A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Giáo sư Trần Thanh Vân

Sáng 19/10, tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Ngô Hướng Nam đã có buổi tiếp thân mật Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân là Giáo sư Lê Kim Ngọc.

Ông Ngô Hướng Nam trò chuyện thân mật với Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc

Tại buổi tiếp, Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc cảm ơn Lãnh đạo Ủy ban đã dành thời gian tiếp và luôn ủng hộ, đồng hành với những hoạt động của tổ chức Gặp gỡ Việt Nam trong thời gian qua. 

Thông tin về những hoạt động của tổ chức Gặp gỡ Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là những hoạt động gần đây của tổ chức sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát, Giáo sư Trần Thanh Vân cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc về Dự án xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn do Gặp gỡ Việt Nam làm chủ đầu tư trong thời gian gần đây, mong muốn Ủy ban giúp đỡ, hỗ trợ tháo gỡ.

Thay mặt Lãnh đạo Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam bày tỏ vui mừng được đón tiếp vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc, đồng thời chúc mừng thành công của Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam năm 2022.  

Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam ghi nhận và bày tỏ trân trọng những đóng góp của hai Giáo sư đối với đất nước thời gian qua. Những hội thảo do Giáo sư Trần Thanh Vân tổ chức không chỉ có ý nghĩa về mặt chuyên môn mà còn là cầu nối đưa các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam. 

Bên cạnh đó, những hoạt động thiện nguyện của vợ chồng giáo sư như việc xây dựng các trung tâm SOS, vận động GS Odon Vallet trao học bổng cho học sinh và sinh viên Việt Nam là sự động viên rất lớn cả về vật chất và tinh thần cho những người trẻ Việt Nam. Ông mong muốn hai giáo sư tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển khoa học nước nhà và là cầu nối giữa doanh nhân trí thức trẻ kiều bào với quê hương đất nước. 

Về những khó khăn, vướng mắc của Dự án xây dựng Trung tâm ICISE tại Quy Nhơn, Lãnh đạo Ủy ban ghi nhận và hứa sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan hỗ trợ giải quyết. 

Giáo sư Trần Thanh Vân (kiều bào tại Pháp), sinh năm 1936 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Giáo sư Trần Thanh Vân từng  học trung học tại Huế, tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1957, Tiến sĩ khoa học Vật lý tại Paris năm 1963 với bản luận án xuất sắc chỉ rõ rằng hạt proton không phải là "viên gạch cuối cùng" của vật chất, mà là một cấu trúc gồm nhiều "viên gạch" còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại (về sau, được cộng đồng vật lý quốc tế làm sáng tỏ đó là các hạt quark), làm việc tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS). 

Giáo sư Trần Thanh Vân đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển nền vật lý và các hoạt động giáo dục đại học Việt Nam. 

Ông là Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam. Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam (Rencontre du Vietnam) do ông sáng lập từ năm 1993 đến nay đã phát triển một mạng lưới hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới và đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học ở trình độ cao ở Việt Nam, thu hút nhiều nhà khoa học nổi tiến.

Với những thành tựu đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và khả năng tổ chức của mình, Giáo sư Trần Thanh Vân đã trở thành một nhà khoa học gốc Việt có uy tín và có sức thu hút, tập hợp đông đảo những nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Giáo sư Trần Thanh Vân rất có tâm huyết đối với quê hương đất nước. Trong thời kỳ Mỹ cấm vận Việt Nam, gia đình của Giáo sư Trần Thanh Vân đã liên tục giúp đỡ, hỗ trợ cho rất nhiều nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam du học tại CH Pháp. Đặc biệt, từ kinh nghiệm và những mối quan hệ thân thiết với những nhà khoa học Vật lý trên thế giới, Giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập và là Chủ tịch tổ chức khoa học mang tên "Rencontres du Vietnam" (Gặp gỡ Việt Nam). Tháng 10 năm 1993, Giáo sư Trần Thanh Vân đã phối hợp với Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu tổ chức Hội nghị Vật lý mang tên "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ nhất tại Hà Nội, Hội nghị đã thu hút được nhiều nhà Vật lý Hạt cơ bản và Vật lý Thiên văn tham dự, trong đó có nhiều người được tặng giải thưởng Nobel. Cuộc gặp gỡ này đã tạo ấn tượng tốt đối với các nhà khoa học quốc tế, góp phần tích cực vào việc phát triển, hợp tác khoa học giữa Việt Nam và quốc tế. 

Tiếp đó, trong các năm 1995, 1999, 2000, 2004 tổ chức khoa học "Gặp gỡ Việt Nam do Gs. Trần Thanh Vân làm Chủ tịch thông qua sự bảo trợ của Tổng thống Cộng hòa Pháp đã tổ chức các Hội nghị Quốc tế về Vật lý tại Việt Nam. Những Hội nghị Quốc tế về Vật lý này đã thu hút sự tham gia nhiều nhà vật lý nổi tiếng cả về lý thuyết và thực nghiệm nổi tiếng trên thế giới; tạo cơ hội tiếp xúc, giao lưu của các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học quốc tế ở trong và ngoài nước. Sự thành công của những Hội nghị này từng bước thúc đẩy sự hợp tác khoa học giữa các nhà khoa học nước ta và nước ngoài. Kết quả của những Hội nghị này đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao.

Đặc biệt Dự án xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn do Hội Gặp gỡ VN làm chủ đầu tư tổng diện tích 100.000m2 đã được khởi công vào năm 2011 và đến 12/8/2013, hạng mục chính là khu trung tâm hội nghị đã hoàn thành và trở thành nơi gặp gỡ khoa học trình độ cao và là cầu nối cho giới khoa học trong nước và quốc tế.

Trong nhiều năm qua, Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc (Giáo sư - Tiến sĩ Sinh học) đã nhiệt tình hỗ trợ cho nhiều cán bộ, sinh viên và học sinh Việt Nam sang du học tại Pháp, từ việc tìm nguồn kinh phí hỗ trợ, hướng dẫn đề tài đến bổ túc tiếng Pháp, giúp đỡ nơi ăn ở… tình cảm đó của gia đình  Giáo sưTrần Thanh Vân đã được nhiều nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ghi nhận.

Bên cạnh đó, Giáo sư Trần Thanh Vân đã phối hợp với Viện Vật lý Việt Nam tổ chức 9 lớp Vật lý lý thuyết tại Việt Nam, mời nhiều nhà khoa học nước ngoài đến giảng bài. Các lớp học chuyên đề này đã cung cấp những kiến thức mới trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết dành cho những nhà vật lý trẻ có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Kết quả hoạt động khoa học và những đóng góp có hiệu quả của vợ chồng Giáo sưTrần Thanh Vân đối với giới trẻ Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng của nhiều bạn bè quốc tế. Trong số những người bạn của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân nhiệt tình đóng góp, giúp đỡ Việt Nam nổi bật là Giáo sư Ordon Vallet, giáo sư triết học và lịch sử trường đại học Sorbonne, đã dành một phần tiền được thừa kế để thành lập quỹ học bổng Vallet tặng cho những sinh viên và học sinh trung học có thành tích học tập xuất sắc ở các nước nghèo, ông đã quan tâm đặc biệt đến giới trẻ Việt Nam. Từ năm 2001-nay, Giáo sư Ordon Vallet đã đến Việt Nam nhiều lần, cùng vợ chồng Gs. Trần Thanh Vân tổ chức trao tặng 50.000 học bổng cho những sinh viên và học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu ở Việt Nam với tổng giá trị là 350 tỷ đồng Việt Nam.

Học bổng Vallet đã khuyến khích sự nỗ lực học tập của các em, nhiều em đã đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.

Ngoài những hoạt động kết nối nghiên cứu khoa học, vợ chồng Giáo sư còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Vào cuối những năm 60 của thế kỷ 20, vợ chồng  Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc đã đứng ra thành lập tổ chức Aide à l'enfance du Vietnam (AEVN) - Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam, tổ chức này đã được công nhận là thành viên của Hiệp hội Quốc tế các làng trẻ em SOS - hơn 40 năm hoạt động, Hội đã tạo dựng và quyên góp kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động của 3 trung tâm SOS tại Việt Nam:

Năm 1970 xây dựng Làng SOS tại Đà Lạt, nuôi dạy 157 trẻ em mồ côi - kinh phí xây dựng 1 triệu USD và để duy trì làng này, hàng năm AEVN phải cung cấp cho làng khoảng hơn 100.000 USD.

Năm 2001 xây dựng Trung tâm SOS Thủy Xuân tại thành phố Huế, nuôi dưỡng 30 trẻ em mồ côi.

Làng trẻ em SOS tại Đồng Hới - Quảng Bình, trung tâm này có thể đón nhận 140 trẻ em mồ côi (với kinh phí xây dựng là hơn 1 triệu USD).

Nhiên Hương


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm