần khác, chính ông Nguyễn Thanh Sơn trong suốt chuyến đi, đã khuyến khích, tạo điều kiện cho anh được tác nghiệp thoải mái, dễ dàng hơn trong những lúc phải cẩn thận trong những sự việc, nhân sự, nơi chốn cần phải bảo mật theo quy định. Những lời “bảo kê” của ông trưởng đoàn đã giúp đỡ công việc báo chí của anh Vũ Hoàng Lân rất nhiều trong những thước phim quý giá thu thập được từ con tàu HQ-571 cho tới những vùng quân sự được quy định là nghiêm ngặt trên một số biển đảo mà chúng tôi đi qua. Còn đối với nhà báo Nguyễn Phương Hùng và phu nhân ca sĩ Lệ Hằng, tôi được nghe vợ chồng ông được khá nhiều “đặc ân” của ông Thứ trưởng. Nào là lon nước coca ướp lạnh trên phòng lãnh đạo, cho tới chuyện được thể hiện thoải mái hơn con người nghệ sĩ đến từ xứ tự do, có những suy nghĩ, tập quán thói quen hơi khác lạ với cách nghĩ của người trong nước, vẫn được ông Nguyễn Thanh Sơn đặc biệt lưu tâm và động viên. Trước những buổi họp mặt, báo cáo, phát biểu rải rác trong các đảo ở mỗi chuyến đi, ông Nguyễn Thanh Sơn nhiều lần nêu tên anh chị Nguyễn Phương Hùng-Lệ Hằng, mời phát biểu trước mọi người.

Như chuyện chiếc vé máy bay khứ hồi được “đặc biệt đãi ngộ” dành cho các nhà báo quận Cam bay từ Hà Nội về lại Saigon cũng do anh Nguyễn Phương Hùng yêu cầu và ông Nguyễn Thanh Sơn thông cảm cho sự khó khăn tài chánh của vợ chồng anh cũng là một điểm son nên được nói thêm. Người ta có thể cho là “vì ngoại giao, muốn được việc nên phải như vậy.” Hay “các nhà báo bị lợi dụng để tuyên truyền” chăng nữa. Nhưng theo tôi, để được việc (ngay cả tuyên truyền) ông Nguyễn Thanh Sơn đã biết nhìn ra hiệu quả cần có cho những quyết định bên ngoài quy định, chủ trương chung. Ở đâu có người tốt, biết tôn trọng lẽ phải, lợi ích chung, thì những hành xử tưởng như “vô lý” lại hóa ra rất hợp lý, hợp tình. Nhiếp ảnh gia Hứa Trung Quân (Việt Weekly) vẫn thường nghe cho tôi nghe, chuyện “nể” ông Nguyễn Thanh Sơn ở khả năng rất tận tâm với những sinh hoạt tâm linh, những buổi cầu siêu, “ngồi thiền hàng giờ không mệt mỏi đâu phải là chuyện ai cũng có thể ngồi?” ông Trung Quân nhận xét về những buổi lễ cầu siêu ở chùa, ở bờ biển, vùng biển trong suốt chuyến đi khi thấy không bao giờ thấy ông Nguyễn Thanh Sơn uể oải, mệt mỏi, làm cho lấy lệ ở các nghi thức có tính chất tâm linh hay tôn giáo nào. Các nhà ngoại cảm đi theo đoàn như Nguyễn Văn Nhã, Tô Dung cũng có cùng nhận xét. Họ cho rằng, sở dĩ đoàn công tác số 6 đi êm ả, sóng êm biển lặng vì tính chất đặc biệt của các thành phần tham dự (đại diện tôn giáo, ban ngành chính phủ, quân và dân, kiều bào, nghệ sĩ, nhà báo v.v.) còn có thêm yếu tố rất chân thành, thiện tâm thiện ý của các vị lãnh đạo đoàn là thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Phạm Dũng và đại tá Đỗ Minh Thái, đặc biệt là tinh thần nhiệt thành của ông trưởng đoàn Nguyễn Thanh Sơn. Ngoài ra, tôi còn được nghe nhiều người thích sự hòa đồng, thân thiệt của ông trong các lúc gặp gỡ mọi người, tham gia văn nghệ (giọng hát rất trầm ấm) và các sinh hoạt hàng ngày khác, không có khoảng cách giữa “thủ trưởng” và “nhân viên”.
 
Còn tôi, có dịp cùng ông Nguyễn Thanh Sơn đi bộ từ chùa Song Tử Tây gần sát bãi biển trở về khu nhà trung tâm của lính, chúng tôi đã có dịp nói chuyện với nhau. Ông Nguyễn Thanh Sơn gởi gắm niềm tin vào công việc báo chí đầy khó khăn của chúng tôi khi trở về Hoa Kỳ. Ông hỏi han về đời sống riêng của tôi, ông nói về những dự định sắp làm của ông. Trong bóng đêm nóng ẩm của vùng biển Trường Sa, từ ông tôi thấy dường như một năng lượng dồi dào của một con người sôi nổi, dám nói dám làm và quyết tâm thực hiện những gì mình cam kết.
 
Cần có thêm những nhà ngoại giao như Nguyễn Thanh Sơn
 
Việc chọn người hay người chọn việc, tôi không biết vế nào cần hơn. Nhưng UBNNVNVNONN chọn ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn làm chủ nhiệm, tôi cho quả là đúng người đúng việc. Công việc đối ngoại với người nước ngoài, như các vị Tổng lãnh sự hay Đại sứ có những khó khăn nhất định, tuy nhiên, để “đối phó” với người cùng giòng máu, cùng huyết mạch nhưng khác biệt chính kiến, khác biệt quan điểm thật không dễ chút nào, có khi còn khó gấp nhiều lần hơn công việc ngoại giao với người ngoài. Tuy cũng là người Việt với nhau, nhưng những hận thù, ân oán từ thế hệ này, truyền qua thế hệ khác từ những năm nảo năm nào vẫn còn là những rào cản tưởng như “vô phương cứu chữa” đã tồn đọng suốt 37 năm qua. Việc đối thoại không còn là đãi bôi, nói cho có, mà cần phải thành tâm, hiểu biết và cảm thông. Chuyện ai đúng ai sai, lịch sử sẽ phán xét. Chuyện ai thắng ai bại, cứ nhìn vào thực tế để đánh giá. Trong công việc ngoại giao đối với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, nhờ có những nhà ngoại giao tâm huyết như ông Nguyễn Thanh Sơn, qua các chuyến đi của nhóm nhà báo quận Cam chúng tôi, đã đưa những thông điệp cụ thể về đất nước qua những lời nói, hình ảnh, việc làm…đã có nhiều dấu hiệu khả quan, tích cực hơn. Có lẽ, vận nước Việt Nam đang tới hồi tốt đẹp, nên đã khiến cho những nơi cần có người tốt, để dùng cái tâm của mình giải quyết vấn đề hơn là cứng ngắc bằng chính sách. Cái tâm tôn trọng lẽ phải, cái tâm biết lo cho việc chung, cái tâm biết lúc cứng lúc mềm, cái tâm biết đánh giá và tôn trọng con người đúng cách. Tôi vẫn thấy ở  ông Nguyễn Thanh Sơn, bên cạnh con người ngoại giao khôn ngoan, lịch duyệt, quả quyết…lấp lánh một cái tâm của người biết hành động theo đúng nhu cầu của thời thế đã đặt ra. Và ông đã thành công lớn trong những nhịp cầu bắc qua những khác biệt vẫn còn tồn đọng trong một số người chưa tin, chưa thông cảm ở ngoài nước. Tôi tin rằng với cái tâm có được đó, thì ở cương vị nào, cho dù là ngoại giao hay lãnh đạo đất nước, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng thuyết phục được nhiều người, càng lúc càng nhiều người hơn.

Etcetera (Theo Việt Weekly)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm