A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trí thức, kiều bào người Việt tại Đức kỳ vọng vào Quốc hội khóa mới

Kiều bào tin tưởng Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục đề ra các chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, góp phần thúc đẩy đất nước ngày một phát triển.

Nhân dịp diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đại diện giới trí thức và các hội đoàn người Việt tại Đức đã chia sẻ nhiều ý kiến đánh giá về cuộc bầu cử quan trọng này cũng như hoạt động của Quốc hội khóa XIV.


 Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Xuân Thính - Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt-Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Đề cập tới vai trò và những đóng góp to lớn của Quốc hội khóa XIV đối với sự phát triển đất nước, Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Xuân Thính - Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Đức, đánh giá Quốc hội khóa XIV đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong cả nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIV đã ban hành được 72 luật, 2 pháp lệnh để đưa Hiến pháp năm 2013 vào thực tiễn cuộc sống, qua đó khẳng định được vai trò quan trọng của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thính cho rằng các dự án luật này là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu và tranh luận sôi nổi trên nghị trường Quốc hội. Ông nói: "Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy Quốc hội Việt Nam đã đổi mới và chuyển mình từ quốc hội tham luận sang quốc hội thảo luận và tranh luận. Các cuộc họp quốc hội với những thảo luận và tranh luận sôi nổi đã được tường thuật trực tiếp tới người dân, và bà con kiều bào ta ở nước ngoài cũng có thể theo dõi được các cuộc họp quốc hội. Điều này thể hiện tính dân chủ, công khai, bám sát thực tiễn của Quốc hội khóa XIV."

Theo Giáo sư Thính, Quốc hội khóa XIV cũng đã giám sát bảy chuyên đề liên quan trực tiếp tới sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, quyết định nhiều dự án quan trọng, thông qua đề án tổng thể và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ông khẳng định: "Đây là quyết sách đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực và phát triển bền vững.

Giáo sư Thính nhắc lại con số tăng trưởng bình quân 5,9% trong 5 năm qua, dù chưa đạt được mục tiêu đầu nhiệm kỳ, nhưng cũng là con số ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thế giới. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng thêm ¼ so với đầu nhiệm kỳ, hiện đứng thứ tư trong khối ASEAN; thu nhập bình quân đầu người tăng 145%. Năm 2020, Việt Nam được xếp vị trí thứ 42 trong số 131 quốc gia về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Việt Nam xếp thứ 71 năm 2014).

Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam có chỉ số tăng mạnh nhất trong số 141 nền kinh tế trên toàn thế giới. Đặc biệt chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam tăng mạnh từ vị trí thứ 95 lên vị trí thứ 41 trong 141 nền kinh tế và đây là điều hết sức đáng mừng hội thông qua.

Đồng quan điểm với Giáo sư Thính, ông Nguyễn Quang Anh, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Đức cho rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.


 Ông Nguyễn Quang Anh, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Ông Nguyễn Quang Anh khẳng định: "Tôi thấy điểm nổi bật là phương thức hoạt động của Quốc hội tiếp tục được đổi mới và linh hoạt hơn trước những vấn đề thực tiễn đặt ra. Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng có tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là các kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đề ra chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Quốc hội khóa 14 cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát với những vấn đề bức xúc của cuộc sống, đưa hoạt động này đi vào thực tiễn cuộc sống."

Ông Lê Hồng Cường, Chủ tịch Hội Tân trào tại Đức, đánh giá Quốc hội khóa XIV đã thể hiện sự đoàn kết thống nhất, thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, đưa đất nước từng bước đi lên, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Ông Cường khẳng định: "Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vừa qua là một nhiệm kỳ hết sức thành công, được nhân dân tin tưởng, bạn bè quốc tế nể phục. Đặc biệt, đất nước ta đã có nhiều thành tích nổi bật trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 với những quyết sách hết sức đúng đắn, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Do đó nền kinh tế của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt."


 Ông Lê Hồng Cường, Chủ tịch Hội Tân trào tại Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Nói về vai trò của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động đối ngoại, ông Lê Hồng Cường nêu rõ Quốc hội khóa XIV đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41), được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thính cũng có quan điểm tương tự, nêu rõ Quốc hội Việt Nam đã quyết định và thực hiện chính sách về đối ngoại, giám sát chặt chẽ việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, kịp thời phê chuẩn những hiệp định, điều ước quốc tế quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA)...

Về kỳ vọng của kiều bào đối với Quốc hội khóa mới, Giáo sư Nguyễn Xuân Thính nói: "Tôi rất hy vọng Quốc hội và Chính phủ khóa mới sẽ tiếp tục phát huy những thành tích của khóa XIV để đưa đất nước Việt Nam lên tầm cao mới; đặc biệt là có chính sách phù hợp trong việc đẩy mạnh số hóa nền kinh tế và phát triển khoa học công nghệ, xây dựng một xã hội ngày càng hiện đại. Tôi cũng mong rằng Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm tới cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài với tư cách một phần không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời đề ra những chính sách phù hợp để cộng đồng có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước cũng như nâng cao vị thế, vai trò của cộng đồng đối với nước sở tại. Tôi cho rằng Việt Nam nên tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để kiều bào ta ở nước ngoài có điều kiện kết nối tốt hơn với quê hương đất nước."

Đồng quan điểm với Giáo sư Thính, ông Nguyễn Quang Anh và ông Lê Hồng Cường đều thể hiện tin tưởng Quốc hội khóa mới và sự phát triển đúng hướng của Việt Nam.

Ông Quang Anh nói: "Cá nhân tôi cũng như kiều bào ở đây tin tưởng Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục đề ra các chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp, đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, góp phần thúc đẩy đất nước ngày một phát triển hơn nữa. Tôi cũng kỳ vọng rằng Quốc hội và Chính phủ mới sẽ tiếp tục tăng cường giao lưu hợp tác với các nước khác, trong đó có các nước EU và đặc biệt là Đức, nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo tôi, điều này rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang phải chung sức chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19 như hiện nay. Kiều bào ta tại Đức và châu Âu đều mong muốn nhà nước có thêm nhiều chính sách phù hợp để kết nối kiều bào với trong nước, tạo điều kiện để kiều bào đóng góp hơn nữa cho công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh"./.

Theo Mạnh Hùng-Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm