Tu nghiệp sinh Việt Nam tại Israel giúp nhau vượt qua 'bão lửa'
Tu nghiệp sinh tại Netivot chuẩn bị phòng trú ẩn để ngủ buổi tối. (Ảnh: Vũ Hội/Vietnam+) |
Trong cơn “bão lửa’ của cuộc xung đột vũ trang Israel-Palestine, cộng đồng sinh viên, tu nghiệp sinh Việt Nam tại đây đang trải qua những ngày tháng đầy khó khăn. Nhưng với tinh thần đoàn kết vượt khó, các tu nghiệp sinh đang hỗ trợ nhau cả về vật chất và tinh thần để tiếp tục duy trì công việc và học tập.
Cuộc xung đột leo thang giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas kiểm soát Dải Gaza của Palestine đang gây xáo trộn lớn trong cuộc sống của người dân khi hai bên tiến hành hàng ngàn cuộc không kích bằng đạn pháo và tên lửa nhằm vào nhau. Thông tin mới nhất cho biết đã có khoảng 200 người ở cả hai bên thiệt mạng.
Tại các thành phố của Israel nhiều cơ quan, tổ chức, trường học phải đóng cửa. Những nơi gần biên giới với Gaza, chiến sự xảy ra khiến đường phố vắng lặng, người dân hoảng sợ không dám ra đường vì nguy cơ đạn pháo.
Phạm Thị Huỳnh Như là một trong 60 tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập và làm việc tại thị trấn Sderot ở miền trung nam Israel, rất gần với biên giới của Dải Gaza. Riêng khu của Huỳnh Như thì có 17 bạn. Trong những ngày vừa qua, đạn pháo từ Gaza bắn rát, cả ban ngày lẫn ban đêm. Còi báo động liên tục vang lên. Ở gần biên giới nên từ lúc có còi báo động đến lúc tìm được chỗ trú ẩn, người dân nơi đây chỉ có dưới 10 giây. Việc làm nhanh nhất có thể lúc đó là nằm rạp xuống đất và dùng tay che chắn phần đầu và cổ. Ngoài việc điều chỉnh chế độ học tập và làm việc, kỹ năng đảm bảo an ninh an toàn là vô cùng quan trọng, như tinh thần cảnh giác thường trực, cài đặt phần mềm cảnh báo rocket, kỹ năng tìm nơi trú ẩn... Nhóm của Huỳnh Như có 8 bạn nữ, thời gian đầu chỉ nghe âm thanh của tiếng nổ và vệt bay của rocket đã rất lo sợ. Nhờ có hướng dẫn thực hiện quy trình an toàn do các trưởng nhóm tiếp nhận từ trung tâm truyền đạt lại, nên các bạn đỡ lo hơn và rất may đến nay chưa có sự cố nào xảy ra. Điện thoại lúc nào cũng đỏ rực phần mềm cảnh báo rocket, Huỳnh Như cho biết: “Hai ngày đầu chúng em rất sợ, vì Việt Nam không có cảnh này. Chúng em chơi thân nên cố gắng động viên nhau, vì một bạn hoảng sợ thì các bạn khác sẽ hoảng sợ theo. Giờ thì chúng em cũng quen rồi. Buổi tối tất cả cùng ngủ luôn trong phòng trú ẩn cho an toàn”.
Tại các thành phố và thị trấn gần với biên giới Gaza, các tòa nhà và nơi công cộng như trạm chờ xe buýt đều có các công trình và địa điểm trú rocket. Trong khu dân cư các gia đình cũng có những căn phòng được xây dựng kiên cố để tránh các mảnh văng của đạn pháo.
Vừa học vừa làm thêm tại một trang trại dưa chuột, cà chua và ớt của Trung tâm Đào tạo Quốc tế Ramat Negev, tu nghiệp sinh Phạm Thị Tươi cho biết vùng này nằm cách xa biên giới với Dải Gaza nên đỡ lo hơn. Cả trung tâm hiện có khoảng 80 tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập và làm việc. Khi xảy ra chiến sự nhờ có thông báo và hướng dẫn của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel nên các bạn hạn chế đi lại, thực hiện tốt các quy định về an toàn phòng tránh bom đạn. Ngoài ra, trong nhóm phân công hỗ trợ và động viên nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, là đảng viên mới, Phạm Thị Tươi càng phát huy vai trò gương mẫu, tìm hiểu tâm tư và động viên các bạn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, giữ mối liên hệ thường xuyên với trưởng nhóm và Đại sứ quán.
Bên cạnh nỗi lo bom đạn, nguy cơ an ninh do xung đột giữa các cộng đồng người Do Thái và Arab tại các thành phố ở Israel cũng là một nỗi lo thường trực. Chiến sự nổ ra đã kích động tâm lý thù ghét nhau giữa các cộng đồng, dẫn đến bạo loạn và đập phá tại thành phố Lod, nơi có cả hai cộng đồng Do Thái và Arab cùng sinh sống, khiến cảnh sát Israel phải thiết lập tình trạng giới nghiêm vào ban đêm.
Tu nghiệp sinh Nhan Thị Bích Ngọc hiện đang sống tại thành phố này đã chứng kiến những dòng người mặc áo đen, cầm cờ kéo nhau đi ngoài đường, và sau đó là khói lửa và tiếng la hét trên đường phố. Bích Ngọc và các bạn dặn dò nhau hạn chế ra ngoài, tuân thủ nghiêm quy định của sở tại, hỗ trợ nhau trong việc đi siêu thị mua đồ... “Chúng em đi đâu cũng đi cùng nhau. Nhờ có sự động viên của gia đình và bạn bè từ Việt Nam gọi sang nên thấy an toàn hơn nhiều”, Ngọc tâm sự.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng, tại Israel có 4 trung tâm đào tạo quốc tế về nông nghiệp lớn là Agrostudies ở miền Bắc, Sderod Negev ở miền Trung Nam (sát Dải Gaza), Ramat Negev và AICAT ở miền Nam. Ngoài cộng đồng người Việt, hàng năm có khoảng 650 sinh viên Việt Nam sang học tập theo chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên hiện tại số thực tập sinh và sinh viên chỉ còn khoảng hơn 400 em. Đại sứ quán luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các kiến nghị của các em.
Khi xung đột Israel-Palestine xảy ra, nhận định tình hình có khả năng diễn biến phức tạp, Đại sứ quán đã liên lạc hàng ngày hàng giờ để nắm bắt tình hình của sinh viên và cộng đồng người Việt tại Israel; ra thông báo hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an ninh an toàn và cung cấp các đầu mối liên hệ bảo vệ công dân; liên lạc với các Trung tâm đào tạo và cơ quan chức năng sở tại đề nghị có biện pháp bảo vệ an toàn cho các tu nghiệp sinh Việt Nam.
Đại sứ Đỗ Minh Hùng cũng đã lên kế hoạch đến các trung tâm sớm nhất có thể, để thăm hỏi động viên và hỗ trợ các em tu nghiệp sinh trong giai đoạn đầy khó khăn hiện nay./.
Theo Vũ Hội (Vietnam+)