Phở Việt Nam chinh phục thực khách xứ Hàn
Tuy nhiên, có một điều còn thú vị hơn là ở Hàn Quốc, nếu so sánh với nhiều nước thì cộng đồng người Việt chưa phải là đông nhưng số cửa hàng phở ở Hàn Quốc thuộc loại nhiều nhất.
Chỉ tính riêng ở thủ đô Seoul đã có trên 150 nhà hàng phở. Những phố lớn, những khu vực có trường học, công sở như Kwang Hwa-mun, Insadong, Shinchon, Yongxan, Kangnam… đều tập trung rất đông nhà hàng phở Việt.
Có lẽ đến Hàn Quốc đầu tiên là thương hiệu “Phở Hòa”. Cách đây đúng 10 năm, năm 1999 khi tôi sang Hàn Quốc công tác, khi đó hàng phở chưa nhiều như bây giờ. Tôi được các bạn Hàn Quốc mời đi ăn tối và khi đó chúng tôi đã phải xếp hàng chờ tới 30 phút để được ăn phở.
Khi đó, tôi thực sự cảm thấy thú vị vì ở Việt Nam, dù quán phở có nổi tiếng đến đâu cũng chưa bao giờ tôi phải xếp hàng để ăn phở như vậy.
Lần này, quay trở lại Seoul với vai trò một phóng viên thường trú, tôi thật sự bất ngờ vì nhà hàng phở Việt lại nhiều đến thế. Gần như đến bất cứ khu phố đông đúc nào cũng có thể tìm thấy một hàng phở. Nào là Phở Hòa, Phở Bay, Phở Tài, Phở Sài Gòn, Phở 24…
Có một người bạn từng nói đùa khi chúng tôi đi ăn phở rằng sự phát triển của quán phở Việt tại Hàn Quốc phản ánh mức độ gia tăng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Quả thực, trong vòng 17 năm qua, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Cộng đồng Việt Nam hiện lớn thứ hai trong cộng đồng người nước ngoài tại Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc, với khoảng trên 85.000 người.
Tuy nhiên, phở Việt tại Hàn Quốc lại không phải nhằm phục vụ người Việt, chính vì vậy mà vị phở ở đây đã được thay đổi cho phù hợp với khẩu vị của người dân xứ sở kim chi. Tô phở ở Hàn Quốc cũng to và lượng bánh thì thật nhiều.
Với người Việt, dù ăn khỏe cũng khó lòng ăn hết bát phở này. Rất may, các nhà hàng thường có tô bé để dành cho những người có dạ dày nhỏ. Phở ở Hàn Quốc có giá chần, hành tây ngâm dấm, tương ớt, hành hoa nhưng không có rau mùi.
Người Hàn Quốc nói chung sợ hương vị của các loại rau thơm nên các hàng phở thường bỏ qua, không phục vụ loại rau thơm này. Tuy nhiên, nếu bạn cần và muốn ăn theo đúng cách của người Việt thì trong bếp vẫn luôn sẵn sàng phục vụ.
Qua tìm hiểu tôi được biết người Hàn Quốc rất thích phở bởi với nữ giới phở được xem là món ăn kiêng hiệu quả. Chính vì thế các quán phở luôn được đặt rất gần các trường đại học, đặc biệt là trường nữ sinh.
Còn đối với nam giới, phở là món ăn giã rượu sau những đêm nhậu quá chén.
Tôi đã đến nhiều hàng phở ở Seoul nhưng lần ăn phở ấn tượng nhất và có lẽ là đúng vị phở truyền thống nhất lại là một nhà hàng ở đảo Geoje. Trong một chuyến công tác xuống miền nam, tôi được mời thăm tàu Minam Cruise và được giới thiệu là trên đó có một nhà hàng Việt với quy mô lớn nhất. Tôi đã được gặp 10 đầu bếp Việt Nam đang làm việc tại nhà hàng này.
Toàn bộ tầng 2 của con tàu du lịch Minam được thiết kế để tạo phong cách Việt. Từ những bức tranh phong cảnh treo trên tường đến những chiếc nón lá đều gợi cho những người Việt chúng tôi cảm giác thân thuộc từ quê hương.
Hàng ngày, các đầu bếp Việt Nam phục vụ các món ăn truyền thống theo thực đơn song có một món đinh của nhà hàng và cũng được trông đợi nhiều nhất là món phở. Điều làm tôi bất ngờ hơn nữa là bánh phở của nhà hàng là bánh tươi do chính các đầu bếp tự làm mỗi sáng. Để có được bánh phở tươi, họ đã phải kỳ công nhập máy làm bánh phở từ Nam Định, một vùng phở nổi tiếng nằm cách Hà Nội khoảng gần 100 km về phía nam.
Chỉ thế thôi vẫn còn chưa đủ, gạo của Hàn Quốc không thể làm được bánh phở do quá dẻo, vì thế anh em phải tìm kiếm rất mất công mới tìm ra được một loại gạo Thái Lan nhập khẩu trên thị trường, tương tự chất gạo Việt Nam, để làm ra bánh phở.
Ở Việt Nam, ăn bánh phở tươi là đương nhiên nhưng có đi ra nước ngoài mới thấy để giữ được đúng hương vị truyền thống quê nhà không phải là chuyện dễ.
Tục ngữ Việt Nam có câu “miếng ngon nhớ lâu”. Câu nói này thật đúng bởi dù đi đến đâu, ấn tượng còn đọng lại với chúng ta là ẩm thực và con người của vùng miền đó.
Với người Hàn Quốc, giờ đây nói đến Việt Nam, dù là những người ít quan tâm nhất, chắc chắn cũng biết đến hai khái niệm đó là phở Việt và áo dài.
Trong công việc, tôi đã gặp rất nhiều người Hàn Quốc và tôi thật vui khi mỗi lần tôi ngỏ ý muốn đãi họ món ăn Việt thì mọi người đều chọn phở.
Khi ở Việt Nam, tôi chưa từng nấu phở, nhưng do thích nấu ăn và được khen là có đôi chút hoa tay tôi đã nhiều lần nấu phở trong một năm sống và làm việc tại Hàn Quốc. Và tôi thực sự vui khi những vị khách mời của tôi, phần lớn đã từng ăn phở ở Việt Nam, đều nói với tôi rằng vị phở do tôi nấu mới đúng là phở Hà Nội.
Tôi muốn giới thiệu đến những bạn Hàn Quốc của tôi một món ăn đậm chất Việt. Tình cờ, mới đây tôi có được đọc một bài viết về cựu phu nhân của ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống chế độ Miền Nam Cộng hòa trước đây, sau nhiều năm sống ở Mỹ nay đã trở về Thành phố Hồ chí Minh và khai trương nhà hàng phở chất lượng cao.
Bà Tuyết Mai nói rằng mong ước của bà là đưa món phở từ một món ăn đường phố vào trong biệt thự.
Qua cuộc phỏng vấn có thể thấy bà Tuyết Mai rất tự hào về món phở truyền thống của Việt Nam. Và tôi cũng đồng ý với bà rằng nếu đã từng ra nước ngoài, nếu đã chứng kiến người ngoại quốc trầm trồ trước vị ngon của ẩm thực Việt hay trước tà áo dài thướt tha của các thiếu nữ, niềm tự hào dân tộc trong huyết quản của mỗi người Việt chúng tôi lại được nâng lên gấp nhiều lần.
Nếu có thể, tôi ước sẽ có một nhà hàng phở truyền thống của Việt Nam được mở tại Seoul và ở nhà hàng đó trang phục áo dài truyền thống sẽ là đồng phục làm việc.
Nếu như vậy, tôi dám chắc rằng nhà hàng sẽ luôn đông khách bởi ngoài việc thưởng thức phở, các thực khách sẽ còn được chiêm ngưỡng vẻ tha thướt đầy quyến rũ của các thiếu nữ Việt Nam quê tôi./.
Khánh Vân (Báo Tin Tức/Vietnam+)