A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ chức tọa đàm về các phương pháp giảng dạy tiếng Việt tại Đức

Các giảng viên tham dự có thêm cơ hội tiếp xúc, trao đổi về các phương pháp giảng dạy tiếng Việt cũng như nêu ra những khó khăn và gợi ý thiết thực nhằm phát triển việc giảng dạy tiếng Việt tốt hơn.

 Bà Dương Thị Việt Thắng - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Trưởng Bộ phận Giáo dục và Lưu học sinh (người đứng) phát biểu khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Đức/Vietnam+

Ngày 25/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giảng dạy tiếng Việt tại nước ngoài".

Tham dự buổi tọa đàm có 32 thầy cô là những giảng viên từ khoa Đông Nam Á của một số trường đại học, các giảng viên mời giảng và các giáo viên, tình nguyện viên người Việt đang tham gia giảng dạy tiếng Việt tại thủ đô Berlin và nhiều thành phố khác của Đức.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, bà Dương Thị Việt Thắng - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Trưởng Bộ phận Giáo dục và Lưu học sinh, đã ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của các thầy cô giáo đang tham gia giảng dạy tiếng Việt tại Đức cũng như điểm lại một số hoạt động hỗ trợ và quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam đối với công tác giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt, người gốc Việt và cả người Đức.

Bà Thắng hy vọng qua buổi tọa đàm lần này, các giảng viên tham dự có thêm cơ hội tiếp xúc, trao đổi về các phương pháp giảng dạy tiếng Việt cũng như nêu ra những khó khăn và gợi ý thiết thực nhằm phát triển việc giảng dạy tiếng Việt tốt hơn, qua đó góp phần gìn giữ và truyền bá văn hóa Việt Nam tại Đức.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, những người tham gia đã được nghe phần thuyết trình phong phú của phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chí Thuật, giảng viên mời giảng tại trường Đại học Tổng hợp Adam Mickiewicz, Poznan (Ba Lan), về nguồn gốc và sự phát triển của tiếng Việt, qua đó nêu lên những đặc trưng về ngữ pháp, loại từ cần lưu ý trong quá trình giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào và người nước ngoài.

 Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Chí Thuật (ngoài cùng bên trái), giảng viên mời giảng tại trường Đại học Tổng hợp Adam Mickiewicz, Poznan thuyết trình tại buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Đức/Vietnam+

Bên cạnh những nội dung lý thuyết, các thành viên tham gia buổi tọa đàm có cơ hội tham gia, trao đổi về nhiều phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho nhiều nhóm đối tượng đặc thù.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Tham tán Phạm Hoàng Tùng đánh giá cao những đóng góp của các thầy cô giáo trong việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt tại Đức, góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt tại Đức, cũng như đóng góp vào sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Việt-Đức.

 Các giảng viên tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Đức/Vietnam+

Tham tán Phạm Hoàng Tùng cũng cho biết Đại sứ quán Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các thầy cô giáo tài liệu, sách vở, giáo trình... dạy tiếng Việt, góp phần giúp các thầy cô cũng như người học tháo gỡ khó khăn trong quá trình dạy và học.

Hiện nay tại nhiều thành phố ở Đức nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, như Berlin, Dresden, Leipzig, Magdeburg... các hội đoàn người Việt cũng đã tổ chức nhiều lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào, với các giáo viên người Việt đảm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, không có thù lao.

Trong khi đó, tại bang Berlin, Brandenburg và Sachsen, tiếng Việt đã được đưa vào giảng dạy tại các trường như ngoại ngữ tự chọn và các giáo viên người Việt tham gia giảng dạy được chính quyền bang trả lương theo số giờ đứng lớp./.

Anh Đức/ TTXVN


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm