A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết đầm ấm của những người công nhân Việt Nam tại Liên bang Nga

Những tràng pháo hoa, những lời ca tiếng hát, lời chúc ấm áp, hay đơn giản là sự chia sẻ của người bạn cùng làm giúp vơi đi đáng kể nỗi nhớ gia đình, nhớ nhà của những công nhân Việt Nam tại Nga.

Công nhân Công ty may 9/5 quây quần gói bánh chưng trước thềm năm mới Quý Mão 2023

Với người Việt Nam, dù có ở nơi đâu, Tết Nguyên đán vẫn là dịp để quây quần sum họp.

Vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, đồng nội tệ Nga biến động mạnh do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, các xưởng may của người Việt Nam ở Liên bang Nga vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển.

Trong năm vừa qua, các xưởng may của người Việt là ví dụ rõ ràng về sức sống của doanh nghiệp, về sự gắn bó giữa người chủ doanh nghiệp với các công nhân.

Công ty may 9/5 của người Việt ở gần thành phố Tula. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Moskva, hiện xưởng có khoảng 30 công nhân Việt Nam đang làm việc với thu nhập ổn định.

Cái tên 9/5 cho thấy tình cảm doanh nghiệp này dành cho nước Nga bởi đây là ngày kỷ niệm các dân tộc Liên Xô anh em chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Mặc dù ngoài trời lạnh giá, không khí Tết trong công ty rất nhộn nhịp và đầm ấm.

Toàn thể công nhân đã được nghỉ Tết, chủ doanh nghiệp và các công nhân cùng nhau gói bánh chưng, gói giò, xếp gà cánh tiên chuẩn bị đón Năm mới.

Công nhân xưởng 9/5 đến từ rất nhiều tỉnh, thành của Việt Nam như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bạc Liêu, Vĩnh Long...

Hiện nay do không có đường bay trực tiếp từ Việt Nam sang Nga nên lá dong mua trên thị trường để gói bánh chưng ở Nga có giá tới 1.400 ruble/kg (20 USD) và phải đặt trước.

Anh Vũ Đức Hữu, người Thái Bình, cùng vợ là Đoàn Thị Hằng đã gắn bó với công ty may 9/5 từ năm 2011.

Anh Hữu chính là người hướng dẫn cho các công nhân khác cách gói bánh chưng.

Anh Hữu cho biết nhìn chung anh chị em sang đây rất hòa đồng, bảo nhau làm ăn.

Chủ doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến anh chị em công nhân, cả về thu nhập cũng như đời sống.

Anh Hữu chia sẻ: "Mặc dù Tết xa nhà nhưng ban giám đốc vẫn tạo điều kiện gói bánh chưng, tổ chức tất niên, đón giao thừa để anh chị em vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà, gia đình".

Chị Hồ Thị Hoài Linh, quê Nghệ An, mới sang Nga tháng 9/2022 nên vẫn rất nhớ nhà. Trước thềm Năm mới, nỗi nhớ nhung khiến chị Linh không cầm được những giọt nước mắt.

Chị Linh cho biết: “Nói chung cuộc sống bên này cũng dễ hấp thụ. Tuy cháu không hợp với khí hậu lạnh nhưng dần dần mình cũng sẽ quen".

Chị Linh bày tỏ "chúc mọi người sang năm phát tài phát lộc”.

Trong khi đó, tại xưởng may của xí nghiệp may Sarlanter thuộc tỉnh Vladimir, cách thủ đô Moskva khoảng hơn 100km, các công nhân vẫn miệt mài lao động để tích góp thêm chút tiền gửi về cho gia đình.

Hiện xí nghiệp có khoảng 30 công nhân làm việc, bao gồm người Việt Nam, người Uzbekistan và người Tajikistan. Họ sống hòa đồng, gần gũi và luôn giúp đỡ lẫn nhau.

Chủ xí nghiệp vừa tiến hành một đợt tuyển công nhân mới từ Việt Nam sang. Nhóm mới nhất, trong đó có vợ chồng anh Ma Minh Trường, quê Tuyên Quang, và vợ Dương Thị Trang đã từng làm công nhân các khu công nghiệp ở Việt Nam và sang xí nghiệp mới được 2 ngày.

Lần tuyển này, toàn bộ khoản chi phí để sang Liên bang Nga đều do doanh nghiệp chi trả.

Những công nhân vừa sang đều được người lâu năm, có tay nghề, chỉ bảo tận tình để trong thời gian ngắn có thể làm chủ công việc, nhận được lương theo sản phẩm.

Anh Ma Minh Trường rất nhớ nhà vì “hôm nay là 30 Tết rồi, bình thường lúc này đang quây quần với gia đình nhưng thôi cũng phải chấp nhận thôi anh ạ”.

Trước thềm Năm mới, anh gửi lời chúc đến gia đình và mọi người ở xa quê hương, mong những người xa xứ sẽ chia sẻ hoàn cảnh với nhau.

Chị Cao Thị Dung, quê Yên Thành, Nghệ An, sau khi trải qua 20 ngày đào tạo và học nghề, đã có thể kiếm những đồng tiền đầu tiên cho mình.

Vào thời khắc chuyển giao sang Năm mới, chị Dung không khỏi bồi hồi xúc động với nỗi nhớ gia đình.

Chị Dung bày tỏ: “Cái Tết đầu tiên xa gia đình thì nhớ chồng, nhớ con, nhớ gia đình. Nhớ nhà. Chúc chồng con ở nhà mạnh khỏe để mẹ yên tâm làm việc. Năm mới em mong muốn thật khỏe để làm việc, kiếm được nhiều tiền.”

Với công việc ổn định, mức thu nhập trung bình khoảng 800 USD/tháng, người công nhân ở đây sau một thời gian làm việc có thể tích góp được một số tiền không nhỏ cho gia đình mình.

Anh Phùng Đức Long, quê Ba Vì, Hà Nội, làm tại xí nghiệp từ năm 2013 cho biết sau gần 10 năm làm tại xưởng may, anh vừa có thể nuôi 2 đứa con ăn học ở Hà Nội, vừa tích góp xây được một căn nhà. Anh Long chia sẻ: “Vừa rồi năm 2019 em cũng tích góp được một số tiền để làm nhà”.

Cũng với tâm trạng bồi hồi trước thời khắc giao thừa, anh Long cho biết: “Năm mới với những người Việt xa xứ như bọn em thì trong lòng cũng cảm thấy bồn chồn... Ở đây, công ty cũng tổ chức đón tất niên cho anh em rất vui. Đi xa thì cũng nhớ nhà. Nói chung là những ngày cuối năm này ai cũng có tâm trạng nhớ về gia đình, nhớ nơi mình đã sinh ra”.

Anh cũng cho biết đã gọi điện thoại để hỏi thăm chúc mừng gia đình, vợ con.

Những tràng pháo hoa, những lời ca tiếng hát, lời chúc ấm áp, hay đơn giản là sự chia sẻ của người bạn cùng làm giúp vơi đi đáng kể nỗi nhớ gia đình, nhớ nhà của những người công nhân Việt Nam vào thời khắc chuyển giao sang Năm mới./.

Duy Trinh / TTXVN/Vietnam+


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm