A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những trái mìn nổ chậm

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Doanh nhân, nhà khoa học Việt kiều Canada, là chủ nhà máy công nghệ cao tại Trà Vinh với khoảng 800 nhân viên, đã có bài viết về thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong nhà máy của ông trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 để vừa bảo vệ sự an toàn cho nhân viên vừa duy trì được hoạt động sản xuất.

 Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ

Tôi và nhân viên đều hiểu, thực hiện “ba tại chỗ” giống như đi trên đường đầy những trái mìn nổ chậm.

Tôi nhận được công văn yêu cầu doanh nghiệp phải ngừng thực hiện "ba tại chỗ" sau 15 ngày. Vaccine chỉ làm tôi ớn lạnh, nhưng công văn khiến tôi phát sốt. Sau khi yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng "ba tại chỗ", cơ quan quản lý địa phương đã ra văn bản yêu cầu chúng tôi phải ngừng.

Ngày 1/8, UBND tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Trà Vinh đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn "phải chủ động, linh hoạt áp dụng phương án ba tại chỗ để duy trì sản xuất".

Là công ty công nghệ cao của tỉnh, sản phẩm của chúng tôi đang xuất khẩu sang 63 quốc gia qua những hợp đồng đã được ký dài hạn. Làm ăn với khách hàng nước ngoài rất nguyên tắc, nếu giao hàng trễ hoặc không đúng chất lượng, bạn có thể bị hủy hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho tất cả chi phí liên quan của công ty họ.

Sau hai tuần lập kế hoạch, theo quy định, chúng tôi phải gởi công văn đến Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đề nghị được thực hiện "ba tại chỗ". Nhận được công văn đồng ý từ Ban, chúng tôi chọn 387 nhân viên vào công ty để thực hiện mô hình. Công ty tôi có gần 800 nhân viên, một phần tư làm việc từ nhà, hơn một phần tư còn lại phải tạm ngừng công việc và được trả trợ cấp bằng mức tối thiểu vùng.

Sáng sớm ngày 28/7/2021, nhân viên khăn gói vào nhà máy. Trước đó, chúng tôi hợp đồng với bệnh viện tỉnh đến công ty xét nghiệm PCR Covid-19 và nhận được kết quả mọi người đều âm tính.

Mô hình được áp dụng trong nhà máy trên 20 hecta tại Khu công nghiệp Long Đức. Chúng tôi có hai nhà ăn lớn phục vụ ba bữa cho nhân viên. Khu nuôi trồng riêng gần 10 hecta ở cù lao Long Trị cung cấp thực phẩm sạch và tươi cho nhà ăn.

Nhân viên được chia thành những nhóm nhỏ, ở tại những tòa nhà cách biệt theo từng bộ phận sản xuất. Phòng họp và văn phòng được chuyển thành nơi ở. Quy định của công ty rất nghiêm ngặt, nhân viên không được phép đến gần hàng rào và không được tiếp xúc với người bên ngoài.

Đội bảo vệ của công ty chịu trách nhiệm vòng ngoài, đảm nhận thêm nhiệm vụ nhận hàng và thực phẩm. Họ không được tiếp xúc với người giao hàng và nhân viên trong công ty. Người giao hàng đến, để hàng hóa nơi quy định ngoài hàng rào. Một giờ sau, bảo vệ mặc đồ bảo hộ tới khử trùng, xếp hàng lên xe tải luôn đậu ngoài hàng rào có lắp đèn UVC để tiệt trùng. Hơn ba mươi phút sau, tài xế ra ngoài hàng rào, chạy xe vào bên trong công ty và giao đến các bộ phận. Đội tài xế, tuy đã được tiêm hai mũi vaccine, cũng không được tiếp xúc với đội bảo vệ. Mọi giấy tờ ký tá được thực hiện qua ứng dụng di động.

Bên trong công ty, chúng tôi thực hiện nghiêm túc 5K từ đầu dịch. Trong giờ làm, nhân viên tập thể dục tại chỗ vào 10 giờ sáng và 15 giờ chiều để tránh bệnh văn phòng. Sau giờ làm, họ được khuyến khích chạy bộ, tập thể hình, yoga hoặc chơi cầu lông, quần vợt, bóng chuyền và bóng đá. Quần áo nhân viên, sau khi tắm, được phục vụ mang đi giặt sấy và giao lại hôm sau.

Sau hơn hai tuần, gần 400 nhân viên đã quen dần với sinh hoạt và làm việc tại chỗ, cảm thấy an toàn hơn. Sáng ngày 15/8, 369 người được xét nghiệm nhanh và tiêm ngừa với vaccine AstraZeneca. Mọi người vui mừng và tự tin hơn vì được thêm hàng rào vaccine để chống dịch.

Nhưng khoảng bốn giờ chiều, tôi nhận được công văn yêu cầu doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ 14 ngày tại nhà sau tiêm, đồng thời ngưng "ba tại chỗ".

"Mấy con chuẩn bị để về nhà", tôi đến phòng nghỉ của nhóm kỹ sư và nói. Mọi người nhao lên: "Ủa, sao kỳ vậy chú?". Có cháu nói, giờ về nhà trọ thì tụi con chết đói. Trước giờ, tụi con xuống đây đi làm, ăn cơm ngày ba buổi trong công ty, về phòng trọ là để ngủ qua đêm. Hiện đang giãn cách xã hội, ở nhà trọ không có phiếu đi chợ, mà nếu mua được thực phẩm thì lấy nồi xoong đâu mà nấu, muốn về quê cũng không được. Cháu khác hỏi: "Tại sao mình đang làm rất tốt mà buộc phải ngừng?". Tôi nói rằng, "Mấy con ai muốn ở lại công ty thì viết thư cho ban giám đốc xin ở lại với lý do chính đáng. Chú cháu mình sẽ cố gắng đấu tranh. Chú cũng lo lắm nếu để mấy con phải ra về".

Tôi cố tìm câu trả lời cho lý do doanh nghiệp buộc phải ngừng "ba tại chỗ". Ngày 30/7, một công ty trong cùng khu công nghiệp phát hiện một ca F0, công ty bị phong tỏa, tất cả lao động không được rời nhà xưởng. Mỗi ngày đi qua, nhà máy trở thành "lồng ấp virus", F1 trở thành F0 và F2 trở thành F1. Mười ngày sau có gần 200 ca F0 tại đây. Ngay cả bảy dân quân tự vệ trực chốt cũng trở thành F0 và là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Doanh nghiệp đó chưa thực hiện "ba tại chỗ" đã trở thành ổ dịch. Một công ty may cách chỗ chúng tôi khoảng 25 cây số với gần chục ngàn lao động cũng phát hiện nhiều ca F0 do lây nhiễm từ người trong gia đình về nhà từ vùng dịch.

Doanh nghiệp với F0 đã trở thành nỗi lo của các cấp lãnh đạo địa phương. Vì vài công ty có F0 trong tỉnh, tất cả các doanh nghiệp khác nhận lệnh phải dừng hoạt động khi chúng tôi không có ca F0 nào.

Tôi lại hì hụi viết công văn gởi Ủy ban tỉnh kèm theo các lá thư của nhân viên để "xin" cho công ty được tiếp tục hoạt động. Hai ngày sau, Chủ tịch và Phó chủ tịch tỉnh tổ chức cuộc gặp tại văn phòng ủy ban để nghe tôi trình bày mong muốn được tiếp tục thực hiện "ba tại chỗ".

"Anh có dám cam kết chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu để dịch bệnh lây lan không?", Chủ tịch tỉnh hỏi. Không do dự, tôi trả lời: "Chắc chắn một ngàn phần trăm tôi xin cam kết". Các lãnh đạo hứa sẽ xem xét và trả lời sớm.

Sáu giờ chiều 19/8, tôi nhận được công văn từ Ủy ban tỉnh cho phép tiếp tục mô hình. Giống như một liều vaccine, nó giúp công ty kháng lại con "virus phá sản" mà theo Tổng cục Thống kê đã "giết" hơn 80.000 doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm nay.

Tôi biết, doanh nghiệp thực hiện "ba tại chỗ" giống như đang đi trên đường đầy những "trái mìn F0 nổ chậm" nếu không bước thật thận trọng và khéo léo. Doanh nghiệp thực hiện thành công mô hình này phải có đủ cơ sở vật chất cùng với cái tâm và trách nhiệm của lãnh đạo không riêng bên trong mà còn cả bên ngoài hàng rào của công ty.

Cả nước đâu chỉ mình công ty tôi đang thực hiện "ba tại chỗ", dù chúng ta vẫn đang nỗ lực tìm một mô hình tối ưu hơn. Nhà máy chúng tôi đã không bị đóng cửa vào giờ chót, nhưng nghĩ về hàng nghìn công ty khác, tôi thấy rằng, một khi doanh nghiệp đang thực hiện tốt "ba tại chỗ" mà phải thấp thỏm, chạy vạy khắp nơi để được tiếp tục hoạt động thì có cái gì đó đang sai trong nhận thức và hệ thống quản lý doanh nghiệp của chính quyền. Doanh nhân chúng tôi mong cách làm này được xem xét để điều chỉnh.

Covid-19 đã thay đổi mọi khía cạnh của đời sống, nhưng chúng ta phải chấp nhận để tìm ra lối đi. Người đứng đầu Chính phủ hôm qua vừa đưa ra thông điệp mới trong quan điểm chống dịch quốc gia: "Cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh... thích ứng và có cách làm phù hợp".

"Thích ứng" cũng có nghĩa là chúng ta vừa làm vừa sửa. Sự nhầm lẫn không đáng sợ nếu được điều chỉnh kịp thời. Đáng sợ nhất là mỗi người không quyết tâm vượt qua nỗi sợ hãi của trách nhiệm, làm mình và người chung quanh gục ngã trong trận đại chiến này.

Với doanh nghiệp, F0 tiềm ẩn trong các nhà máy và chính sách khó dự đoán, giật cục đều là những trái mìn nổ chậm.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ (Doanh nhân, nhà khoa học Việt kiều Canada)
(theo Vnexpress.net)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm