Thân nhân Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về thăm quê hương
Trong các ngày cuối tháng 2/2024, Đoàn 4 thế hệ gia đình Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm do ông Van Cam Charles (cháu nội Cụ) làm Trưởng Đoàn đã về Yên Thế, Bắc Giang thăm, dâng hương tại Khu Di tích Kỳ Đồng và gặp gỡ bà con nơi đây – địa danh gắn liền với những năm tháng Cụ hoạt động ủng hộ phong trào Khởi nghĩa Yên Thế.
Trong dịp này, Đoàn cũng về thăm quê hương Thái Bình - nơi Cụ Kỳ Đồng cất tiếng khóc chào đời. Tham gia cùng Đoàn có đại diện của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao.
Đoàn thân nhân Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về thăm quê hương gồm có đại diện 4 thế hệ thuộc gia đình Cụ, hiện đang sinh sống tại đảo Tahiti thuộc Polynésie, CH Pháp. Các thế hệ con cháu trong gia đình Cụ hiện nay đều mang chữ “Van Cam” trong họ tên.
Tại Bắc Giang, Đoàn đã đến dâng hương tại Khu Di tích Kỳ Đồng tại Động Thiên Thai, xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Đoàn cũng thăm, dâng hương tại Di tích Đền Thề - một trong quần thể di tích liên quan Khởi nghĩa Yên Thế cuả Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang.
Đoàn được Ủy ban Nhân dân Huyện Yên Thế đón tiếp nồng hậu, chia sẻ thông tin về dự án tôn tạo Khu Di tích Kỳ Đồng tại Động Thiên Thai, Xã Hồng Kỳ.
Tại buổi làm việc với Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Huyện Yên Thế, gia đình đã trao đổi, chia sẻ về nguyện vọng mong muốn mang di cốt của Cụ Kỳ Đồng về an táng tại địa phương.
Đại diện Lãnh đạo Huyện Yên Thế, ông Thân Minh Sâm - Phó Chủ tịch UBND Huyện cho biết, địa phương luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng mong muốn của gia đình và tình cảm của nhân dân tại địa phương đối với Cụ Kỳ Đồng.
Tại Thái Bình, Đoàn đã đến thăm trụ sở UBND Xã Văn Cẩm, Đình Ngọc Liễn – nơi thờ Cụ; thăm và thắp hương phần mộ của hai Cụ thân sinh Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm và giao lưu gặp gỡ cùng họ hàng, người dân trong làng.
Bày tỏ niềm xúc động khi lần thứ 2 trở về thăm quê hương Việt Nam, ông Van Cam Charles cảm ơn các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện giúp đỡ, đón tiếp Đoàn thân tình và nồng hậu khi Đoàn trở về thăm quê hương lần này.
Trong suốt 20 năm sau lần trở về thăm quê hương lần thứ 1 (năm 2004), các thế hệ con cháu Cụ Kỳ Đồng luôn nỗ lực tìm hiểu về quê hương cội nguồn. Trong chuyến hành hương lần này, ông và các thành viên gia đình luôn trân quý tấm lòng của Đảng, Nhà nước, bà con quê hương dành cho các thành viên trong Đoàn. Gia đình mong muốn gắn bó và tình cảm yêu thương luôn hướng về quê hương.
Động Thiên Thai là một trong “Thất diệu đồn điền” do Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929) lập ra. Đây là một khu đồn điền lớn thuộc Xã Đồng Kỳ và Hồng Kỳ ngày nay. "Thất diệu đồn điền" được bố trí tựa như 7 ngôi sao sáng của chòm sao Bắc Đẩu, gồm bảy khu (hay bảy trại), gồm: Trại Nhất, Trại Nhì, Trại Ba, Trại Tư, Trại Năm, Trại Sáu và khu Động Thiên Thai. Bảy trại này xắp xếp dọc 2 bên đường từ Đồng Kỳ đi Đồng Vương. Từ đây tới Phồn Xương - Đại Bản Doanh của Đề Thám chừng 4 km. Động Thiên Thai là nơi thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, một danh nhân yêu nước tài hoa, đầy bản lĩnh mà những trang sử chống xâm lược thực dân những năm 90 của thế kỷ XIX còn truyền tụng. Cùng với giá trị lịch sử, Động Thiên Thai còn bảo tồn khá nhiều giá trị văn hoá phi vật thể. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị xã hội quan trọng gắn với làng xã từ xưa tới nay. Đền là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Năm 2012, Động Thiên Thai, Xã Hồng Kỳ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là 1 trong 23 điểm di tích thuộc hệ thống Di tích lịch sử “Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế”. Động Thiên Thai xưa vốn chỉ là khu nhà gianh được Kỳ Đồng xây dựng lên, coi như là nơi giải thoát tinh thần cho mọi người. Tại đây, ông đã làm một số kinh bằng thơ Nôm – Hán để giáo hóa dân. Sau đó cụ Từ Liêm (là giúp việc của Kỳ Đồng) đã cho khắc tài liệu này trên ván gỗ để in, mà đến nay vẫn còn và trở thành những di vật quý giá của di tích này. Sau khi Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm bị thực dân Pháp bắt đi đầy, những người thân tín của ông trước đây lấy Động Thiên Thai để ngụ và cúng Kỳ Đồng khi ông mất (hiện có văn cúng Kỳ Đồng trong ván in sách). Rồi cụ Từ Liêm lại cho làm chùa và động bằng gỗ để cúng Cụ Kỳ Đồng về sau. Từ đó trở đi nhân dân bản thôn và trong vùng gọi đây là Chùa, nhưng thực chất đó là Động Thiên Thai – nơi thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm và tưởng niệm sâu sắc về nhà yêu nước tài hoa này. Năm 2015, nhân dân địa phương cùng chính quyền đã mua lại nếp nhà cũ và dựng lại như hiện nay. Tuy nhiên, do công trình hiện trạng được mua lại từ nếp nhà cũ, nên kiểu dáng kiến trúc không phù hợp. Hơn nữa, trải qua thời gian, công trình cũng đã bị xuống cấp. Vì vậy, việc tu bổ, cải tạo di tích Động Thiên Thai là việc rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện Dự án 6 Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Hồng Kỳ được phân bổ 1.790 triệu VNĐ ngân sách trung ương cùng với ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp để tu bổ, tôn tạo lại tòa Tiền đường và Thượng điện Động Thiên Thai với tổng kích thước là 14,228 x 15,156m. Đến nay các hạng mục tu bổ, tôn tạo đang trong giai đoạn hoàn thành. (Theo Cổng thông tin Điện tử, Ban Dân tộc, Tỉnh Bắc Giang) |
Q.H