A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào Thái Lan tự hào gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc

Cộng đồng người Việt ở tỉnh Sakaeo duy trì nhiều tập tục văn hóa tốt đẹp của quê hương nguồn cội như mặc áo dài truyền thống trong những dịp lễ Tết của Việt Nam.

Đại sứ Phạm Việt Hùng (ngoài cùng bên phải) tặng quà lưu niệm cho ông Nguyễn Văn Trí , Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Sakaeo. Ảnh: Huy Tiến/TTXVN

Trong hai ngày 10-11/2, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng đã dẫn dẫn đầu đoàn công tác tới thăm bà con kiều bào tại hai tỉnh biên giới Sakaeo và Chanthaburi ở miền Đông Thái Lan.

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Sakaeo, đã bày tỏ niềm vinh dự khi cùng bà con cộng đồng đón tiếp Đại sứ Phạm Việt Hùng cùng đoàn công tác trong những ngày đầu Xuân Năm Mới.

Theo ông, dù đã sinh sống tại đây trong thời gian rất dài, song cộng đồng người Việt ở tỉnh Sakaeo vẫn duy trì nhiều tập tục văn hóa tốt đẹp của quê hương nguồn cội như mặc áo dài truyền thống trong những dịp lễ Tết của Việt Nam, vẫn giữ công thức nấu các món ăn cổ truyền Việt Nam được ông bà chỉ dạy, cũng như luôn đoàn kết, đùm bọc yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Cộng đồng người gốc Việt huyện Aran tỉnh Sakaeo hiện đã trở thành một cộng đồng vững mạnh, với thị trưởng và hai phó thị trưởng đều mang dòng máu Việt.

Ông Nguyễn Văn Trí cũng phấn khởi cho biết Hội đồng thị trấn Aran mới đây đã phê duyệt dự án xây dựng công trình “Cổng chào văn hóa Thái Lan-Việt Nam” với kinh phí 1,5 triệu baht từ ngân sách địa phương để tôn vinh mối quan hệ hữu nghị gắn bó lâu năm giữa hai đất nước.

Phát biểu với bà con kiều bào, Đại sứ Phạm Việt Hùng bày tỏ đặc biệt xúc động trước sự chào đón nồng ấm, thân tình như một thành viên trong gia đình, vui mừng khi thấy bà con có cuộc sống ổn định, đạt được những thành công nhất định về kinh tế-chính trị trong xã hội sở tại và luôn luôn đoàn kết gắn bó, hướng về quê hương đất nước cội nguồn.

Đại sứ khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chủ trương chính sách coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đây không chỉ là một chủ trương về chính trị mà còn là tình cảm của những người cùng chia sẻ dòng máu dân tộc dù đi bất cứ nơi đâu ở nước ngoài thì cũng đều mong mỏi không quên nguồn cội.

ttxvn-kieu-bao-thai-lan-tu-hao-gin-giu-van-hoa-truyen-thong-dan-toc-1202-3.jpg
Cổng vào Chùa Phước Điền, ngôi chùa Việt cổ được xây dựng từ năm 1834 tại tỉnh Chanthaburi, Thái Lan, trong dịp Tết Nguyên tiêu Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh Đỗ Sinh/TTXVN
 

Đại sứ Phạm Việt Hùng báo cáo với bà con về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cùng mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp về nhiều mặt giữa Việt Nam và Thái Lan, mong bà con cùng gia đình Năm Mới luôn có sức khỏe dồi dào, làm ăn tấn tới, cùng nhau xây dựng cộng đồng ngày càng vững mạnh.

Cũng nhân dịp này, Đại sứ Phạm Việt Hùng đã tới thăm một số gia đình bà con trong cộng đồng, thăm và làm việc với lãnh đạo chính quyền tỉnh Sakaeo.

Tối trước đó, Đại sứ Phạm Việt Hùng cùng các thành viên đoàn công tác đã tới thăm Chùa Phước Điền, một ngôi chùa Việt tại tỉnh Chanthaburi, và tham dự một nghi lễ truyền thống quan trọng của Phật giáo An nam tông, được tổ chức tại chùa vào dịp Rằm tháng Giêng để các phật tử cùng chào đón Năm Mới Ất Tỵ thông qua các nghi lễ Phật giáo và các hoạt động thiền định.

Đại sứ Phạm Việt Hùng cho biết Phật giáo An nam tông là tông phái Phật giáo Việt Nam được hình thành và phát triển tại Thái Lan từ thế kỷ XVIII, đến nay đã trải qua lịch sử hơn 200 năm.

Trong số hơn 20 ngôi chùa thuộc An nam tông, Chùa Phước Điền là một trong số những ngôi chùa Việt lâu đời, được xây dựng từ năm 1834.

Đại sứ vui mừng được biết, trải qua nhiều thế hệ, các vị hòa thượng trong Tăng đoàn vẫn luôn nỗ lực duy trì việc tụng kinh bằng tiếng Việt cùng các nghi lễ truyền thống gắn liền với đặc trưng văn hóa Việt Nam.

Đại sứ nhấn mạnh Phật giáo An nam tông và các ngôi chùa Việt có thể tồn tại, phát triển đến ngày nay là nhờ sự công nhận và hỗ trợ của Hoàng gia Thái Lan, sự ủng hộ của cộng đồng Phật tử các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt tại Thái Lan.

Điều này thể hiện sự giao thoa, phát triển hòa hợp của hai nền văn hóa và mối quan hệ hữu nghị lâu đời, tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Thái Lan./.

(Theo TTXVN/Vietnam+)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm