Thăm tư gia Thomas Jefferson, nhớ Bác Hồ
Trung tuần tháng 4 vừa rồi, tôi và Joe - Giám đốc một doanh nghiệp, đến thăm khu bảo tàng của Tổng thống thứ 3 Hoa Kỳ - đó là khu Monticello hay còn gọi là nhà của Thomas Jefferson. Đây là tư gia duy nhất trên thế giới được công nhận là di sản thế giới.
Tại quảng trường quốc gia Washington DC có bốn vị được dựng tượng đài tưởng niệm, thì một trong bốn vị ấy là Thomas Jefferson. Năm 1800, Thomas Jefferson nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ khi 57 tuổi. Lúc 46 tuổi, ông là Ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời vị Tổng thống đầu tiên khai sinh ra Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - George Washington. Cũng thời điểm này, ông đệ trình thành lập Đảng Dân chủ là tiền thân của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ ngày nay. Điều đặc biệt là khi 33 tuổi, ông được giao trọng trách chủ bút trong Ủy ban soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ - một tác phẩm nổi tiếng và bất hủ. Ủy ban gồm 5 thành viên hoạt động từ ngày 11/6/1776 đến ngày 5/7/1776. Tức là ông đã viết một tác phẩm nổi tiếng thế giới trong chưa đầy 1 tháng, và kể từ đó tên tuổi của ông gắn liền với Bản Tuyên ngôn Độc lập này của Hoa Kỳ.
Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson ( 1743-1826) |
Tôi đã được đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, được xem nhà tưởng niệm ông ở Washington DC. Còn lần này tôi và Joe đến thăm tư gia Thomas Jefferson đúng dịp sinh nhật ông (Thomas Jefferson sinh ngày 13/4/1743).
Thật là may mắn, đến từ xứ sở xa xôi, sau 278 năm, một người dân bình thường như tôi, lần đầu tiên được thăm ngôi nhà của ông - một con người vĩ đại. Không những là nhà chính trị và văn hoá lỗi lạc, ông còn là luật sư, nhà triết học. Ông còn là nhà canh nông, nhà phát minh ra máy cày, máy gặt cho người nông dân Hoa Kỳ sử dụng. Ông là nhà kiến trúc, thiết kế nhiều trụ sở và dinh thự; trong đó ông dành thời gian 15 năm cuối đời thiết kế và cải tạo nhiều dinh thự cho một số thành phố. Ông đã thiết kế và xây dựng ngôi nhà ông ở thành quần thể kiến trúc tư gia Montecello. Đây là công trình tư gia duy nhất trên thế giới được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1987. Ông thiết kế và xây các toà nhà của Đại học Virginia (UVA) tại thành phố Charllottesville do ông sáng lập và lấy ý tưởng mới của ông về kế hoạch học đại học. Nổi bật nhất trong số này có lẽ là Rotunda, một toà nhà được thiết kế dựa trên nguồn cảm hứng từ đền Pantheon ở Roma, Italia và trường đại học Virginia. Thiết kế và xây dựng ấy được khai trương năm 1825 thì một năm sau ông mất, đúng vào dịp Quốc khánh Hoa Kỳ. Trường đại học này nằm trong quần thể di sản Monticello.
Thomas Jefferson rời khỏi chức vụ và quyền lực Tổng thống vào năm 1809, khi 65 tuổi. Ông đã viết: “Không một người tù nào cảm thấy nhẹ nhàng hơn tôi như khi tôi trút được gánh nặng quyền lực". Ông cảm thấy được tự do khi dùng thời gian cho bạn bè, sách vở, thư từ, đất đai và để vun trồng "các sự theo đuổi trầm lặng của khoa học". Trong khung cảnh của khu nhà Monticello của ông, những câu chữ của Bản tuyên ngôn do ông viết như tái hiện trước mắt tôi: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Và tôi vẫn như nghe giọng ấm áp của Bác Hồ vang lên trong ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngày ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố và diễn giải rõ ràng: "Lời bất hủ ấy ở trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Đi thăm Monticello, tôi thấy mình như trở về tuổi thơ khi mỗi dịp được bố đưa đi thăm khu di tích Kim Liên - nơi Bác Hồ từng sống trong những năm ấu thơ. Tôi thực sự xúc động vì sự trùng lặp khi Joe đưa tôi đến thành phố Charlottesvile thuộc bang Virginia này. Đây là nơi đã sinh ra 3 vị tổng thống thứ 3, thứ 4 và thứ 5 của Hoa Kỳ (Thomas Jefferson, James Madison, James Monroe).
Tôi cũng cảm thấy vinh hạnh và tự hào là người con được sinh ra tại vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi ấy là quê hương của ba người con ưu tú của đất nước - đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú, Tông Bí thư Hà Huy Tập. Chính những người con vĩ đại ấy cũng đã hy sinh cả cuộc đời mình để đấu tranh vì lý tưởng xây dựng một xã hội dân chủ thực sự.
Thomas Jefferson là Tổng thống, nhưng ông cũng là người cần cù, chăm chỉ và đặc biệt là khả năng sáng tạo và tự học sau khi tốt nghiệp Đại học William&Mary. Ông sử dụng nhiều ngoại ngữ khác nhau. Năm 23 tuổi, ông đã trở thành luật sư. Ngôi nhà ông ở trong khuôn viên hơn 2000 ha ở đây là đất ông được thừa kế từ bố mẹ ông để lại. Chính ông tự thiết kế, tự bỏ tiền và công sức để làm trong suốt những năm khi còn trẻ và sau khi rời chức vụ Tổng thống. Khi hết nhiệm kỳ Tổng thống, ông còn nhiều khoản nợ và phải bán bớt tài sản ở khu điền trại này để trả nợ. Con gái ông cũng phải tự xây dựng cuộc sống và không hưởng bổng lộc gì từ cha mình - một vị Tổng thống Hoa Kỳ. Vì vậy, ông được mệnh danh là vị Tổng thống sống trong khu nhà Monticello sang trọng, nhưng là vị Tổng thống nghèo nhất Hoa Kỳ.
Ngôi nhà Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson từng sinh sống |
Bang Virginia thuộc vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Tháng 4 ở xứ sở này, trời vào xuân, không khí mát dịu, rừng xanh bạt ngàn, cỏ non xanh mướt, được cắt phẳng phiu như thảm, muôn hoa khoe sắc. Muông thú thì nhiều vô kể, những chú sóc tinh nghịch đùa giỡn, chim từng đàn kêu ríu ran khắp nơi, đặc biệt loài quạ đen. Loài chim này hồi còn nhỏ khi tôi ở Việt Nam thường thấy nó bay lượn để bắt gà, về sau lớn lên tôi không còn thấy nữa. Nhưng ở đất nước xa xôi này, tôi lại thấy loài quạ này còn nhiều, từng đàn kêu inh ỏi, thơ thẩn dạo bên cạnh từng đoàn người đi. Trên thảo nguyên mênh mông, những đàn bò đen lốm đốm trắng thong thả dạo trong ánh nắng xuân dịu ngọt. Những thị trấn và làng mạc thanh bình. Cảm giác mình như đang trôi trong miền cổ tích. Đi tham quan trong khu bảo tàng từ phòng thí nghiệm canh nông, vườn tược, trường đại học... đều phải dùng đến xe bus. Xe chạy quanh co trong vườn cây bạt ngàn, mát rười rượi.
Dinh thự Montecello có mái vòm cong y như nhà tưởng niệm Thomas Jefferson ở Washington DC. Khi đứng trước ngôi nhà của ông ở, Joe hỏi tôi nghĩ gì về kiến trúc ngôi nhà mà ông tự thiết kế. Joe bảo Thomas Jefferson là người đa tài. Tôi cũng nghĩ như vậy. Và mọi người đều khâm phục trước tài năng của một con người sinh ra 278 năm về trước. Ông là vị Tổng thống đầu tiên được lưỡng đảng bầu. Là vị Tổng thống đầu tiên tuyên thệ nhậm chức tại Washington DC và làm việc tại toà Bạch Ốc. Trong bài diễn văn nhậm chức ông tuyên bố: "Mọi khác biệt về ý kiến không phải là sự khác biệt về nguyên tắc". Đọc câu này tôi lại nhớ tới lời Bác Hồ khi nói về dân chủ.
Tôi đã từng đi dạo quanh hồ Tidal Basin ở Washington DC và ngắm hoa anh đào nở mỗi dịp xuân về. Tôi đã đứng trước nhà tưởng niệm ông soi bóng trầm mặc, uy nghi như một lâu đài cổ kính màu trắng - gam màu đặc trưng ở quần thể kiến trúc trung tâm ở Quảng trường Washington DC. Nhà tưởng niệm ấy của ông được người dân đóng góp xây dựng. Và tôi chợt nghĩ rằng, có lẽ chỉ khi người dân tôn kính và lập nên đài tưởng niệm thì biểu tượng văn hoá phi vật thể ấy mới bền vững và trường tồn với thời gian và lịch sử.
Tôi và Joe cùng khách du lịch đủ màu da ngồi xem đoạn phim giới thiệu ngắn gọn về cuộc đời, gia thế và sự nghiệp của ông, trong đó có chi tiết về tin đồn ông có con riêng với nữ nô lệ tên là Sally Hemings, trong những năm sau khi vợ ông mất. Và những phân tích chứng minh khoa học ADN về những dị nghị ấy đều được thực hiện cho đến tận những năm 2000.
Ngồi bên cạnh Joe, tôi chợt nghĩ, Thomas Jefferson là một vĩ nhân trong lịch sử Hoa Kỳ. Những người tái hiện lịch sử đã dựng lại đúng sự thật, bản chất, chân dung một con người và rất nhân văn mà không hề đẽo gọt về ông, từ người lao động chất phác đến chính khách và tác giả một kiệt tác kinh điển - Bản Tuyên ngôn Độc lập mà nhiều quốc gia trên thế giới trích dẫn. Tác phẩm ấy cùng với Hiến pháp Hoa Kỳ do ông James Madison viết được đệ trình để thông qua tại Quốc hội Hoa Kỳ. Cả hai văn kiện ấy là nền tảng cơ bản để xây dựng nên xã hội dân chủ Hoa Kỳ từ cách đây 245 năm. Tôi nghĩ rằng, thời gian có thể đổi thay nhiều thứ nhưng chắc chắn học thuyết dân chủ ấy luôn trường tồn trong lịch sử nhân loại.
Do không có nhiều thời gian, tôi và Joe không thể qua hết các điểm trong quần thể kiến trúc của khu nhà Thomas Jefferson. Chúng tôi ra về, trong lòng đầy ngưỡng mộ một con người, một vĩ nhân. Rồi thời gian qua đi, sẽ có những con người kế tục viết tiếp lịch sử Hoa Kỳ. Người dân sẽ góp công, góp của để xây dựng nên những tượng đài, những biểu tượng văn hoá phi vật thể mà họ ngưỡng mộ. Nhưng không có những thành quách hay tượng đài nào bền chặt với thời gian bằng tượng đài trong trái tim nhân loại.
Hoa Kỳ ư? Joe nói, kể từ ngày ông ấy khai sinh ra Bản Tuyên ngôn Độc lập cho Hoa Kỳ 1776, đó là cả chặng đường dài luôn phát triển cho quyền lợi của mỗi người dân Hoa Kỳ. Nó không phải là con đường tơ lụa, một con đường không dễ dàng từ thuở lập quốc và tái thiết phát triển, luôn có xung đột lợi ích giữa các đảng phái, nhưng đó là chuỗi đấu tranh bất tận đảm bảo cho mọi công dân Hoa Kỳ được thụ hưởng những giá trị như bản Tuyên ngôn Độc lập do Thomas Jefferson và Hiến pháp James Madison đã viết. Joe nói với tôi những điều tâm huyết của một người con sinh ra trên đất Hoa Kỳ.
Chia tay Joe, tôi ngưỡng mộ vĩ nhân và cũng rất trân quí những gì Joe đã cho tôi biết thêm những điều mình chưa biết. Joe hẹn tôi dịp nào đó khi rảnh sẽ đưa tôi đi thăm một vài nơi khác.
Thăm Montecello - tư gia của Thomas Jefferson, tác giả của Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, - tôi lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu của chúng ta với Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hai trái tim và hai khối óc của hai con người vĩ đại. Hai con người sinh ra khác nhau về không gian, thời gian, văn hoá, màu da và lịch sử..., tuy nhiên có điểm trùng hợp thú vị là: Thomas Jefferson mất đúng ngày quốc khánh Hoa Kỳ là ngày 4/7, còn Bác Hồ mất đúng ngày Quốc khánh nước ta là ngày 2/9. Và hai con người ấy cũng có lý tưởng chung là đấu tranh suốt cả cuộc đời mình cho mục đích cao cả là xây dựng một xã hội dân chủ, mong muốn duy nhất của hai vĩ nhân không có gì ngoài mục đích đã là con người ai cũng được hưởng tự do, ấm no và hạnh phúc. Những câu chữ ấy, tiếng nói ấy, những bài tuyên ngôn ấy không chỉ cho Hoa Kỳ rộng lớn hay một Việt Nam nhỏ bé, mà là tiếng nói chung cho nhân loại. Và có lẽ chính hai con người vĩ đại này đã là sợi dây văn hoá mềm kết nối hai đất nước Việt- Mỹ cách xa nhau nửa vòng trái đất để mở ra một tương lai hợp tác sáng lạn. Và sự thực trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước phát triển rất tốt đẹp trên nhiều mặt. Và ít nhất mỗi con người bình thường cũng có sự gắn kết tình cảm bạn bè nồng ấm như tôi và Joe để sẻ chia về văn hoá và lịch sử.
Nhân dịp 19/5 sinh nhật Bác Hồ kính yêu, thăm Montecello tôi viết đôi dòng tưởng nhớ về Người khi sen đã nở rộ trong ao làng Kim Liên và những đàn cá hồng đang tung tăng bơi lội trong ao cá Bác Hồ ở khu vườn Bác ở Ba Đình- Hà Nội...
Hà An (Hoa Kỳ)