A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ giáo sư gốc Việt đoạt giải "Nobel Thiên văn học" nêu cách nhìn mới về hệ Mặt trời

Chiều 24/7, nữ GS.TS người Mỹ gốc Việt Lưu Lệ Hằng – người từng vinh dự nhận hai giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực thiên văn học là Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với hàng trăm sinh viên, học sinh, giảng viên và những người yêu thích thiên văn học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.



 GS.TS Lưu Lệ Hằng

Tại buổi giao lưu, GS.TS Lưu Lệ Hằng đã trình bày những cách nhìn mới về Hệ Mặt Trời khiến những người tham gia buổi giao lưu có những hiểu biết mới và rõ hơn về sự hình thành của các hành tinh, sao chổi trong Hệ Mặt Trời.

GS.TS Lưu Lệ Hằng cho biết đến đầu những năm 1990, các nhà thiên văn học nghĩ là họ biết tất cả mọi thứ trong hệ mặt trời: Khảo cứu về hệ mặt trời được cho là đã hoàn chỉnh.

Nhiều nhà thiên văn chắc hẳn đã đặt câu hỏi: Tại sao phải bận tâm nghiên cứu hệ mặt trời trong khi chúng ta đã biết tất cả mọi thứ. Nhưng vào năm 1992, việc phát hiện một quần thể mới với vật thể bên ngoài Hải Vương Tinh, được coi là Vành Đai Kuiper, đã làm đảo lộn quan điểm này và cho thấy rằng chúng ta vẫn còn rất xa để có thể hiểu biết đầy đủ về Hệ Mặt Trời.

Lý thuyết nói rằng tất cả mọi thứ trong hệ mặt trời được hình thành từ một đám mây phân tử. Khi đám mây co sụp lại, nó trở thành một đĩa (tinh vân mặt trời) đầy bụi và khí, với một chỗ phình ra ở chính giữa, nơi sau này trở thành mặt trời. Tinh vân mặt trời có dạng đĩa vì quỹ đạo của tất cả 8 hành tinh trong hệ mặt trời nằm gần như trong cùng một mặt phẳng (mặt phẳng hoàng đạo).

Năm 1949, một nhà khoa học Ireland tên là Keneneth Edgeworth suy đoán rằng, ngay cả khi hệ mặt trời của chúng ta dường như có đường biên ở Hải Vương Tinh hoặc Diêm Vương Tinh, có vẻ như tinh vân mặt trời không bị giới hạn đột ngột ở đường biên này. Có thể vẫn còn một hệ các vật thể nhỏ bên ngoài Hải Vương Tinh.

Vào năm 1951, nhà thiên văn Gerard Kuiper đã nhắc lại ý tưởng này một lần nữa. Những vật thể bên ngoài Hải Vương Tinh sẽ không thể đạt tới kích thước của hành tinh bởi vì khoảng thời gian giữa các lần va chạm là quá dài để hình thành nên hành tinh, do đó chúng có thước nhỏ hơn, có thể là cỡ sao chổi. Như vậy khu vực bên ngoài các hành tinh được lấp đầy với các vật thể sẽ không bao giờ phát triển thành hành tinh còn sót lại.

Suy đoán của cả hai người gần như đã đi vào quên lãng bởi vì họ không dựa trên bất kỳ tính toán hay mô hình nào. Nhưng ý tưởng về một vành đai sao chổi nằm bên ngoài quỹ đạo Hải Vương Tinh sau đó đã được hồi sinh liên quan đến một vấn đề cuh thể: Các sao chổi đến từ đâu?

Diêm Vương Tinh đã được xác định là hành tinh thứ 9 như thế nào? Trong những năm đầu thế kỷ 20, các nhà thiên văn cho rằng vị trí của Thiên Vương Tinh bị lệch so với dự đoán ban đầu một lượng đáng kể, và nó được giải thích là do hành tinh này bị kéo bởi một hành tinh không được nhìn thấy, gọi là “Hành tinh X”. Năm 1930, Tombaugh tìm thấy Diêm Vương Tinh ở gần vị trí dự đoán và đã tuyên bố tìm thấy một hành tinh mới. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra tốt đẹp với “hành tinh” mới này. “Hành tinh” mới rất khác so với những hành tinh còn lại.

Khi danh hiệu hành tinh của Diêm Vương Tinh bị lung lay, đã có làn sóng phản đối việc loại bỏ nó ra khỏi tập hợp các hành tinh. Một số người cảm thấy bị phản bội: Trong một thời gian dài, họ đã được dạy rằng Diêm Vương Tinh là một hành tinh và bây giờ họ lại được nói rằng điều đó không đúng. Tại sao bây giờ họ phải tin các nhà nghiên cứu thiên văn học?

Câu trả lời hiển nhiên là: Bản chất của khoa học là thay đổi; công việc của các nhà khoa học là để phá bỏ những ý tưởng cũ và thay thế chúng bằng những ý tưởng mới phù hợp hơn với các quan sát. Đó được gọi là tiến bộ khoa học.

Nhiều người, trong đó có các nhà thiên văn nói rằng, hạ cấp Diêm Vương Tinh sẽ là thiếu tôn trọng với Tombaugh, với công chúng đặc biệt là trẻ em vì “ trẻ em thích Diêm Vương Tinh”. Các nhà khoa học không muốn làm tổn thương cảm xúc của mọi người đặc biệt là trẻ em, nhưng khoa học không phụ thuộc vào cảm xúc của công chúng hay trẻ em.

Thực tế là: Diêm Vương Tinh đã được phân loại sai như là một hành tinh, nó là một vật thể lớn nhưng nó cũng chỉ là một vật thể không có gì nổi bật thuộc vành đai Kuiper.

Kể từ khi phát hiện cách đây 20 năm, Vành Đai Kuiper đã hé lộ nhiều điều bất ngờ làm thay đổi đáng kể quan điểm chúng ta về Hệ Mặt Trời.
Hệ Mặt Trời không phải là một trật tự nhưng chúng ta đã từng nghĩ các hành tinh khổng lồ mà chúng ta nghĩ là chuyển động trên các quỹ đạo cố định, đã từng ở vị trí khác. Vành Đai Kuiper chứa những khoảng trống đường biên và những quỹ đạo mà chúng ta chưa hiểu rõ nguồn gốc của chúng.
Nói tóm lại, Hệ Mặt Trời đã chuyển từ trạng thái được cho là hiểu khá rõ sang không hiểu rõ bất cứ điều gì. Liệu đây có phải là một điều tốt?

“Chúng tôi đã phát hiện có hàng triệu thiên thạch ngoài đó, bên mép rìa Thái Dương hệ, trong vành đai Kuiper giống như hành tinh Diêm Vương tinh vậy... Khám phá này làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về định nghĩa hành tinh là gì”, GS Lưu Lệ Hằng nói.

Phát hiện của GS Lưu Lệ Hằng cùng đồng nghiệp là một bước tiến lớn của ngành thiên văn học, kết thúc những nghi ngờ về sự tồn tại của vành đai Kuiper và mở ra hướng mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương Hệ.

Ngay khi bài thuyết trình kết thúc, nhiều sinh viên và những người yêu thích thiên văn đã đặt câu hỏi để tiếp cận cách nhìn mới về Hệ Mặt Trời. GS.TS Lưu Lệ Hằng đã giải đáp và cung cấp nhiều kiến thức thú vị về thiên văn học.

GS. TS Lưu Lệ Hằng cũng đã có lời chân thành chia sẻ tới các bạn trẻ, những thế hệ mới: “Tôi được mời đến nói chuyện với các bạn vì tôi có những phát hiện mới và nhận được các giải thưởng trong thiên văn học. Tôi có thể làm được thì các bạn cũng có thể làm được. Quan trọng là bạn có thể tìm ra thứ bạn yêu thích và kiên nhẫn, cố gắng thực hiện điều đó; và hãy luôn tự hỏi: cách này đã đúng, đã tốt nhất chưa? Đừng bị giới hạn bởi những cách truyền thống mà hãy sáng tạo tìm ra phương pháp mới”.

Trở về Việt Nam và được thăm nhiều nơi trên đất nước, GS Lệ Hằng nhận thấy Việt Nam mình thật tươi đẹp và hi vọng mọi người có thể giữ gìn vẻ đẹp ấy.

GS.Lưu Lệ Hằng tên thường gọi là (Jane X.Luu) sinh năm 1963 ở Sài Gòn và sang Hoa Kỳ năm 1975. Bà học xuất sắc các môn khoa học và giành được một suất học bổng theo học ngành Vật lý tại Trường đại học Stanford.

Năm 1984, sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở Pasadena, sau đó theo học chương trình sau đại học tại Trường đại học California, Bekerley. Ấn tượng bởi các hình ảnh về các hành tinh chụp bởi tàu nghiên cứu không gian Voyager gửi về, bà quyết định theo đuổi ngành thiên văn học.

Sau khi học xong tại Bekerle, bà đến làm nghiên cứu sinh tại Viện công nghệ Massachusetts và làm việc dưới sự hướng dẫn của GS David C. Jewitt. Tại đây, bà đã cùng ông Jewitt nghiên cứu về các vật liệu di chuyển chậm bên ngoài hệ mặt trời.

Năm 1992, sau 5 năm quan sát, họ khám phá ra vành đai Kuiper với 70 ngàn thiên thạch, từ đó mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành của Thái Dương hệ.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ vào năm 27 tuổi, GS.Lưu Lệ Hằng đến giảng dạy tại Đại học Havard rồi Đại học Leiden, Hà Lan. Khi trở lại Mỹ, Bà làm thành viên kỹ thuật thiết bị ở Phòng thí nghiệm Lincoln tại MIT. GS.Lưu Lệ Hằng hiện đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Năm 1991, Hội Thiên văn Mỹ trao tặng Giải thưởng Annie J.Cannon về Thiên văn học để ghi nhận công lao của GS.Lưu Lệ Hằng trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh. Người ta lấy tên bà để đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu.

Năm 2012, GS.Lưu Lệ Hằng vinh dự nhận được hai giải khoa học danh giá: Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli. Trong đó, Giải thưởng Kavli được xem như “Giải Nobel” trong thiên văn học.

Thủy Nguyên

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm