A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt kiều Pháp tổ chức triển lãm “Lễ cầu siêu trên Cầu Long Biên”

Cuộc triển lãm nghệ thuật mang tên “Lễ cầu siêu trên Cầu Long Biên – Requiem on the Long Bien Bridge”của kiến trúc sư Nguyễn Nga, một kiều bào tại Pháp, vừa khai mạc ngày 3/2 tại Maison des Arts Hanoi.



Kiến trúc sư Nguyễn Nga
 

Gần 300 tác phẩm thư pháp về Cầu Long Biên được chào bán trong cuộc triển lãm mang đậm chất thơ, thể hiện qua bút pháp của Tiến sĩ Cung Khắc Lược và nhóm thực hiện Vũ Hội Chữ 2008. Tất cả được tái sinh với một sức sống mới trong mùa lễ hội 2015.

Đến với triển lãm trưng bày ở tầng hai căn biệt thự kiểu Pháp nằm trên con phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào một sáng mùa đông lạnh giá, bắt gặp tác giả - kiến trúc sư Nguyễn Nga - đang ngồi trên tràng kỷ ngắm nhìn những tác phẩm trưng bày của mình với một phong thái điềm tĩnh, chúng tôi đã nhanh chóng nhờ bà giải thích cặn kẽ và sâu sắc hơn về ý tưởng và mục đích của buổi triển lãm này.

Chị Nguyễn Nga cho biết, triển lãm “Lễ hội cầu siêu trên cầu Long Biên” là bước đệm để chuẩn bị cho sự kiện chính là Lễ hội “Cầu siêu trên cầu Long Biên” và “Văn hóa các dân tộc vì hòa bình” diễn ra vào ngày 15/02 trên chính cây cầu này. Cầu Long Biên không chỉ đơn giản là cây cầu đầu tiên nối đôi bờ sông Hồng, mà còn là một chứng nhân lịch sử, di tích không thể tách rời của Thủ đô. Tuy nhiên với tình trạng xuống cấp trầm trọng như hiện nay, nếu mọi người đều “thờ ơ hay không có quyết định tu sửa rõ ràng” thì trong tương lai rất có thể Cầu Long Biên sẽ biến mất khỏi sông Hồng. Các nhà nghiên cứu về cấu trúc cây cầu cũng không khỏi thốt lên kinh ngạc khi nó vẫn có thể tải đến hàng nghìn chuyến tàu, hàng vạn con người vẫn ngày ngày đi trên đó như một cung đường quen thuộc không thể tách rời.

“Có lẽ chỉ có thể giải thích bằng tâm linh khi mà hàng vạn vong linh đã quy tụ tại đây. Bắt đầu từ lúc xây dựng cây cầu, vì phải lặn xuống dưới sông trong thùng ép khí với độ sâu đến 30 mét, bao nhiêu người đã phải hy sinh. Tiếp đến là thời gian chiến tranh, bao người đã ngã xuống trên cây cầu ấy… Có rất nhiều ý tưởng cho rằng những vong linh ấy đã giữ lại cây cầu” – Kiến trúc sư Nguyễn Nga giải thích. Dự án cầu siêu trên cầu Long Biên được xây dựng từ đó với hy vọng các vong linh sẽ thực sự được siêu thoát.

Không chỉ dừng lại ở đó, mục đích chính của cuộc triển lãm và dự án “Văn hoá các dân tộc vì hoà bình” nhằm kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả người Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài, của cả bạn bè các nước có quan hệ bang giao với Việt Nam tham gia cải tạo và bảo tồn Cầu Long Biên một cách đúng nghĩa. Trong dịp này, 81 quốc gia sẽ ký vào một quyển sách mang tên “Vì hoà bình cho Việt Nam và thế giới”. Cầu Long Biên sẽ trở thành cây cầu nối tất cả các dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước, và nối Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới… Tác giả hy vọng “Dự án sẽ trở thành Lễ hội vì hòa bình cho một thành phố vì hòa bình được UNESCO tôn vinh và tổ chức mỗi năm một lần”.

Cuộc triển lãm sẽ diễn ra trong 2 tháng, từ 03/02 – 03/04/2015 tại Maison des Arts Hanoi, tầng 2, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Phương Anh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm