Trẻ em Việt khắp thế giới vẽ quê hương bằng cả trái tim
Với hơn 1.000 tác phẩm đến từ 17 quốc gia, cuộc thi vẽ tranh “Rực rỡ Việt Nam” không chỉ là sân chơi nghệ thuật dành cho trẻ em mà còn là hành trình kết nối cộng đồng ở Việt Nam và thế giới nhằm lan tỏa niềm tự hào dân tộc.

Nguồn: BTC
Vượt khỏi ranh giới một cuộc thi
Lấy trẻ em làm trung tâm, cuộc thi vẽ tranh “Rực rỡ Việt Nam” tạo cơ hội tiếp cận nghệ thuật cho mọi vùng miền, thông qua các hoạt động thiết thực trên toàn quốc.
Ban tổ chức đã thành công xây dựng mạng lưới đại sứ dự án tại nhiều tỉnh thành để hướng dẫn thông tin tham gia, truyền cảm hứng cho các em nhỏ về việc góp sức lan tỏa di sản văn hóa của địa phương theo cách riêng của mình.
Tiêu biểu là em Nguyễn Thu Trang, đang là học sinh lớp 4, đã chủ động giới thiệu cuộc thi tại nhiều trường học và tổ chức tại Bình Dương.
Bên cạnh đó, hàng trăm phần quà như giấy vẽ, màu vẽ, sách vở đã được Ban tổ chức trao tặng đến các trường học và trung tâm thiếu nhi ở Lào Cai, Huế, Kon Tum... nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo của các em.
Tháng 2 vừa qua, nghệ sĩ, nghiên cứu sinh nghệ thuật Nguyễn Phạm Bảo Thy, hiện đang sống và làm việc tại Pháp, cũng đã tới Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú của thành phố Huế để tổ chức buổi workshop về sáng tạo nghệ thuật cho hơn 20 em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại đây, nhờ sự kết nối và tài trợ của Ban tổ chức cuộc thi “Rực rỡ Việt Nam”.

Nguồn: BTC
Nhiều bạn nhỏ trước khi tham gia chỉ biết đến những biểu tượng, di sản văn hóa quen thuộc như phở bò, Vịnh Hạ Long, Hội An…, nhưng sau đó đã tìm hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa ít được biết tới, như hát bội, lễ hội đua bò, chầu văn, hầu đồng... Từ đó, các em thêm yêu quê hương, nhận thức rõ hơn về giá trị của các di sản và mong muốn lan tỏa điều đó.
Ông Vũ Quốc Huy, giáo viên mỹ thuật tại trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, chia sẻ: “Tôi khuyến khích các em học sinh tham gia cuộc thi để khơi dậy tinh thần sáng tạo trong các bạn, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu với lịch sử và văn hóa dân tộc. Mỗi bức tranh không chỉ thể hiện tài năng hội họa, mà còn là một hành trình khám phá và giữ gìn bản sắc Việt Nam”.
Cây cầu kết nối những giá trị tốt đẹp
Tại Việt Nam, cuộc thi thu hút thiếu nhi từ gần 30 tỉnh, thành trên cả nước, đại diện cho nhiều vùng miền, cũng như 35 trường học đã tích cực hưởng ứng, lồng ghép cuộc thi vào chương trình giáo dục nghệ thuật.

Nguồn: BTC
Điển hình như Alpha School (Hà Nội) gửi 112 tác phẩm, THCS Nguyễn Tất Thành (Hưng Yên) hơn 40 tranh, Tiểu học Trần Phú (Tam Điệp) trên 30 tranh, cùng 52 tác phẩm từ học sinh làng Kon Vơng Kia (Kon Tum), thể hiện bản sắc Tây Nguyên.
Đối với trẻ em Việt ở nước ngoài, cuộc thi còn là cầu nối văn hóa, giúp các em gắn bó hơn với quê hương và cội nguồn. Em Đỗ Minh Phong (sinh năm 2016), sống tại Pháp, vẽ Hồ Hoàn Kiếm và thực hiện video chia sẻ bằng tiếng Việt về truyền thuyết Rùa thần.
Tương tự, em Vũ Linh Sam (9 tuổi, Đức) thể hiện ký ức về Hồ Gươm, còn em Bảo Trâm (Hà Lan) vẽ Vịnh Hạ Long đầy sáng tạo.
Em Dương Linh An (10 tuổi, Phần Lan) gây ấn tượng với tác phẩm “Gifts from the Whale” về văn hóa ngư dân miền biển. Một đại diện đến từ Cộng hòa Áo, em Isabella Mai Ly Gregoritsch (16 tuổi) đã gửi tới cuộc thi một bức tranh vẽ về chủ đề hoa sen.
Bà Trịnh Huyền Trang, phụ trách mỹ thuật tại Hệ thống giáo dục Alpha, chia sẻ: "Các bạn học sinh đã tìm hiểu văn hóa Việt Nam bằng cả trái tim. Qua từng nét cọ, từng chi tiết trong tác phẩm, tôi thấy được niềm tự hào và khát vọng gìn giữ những giá trị đẹp đẽ của bản sắc dân tộc. Mong rằng những nét vẽ ấy cùng với sự hứng khởi của các em, sẽ giúp truyền tải hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách rực rỡ nhất".

Nguồn: BTC
Lan tỏa văn hóa Việt theo cách của người trẻ
“Rực rỡ Việt Nam” được định hướng trở thành sự kiện văn hóa thường niên mỗi năm, nằm trong chiến lược dài hạn nhằm gìn giữ và lan tỏa di sản Việt Nam một cách hệ thống, bền vững.
Với mục tiêu kết nối nghệ thuật, giáo dục và cộng đồng, chương trình mở rộng quy mô từ nông thôn đến thành thị, từ trong nước ra quốc tế, đưa thiếu nhi từ vai trò người tham gia trở thành người kể chuyện văn hóa bằng ngôn ngữ hiện đại.
Cuộc thi đã và đang xây dựng mạng lưới giáo dục văn hóa đa quốc gia, thông qua các hoạt động giao lưu, triển lãm, trải nghiệm tại các trường học ở Pháp và mở rộng ra các quốc gia khác trong châu Âu cũng như trên thế giới.
Song song, Ban tổ chức đẩy mạnh hợp tác với hội đoàn người Việt, doanh nghiệp xuất khẩu để đưa các tác phẩm nghệ thuật thiếu nhi gắn với di sản vào đời sống như dự định về việc in các tác phẩm xuất sắc lên bao bì sản phẩm Việt để xuất khẩu...
Ông Anthony Phương, nghệ sĩ người Pháp, nhà sáng lập Phòng trưng bày Nghệ thuật A2Z Paris, thành viên Ban giám khảo, cho biết: “Chúng tôi mong muốn được kết nối các nền văn hóa, như Pháp với Việt Nam, cũng như phần còn lại của thế giới.

Nguồn: BTC
Với các bạn trẻ người Việt và gốc Việt tham gia cuộc thi này, tôi nghĩ đây là một cơ hội để tái tiếp thu nền văn hóa của chính các bạn ấy, hiểu biết thêm về những đặc trưng và di sản độc đáo ở từng vùng miền. Thêm vào đó, thông qua cuộc thi và các hoạt động triển lãm tại Pháp vì mục đích từ thiện, mục đích cuối cùng của chúng tôi là giúp đỡ các trại trẻ mồ côi và trẻ em khó khăn ở Việt Nam”.
Bà Lê Thị Bảo Nhi, Giám đốc Marketing thương hiệu S2, nhà tài trợ cuộc thi, cho biết: “Rực rỡ Việt Nam để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, không chỉ là một sân chơi nghệ thuật giàu cảm hứng, mà còn là nơi phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng trẻ đầy triển vọng của Việt Nam.
Điều đặc biệt hơn cả, đó là cách cuộc thi lan tỏa văn hóa dân tộc ra thế giới một cách tự nhiên và sáng tạo, thông qua lăng kính nghệ thuật của thế hệ trẻ. Đây cũng chính là tinh thần mà một thương hiệu trẻ trung, năng động như S2 luôn hướng tới và mong muốn đồng hành lan tỏa cùng cộng đồng quốc tế”.

Nguồn: BTC
Cuộc thi vẽ tranh quốc tế “Rực rỡ Việt Nam” được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025) và 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (1973–2025), bởi Hiệp hội ART SPACE, Phòng trưng bày nghệ thuật A2Z tại Paris, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, Hiệp hội Vietnam Bretagne Sud và Vietinter Foods. Cuộc thi được chấm bởi Hội đồng giám khảo gồm 5 nghệ sĩ và chuyên gia đến từ Việt Nam, Pháp và Myanmar, trong đó có Anthony Phuong & Ziwei PhuongGiám đốc Phòng tranh A2Z Art Gallery (Paris), nghệ sĩ Nge Lay (Myanmar), họa sĩ Phạm Bình Chương (Việt Nam), và nhiếp ảnh gia Thảo Nguyễn (Pháp). Thí sinh được chia làm hai bảng: Bảng A (dưới 12 tuổi) và Bảng B (13-17 tuổi). Chỉ sau 2 tháng phát động (từ tháng 2 đến tháng 4), Ban tổ chức cuộc thi “Rực rỡ VIệt Nam” đã nhận được gần 1.000 tác phẩm từ các bạn học sinh ở 5 châu lục và 17 quốc gia, dùng nét vẽ sáng tạo của mình để góp phần lan tỏa vẻ đẹp của di sản văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới. Thời gian chấm giải sẽ diễn ra trong tháng 5 và dự kiến công bố kết quả vào tháng 6 tới. Triển lãm quốc tế sẽ được tổ chức tại nhiều thành phố lớn ở Pháp từ 21/6-15/7 với 150 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn để trưng bày tại các trung tâm văn hóa và triển lãm ở Nantes, Lorient và Paris. 20 tác phẩm được chấm điểm cao nhất bởi Hội đồng giám khảo: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì và 6 giải Ba (cho mỗi bảng) sẽ được trưng bày một tuần tại Phòng tranh A2Z ở thủ đô Paris. Ngoài ra, sẽ có 10 giải “Ấn tượng Việt Nam - Essence of Vietnam” và 2 giải “Tác phẩm truyền cảm hứng - Inspiration Award”, được trao bởi nhà tài trợ Vietinter Foods để khuyến khích các tài năng trẻ có đam mê với di sản văn hóa Việt Nam và thể hiện được điều đó trong tác phẩm. |
Phương Anh/ baoquocte.vn