A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ra mắt Tài liệu về hỗ trợ cho phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực, mua bán ra nước ngoài

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ UNWOMEN tổ chức ra mắt Tài liệu “Hướng dẫn quy trình, cách thức hỗ trợ, chuyển tuyến dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài (SOP dành cho cán bộ đường dây nóng)”.

 Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với UNWOMEN tổ chức ra mắt Tài liệu “Hướng dẫn quy trình, cách thức hỗ trợ, chuyển tuyến dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài.

Bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, phụ nữ di cư chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng di cư ở Việt Nam trong thập niên gần đây. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm (trước đại dịch COVID-19) Việt Nam có khoảng 110.000 người ra nước ngoài làm việc. Lao động nữ ở nước ngoài có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực theo nhiều cách. Họ bị trả lương thấp hơn thỏa thuận ban đầu, không được chữa trị khi ốm đau, ít được tiếp cận các chế độ y tế và an sinh xã hội, điều kiện sống và làm việc khó khăn thậm chí phải chịu nhiều hình thức bạo lực...

Theo bà Dương Ngọc Linh, trong quá trình xây dựng, tiếp thu và hoàn thiện Tài liệu “Hướng dẫn quy trình, cách thức hỗ trợ, chuyển tuyến dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài (SOP dành cho cán bộ đường dây nóng)”, Trung tâm đã nhận được rất nhiều những ý kiến góp ý từ những người làm công tác hỗ trợ trực tiếp nạn nhân đến các chuyên gia, đại diện các bộ, ban ngành.

Bà Lê Thương, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, tổng số người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản lên đến gần 500.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, người Việt tại Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản.

Sự bất đồng ngôn ngữ khiến môi trường làm việc trở lên lúng túng, người lao động Việt dễ rơi tình huống "bị" cô lập. Nhiều phụ nữ do không có ngôn ngữ không dám đi khám thai sản, tự mình chăm sóc con. Trong khi ngôn ngữ chưa thành thạo mà nhiều nét văn hóa tại Nhật quá khác biệt tại Việt Nam khiến cho đa phần người lao động, đặc biệt là nữ giới mới sang cảm thấy khó khăn và muốn quay trở về.


Trong quá trình hỗ trợ công dân thì phía cá nhân bà cũng như Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản để hỗ trợ trực tiếp trong quá trình đưa trực tiếp công dân về nước.

Theo bà Lê Thương, và việc xây dựng SOP như một nỗ lực quan trọng nhằm thu hẹp khoảng trống trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực ở nước ngoài, mang lại cơ hội tuyệt vời cho nạn nhân bị bạo lực và mua bán người được bảo vệ và phẩm giá của họ được tôn trọng.

Bà Lê Thương, mong muốn sẽ thành lập đường dây nóng tại nước ngoài đặc biệt là tại Nhật Bản. Hội, đoàn tại Nhật sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan làm việc các Công ty xuất khẩu lao động, du học tại Nhật cũng như hội phụ nữ tại xã, phường để tuyên truyền hỗ trợ công dân trước khi đi nước ngoài. Đồng thời, tổ chức thường xuyên hơn nữa các hoạt động diễn đàn tại các nước sở tại để lan toả đến nạn nhân ở nước ngoài.

Phạm Lý/ thoidai.com.vn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm