A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 30/4/1975 - Ý nghĩa của một bài học lịch sử

Năm nay, tình hình giữa Mỹ và Việt Nam đã đổi khác. Thế nhưng, vẫn còn đó câu hỏi về vấn đề hòa giải và hòa hợp những người Việt ở nước ngoài với nhau và với trong nước. Dù sao đi nữa, ngày 30/4/1975 là ngày lịch sử của dân tộc Việt Nam! Ngày 30/4/1975 là ngày thống nhất đất nước!

 

 Ảnh minh họa

Cứ gần tới ngày 30/4, báo chí và đài truyền hình Mỹ đều nói rất nhiều về Việt Nam. Nhiều báo ra số đặc biệt với những câu chuyện hết sức cảm động. Các tờ báo địa phương đăng lại tên và tiểu sử của từng người trong địa phương họ đã chết trong cuộc chiến. Rõ ràng là dân chúng cũng như chính quyền Mỹ không thể quên được chuyện Việt Nam. Vết thương còn vô cùng nhức nhối trong lòng họ. Các đài truyền hình và các tờ báo lớn đưa phóng viên qua tận Việt Nam để lấy tin tức và tường trình về lễ kỷ niệm sau hơn 40 năm chiến thắng của Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía Việt Nam, năm nay ở Thủ đô Hà Nội cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đang dồn nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19; Lãnh đạo Việt Nam không tổ chức lễ kỷ niệm duyệt binh lớn. 

Về phía Mỹ, người ta kể lại chuyện những quân nhân chiến bại trở về, nước mắt lưng tròng, đầu gục xuống trước sự thờ ơ lãnh đạm của dân chúng. Nhiều cựu chiến binh không tìm được việc làm. Nhiều cựu chiến binh nửa điên nửa khùng, bỏ thành phố đi vào rừng sâu núi thẳm, sống như người tiền sử vì bất mãn với cuộc sống. Các đài truyền hình còn chiếu lại những cảnh biểu tình chống chiến tranh trên đường phố, cảnh đụng độ giữa người biểu tình với lính bảo an, có người bị lính bảo an bắn chết, nhiều người bị thương. Nhà báo phỏng vấn những người biểu tình trên đường phố thì đa số cho rằng việc làm của họ tuy gây chia rẽ, làm lung lay tinh thần chiến đấu của các binh sĩ ngoài mặt trận, nhưng việc làm đó vẫn là đúng vì cuộc chiến tranh này không có chính nghĩa. Họ chỉ tiếc rằng họ đã để con em họ chiến bại thảm thương - một chiến bại đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ!

Nhân ngày 30/4, nhiều người ở các tiểu bang xa xôi tới thăm Đài Tưởng niệm các tử sĩ ở Washington D.C với những bó hoa được đặt dưới chân đài. Nhiều bà mẹ mắt mờ đẫm lệ vì những lần đấu tranh trong tuyệt vọng, trong đớn đau tủi nhục, để rồi phải rước lấy chiến bại thảm thương ê chề cay đắng. Ngón tay run run lần từng tên họ của chồng mình hoặc con em mình khắc trên tấm bia đá hoa cương. Từng có nhiều góa phụ tay bồng tay dắt con, đứng ngậm ngùi dưới trời lất phất mưa. Nhiều đứa con chưa một lần được thấy mặt cha. Những bức thư kỷ niệm cũ rích được mang ra đọc lại; nhiều thư viết cảm động được trích đăng trên báo chí.

Rõ ràng cái hội chứng Việt Nam (The Vietnam Syndrom) vẫn còn đang hoành hành dữ dội trong lòng người dân Mỹ, có lẽ phải năm bảy chục năm nữa may ra mới mong xóa nhòa được!

Bây giờ chúng ta hãy nói đến bình đẳng với người anh em thua cuộc. Tính từ ngày 30/4/1975 cho đến nay là chẵn 45 năm, tôi không dám vơ đũa cả nắm vì những người Việt bỏ nước ra đi (trong đó có tôi) thuộc về đa số của những người thầm lặng không tha thiết với chiêu bài chống Cộng và cũng không có oán thù gì với Việt Cộng, nên khi nào nhớ cố hương thì khăn gói quả mướp về cho bằng được, đi du lịch hay đi thăm các di tích hay cảnh đẹp của quê hương Việt Nam. Người nào muốn lấy vợ thì cũng dễ thôi, vì bây giờ thời buổi văn minh có mối me, công khai đàng hoàng. Xem trên mạng có nhiều Việt kiều bỏ nước, bỏ người yêu ra đi hàng mấy chục năm, giờ về nước gặp lại, người yêu đã có gia đình. Nhưng người yêu cũ không còn tình mà còn nghĩa, dẫn người tình cũ đi giới thiệu cho một cô bạn khác trẻ đẹp hơn mình. Đa số người Việt Nam là vậy đó! Một thứ tình cảm sâu đậm thuộc về dân tộc tính.

Năm nay, tình hình giữa Mỹ và Việt Nam đã đổi khác, không như trước nữa. Thế nhưng vẫn còn đó câu hỏi về vấn đề hòa giải và hòa hợp những người Việt ở nước ngoài với nhau và với trong nước.

Dù sao đi nữa thì: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày lịch sử của dân tộc Việt Nam! Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày thống nhất đất nước!

Cũng nhân dịp tháng 4 năm nay, chúng tôi, những Việt kiều ở Mỹ xin bái phục trước thành quả to lớn mà nền y tế Việt Nam dù sinh sau đẻ muộn so với các nước văn minh khác, đã đạt được. Đại dịch Covid-19 này, Việt Nam không có một người nào chết vì virus corona, trong khi các nước khác giàu có, có nền y tế văn minh tiến bộ hơn ta, như nước Mỹ chẳng hạn có số người chết vì virus corona hơn 50.000 người.

Cũng nhờ dịp này, nước Việt Nam sẽ có danh tiếng tốt trên thế giới. Các nước tư bản có đầu tư công nghệ ở Trung Quốc sau đại dịch này cũng sẽ phải tính đến bài toán đa dạng hóa nguồn cung, để không phải lệ thuộc quá mức vào bất cứ nước nào. Việt Nam có triển vọng là bãi đáp của các nước tư bản Mỹ, Nhật, Mỹ, Úc, Canada, Anh, Đức và các nước Bắc Âu vào đầu tư tại Việt Nam.

Chúng tôi mong mỏi trong một vài năm nữa Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp nhẹ, sản xuất được xe gắn máy, điện thoại cầm tay, TV, máy điện tử, máy giặt… để dân ta khỏi bỏ tiền ra mua của nước ngoài.

Cửu-Long Lê Trọng Văn (Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm