Phật tử kiều bào đồng hành cùng đất nước (Kỳ cuối): Giấc mơ xây chùa Việt
Là cộng đồng người Việt lớn thứ hai ở nước ngoài, bà con kiều bào tại xứ xở hoa anh đào luôn khao khát có một ngôi chùa Việt làm địa điểm sinh hoạt tâm linh chung tại thủ đô Tokyo. Giấc mơ ấy đang dần trở thành hiện thực nhờ sự phát tâm và chung sức của cả cộng đồng.
Tháng Tư năm nay, bà con Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã hoan hỉ tổ chức Lễ động thổ, khởi công xây dựng chùa Đại Ân tại quận Adachi, Tokyo của Nhật Bản. Ngôi chùa dự kiến xây dựng trong 11 tháng và khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối giao thoa hai nền văn hoá Việt - Nhật.
Tâm nguyện của sư cô người Việt
Ước mơ xây dựng chùa của người Việt được sư cô Thích Tâm Trí nhen nhóm từ khi đặt chân tới Nhật Bản du học ngành Phật học vào năm 2010, chính thức theo đuổi công việc phụng sự cộng đồng từ năm 2011 và trở thành Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản từ năm 2014.
Khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần, sư cô chính là người hỗ trợ nơi ăn, chốn ngủ cho những người đồng hương gặp khốn khó ở Nhật Bản, cũng như phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để lo hậu sự cho những người Việt qua đời do bệnh tật và tai nạn.
Năm 2018, sư cô Thích Tâm Trí đã thành lập ngôi chùa có tên chùa Đại Ân Honjo nằm ở tỉnh Saitama. Bên cạnh việc truyền giáo Phật Pháp, ngôi chùa đã trở thành một mái nhà quy tụ các Phật tử, là nơi nương tựa cho nhiều người Việt. Đặc biệt, ở thời điểm dịch Covid-19, sư cô đã hỗ trợ, kết nối, quyên góp và trao tặng nhiều suất quà cứu trợ cho bà con người Việt gặp khó khăn ở Nhật Bản, giúp họ vững tâm vượt qua đại dịch.
Tấm lòng của sư cô đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Hòa bình Niwano – giải thưởng của Quỹ Hòa bình Niwano tại thủ đô Tokyo, dành cho cá nhân hoặc tập thể có nhiều thành tích đóng góp, nhiều hoạt động mang tính thực nghiệm, tiên phong để xây dựng một xã hội hoà bình và mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Niềm vui chung của cộng đồng
Với tinh thần đoàn kết, hướng về quê hương đất nước, trong suốt 10 năm qua, Hội Phật tử Việt Nam ở Nhật Bản tham gia tích cực công tác nhân đạo, giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Nhật, đặc biệt là con em người Việt Nam sinh ra lớn lên tại Nhật Bản hiểu phong tục tập quán, giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc.
Không chỉ hướng dẫn Phật tử Việt Nam trong việc nghiên cứu Phật pháp, tu tập tâm linh, Hội còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước thông qua chương trình giao lưu văn hóa Phật giáo; dạy tiếng Việt cho con em kiều bào đang sinh sống và định cư tại Nhật Bản, dạy tiếng việt cho học sinh người Nhật tại trường Shiba và trường Shotoku và tổ chức các lớp dạy thư pháp, trà đạo cho Phật tử.
Hưởng ứng lời kêu gọi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã chung tay kêu gọi bà con ủng hộ thiện nguyện cho đồng bào trong nước bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi vừa qua. Sư cô Thích Tâm Trí còn trực tiếp đến các địa phương để chuyển trao tình cảm của cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản đến bà con vùng lũ.
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc xây dựng chùa Đại Ân Tokyo, sư cô cho biết cộng đồng người Việt ở thủ đô rất cần một ngôi nhà tâm linh nên sẽ chung tay và huy động các nguồn lực để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
Tâm nguyện của sư cô cũng được các tổ chức, cá nhân ủng hộ như Tổ chức Giao lưu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản đã tổ chức giải bóng đá từ thiện FAVIJA CHARITY CUP 2024 vào tháng 10/2024.
Thông qua giải đấu, Ban tổ chức muốn kêu gọi cộng đồng cùng chung tay góp sức vào dự án xây dựng chùa với các giá trị tâm linh, đạo đức, giáo dục và hướng thiện.
Tháng 11 vừa qua, Chương trình ca nhạc từ thiện gây quỹ xây chùa Đại Ân Tokyo mang tên Tâm linh đất Việt được tổ chức tại Gunma và Tokyo. Góp mặt tại đêm nhạc có nghệ sĩ cải lương Thoại Mỹ, danh ca hát văn Hoài Thanh, ca sĩ thần tượng bolero Quỳnh Trang cùng các văn nghệ sĩ người Việt tại Nhật, ca sĩ người Nhật và các thanh thiếu niên người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc này đã trở thành nhịp cầu kết nối cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản với cội nguồn văn hóa và tâm linh quê hương.
Khẳng định việc xây dựng chùa là niềm vui chung của kiều bào ở xứ sở hoa anh đào, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu mong sư cô Thích Tâm Trí sớm đạt được sở nguyện và cộng đồng sớm có một mái chùa mang hồn thiêng đất Việt giữa lòng Tokyo.
Sư cô Thích Tâm Trí chia sẻ thêm: “Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa những mục tiêu nâng cao tinh thần tương thân tương ái trong người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước lên tầm cao mới, đồng thời xây dựng cộng đồng ngày càng đoàn kết hơn, hướng tới tu tập chánh pháp, cùng nhau hướng về Tổ quốc thân yêu”.
Có thể thấy, trong suốt quá trình tu hành và hoạt động Phật sự ở nước ngoài, sư thầy Pháp Quang, Thượng tọa Thích Minh Quang, Thượng tọa Thích Đức Tuấn, sư cô Thích Tâm Trí… đã lan tỏa giá trị yêu thương, mang hạnh phúc an lạc đến nhiều.
Với cương vị là tu sĩ, họ đóng góp nhiều công sức cho sự hiện diện những ngôi chùa Việt, cũng như đã đem hình ảnh đất nước con người và Phật giáo Việt Nam đến với cộng đồng người bản xứ.
Tại châu Âu, Thượng tọa Thích Trí Chơn cũng đang trụ trì của nhiều ngôi chùa lớn như chùa Giác Đạo (Cộng hòa Czech), chùa Nhân Hòa (Ba Lan), chùa Pháp Hoa (Đức)…
Sau thời gian dài hoạt động, các ngôi chùa Việt ở đây đều trở thành điểm đón Giao thừa, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và các ngày lễ của dân tộc như Giỗ tổ Hùng Vương, Tết Trung thu… giúp tình cảm cảm quê hương, cộng đồng ngày càng thêm gắn kết.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận những đóng góp to lớn của đạo Phật đối với dân tộc, trong đó có sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, dựa trên nền tảng giáo lý mang tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng từ bi, hỉ xả, “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị thư”.
Lấy phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “hộ quốc, an dân” cho đường hướng hành đạo, các Phật tử luôn có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua đây càng thấy rõ Phật giáo chính là một sợi dây giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết hơn và luôn thấy hồn Việt ở bên mình.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đều đánh giá cao bà con kiều bào, trong đó có các tăng ni, Phật tử luôn thực hiện tốt pháp luật nước sở tại; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; hướng về quê hương, nhất là trong việc chia sẻ, đóng góp nguồn nhân lực, vật lực cho các hoạt động bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế - xã hội ở quê hương.
An Bình/ baoquocte.vn