A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào góp sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững

Sáng 12/11, sau Lễ Khai mạc Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, các đại biểu đã tiến hành phiên họp chuyên đề 1 với chủ đề “Kiều bào với các vấn đề phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh”.

Chủ trì Hội nghị chuyên đề 1 gồm ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Lê Thanh Liêm - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh và Giáo sư Nguyễn Đức Khương - kiều bào tại Pháp.

Giới thiệu mở màn Hội nghị chuyên đề 1, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết: Là một trong 4 chuyên đề của Hội nghị lần này, chuyên đề 1 với chủ đề “Kiều bào với các vấn đề phát triển chung của thành phố Hồ Chí Minh” nhằm trao đổi, đánh giá, đưa ra các kiến nghị giải pháp về các vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài, bền vững của Thành phố. Hội nghị chuyên đề này sẽ tập trung thảo luận vào hai nội dung chính: Thông tin, trao đổi, rút kinh nghiệm, nêu những bài học, mô hình thành công của các nước về các vấn đề phát triển của các nước trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giao thông, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh…, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách để thành phố có thể phát triển hơn nữa; Thông tin, trao đổi về nội dung, hình thức và kiến nghị giải pháp hoặc đặt hàng để giải quyết các vấn đề này.

Thay mặt Ban Tổ chức, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, đã đọc báo cáo dẫn đề Hội nghị chuyên đề 1. Theo đó, Thành phố đã quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của cấp trên và vận dụng sáng tạo cụ thể vào điều kiện thực tiễn của Thành phố, đã lãnh đạo, chỉ đạo nỗ lực phấn đấu trên nhiều mặt; tập trung một số giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, kiềm chế, kiểm soát lạm phát; hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2010 - 2015, góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị.

Có thể nói đạt được những kết quả trên, có một phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trước hết là lực lượng trí thức và doanh nhân kiều bào đã tích cực tham gia đóng góp với thành phố trên nhiều lĩnh vực chính trị đối ngoại, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…

Báo cáo cũng khẳng định để phát huy hơn nữa lợi thế và tiềm năng của kiều bào trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện các biện pháp nhằm huy động sức mạnh lực lượng kiều bào.

Thách thức của TP Hồ Chí Minh trong xu thế hội nhập

Với tinh thần chủ động, thiết thực và hiệu quả, các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các vấn đề hiện còn tồn tại ở TP Hồ Chí Minh. Một số nội dung chính được các đại biểu đề cập đến bao gồm: xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển TP; giải pháp xây dựng thành phố thông minh; phát triển cơ sở hạ tầng; quản lý rủi ro ngập lụt; giải quyết các vấn đề về môi trường, hệ sinh thái và giao thông… của Thành phố.

Các đại biểu cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, thống nhất cho rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển, TP Hồ Chí Minh cần lưu ý đến các vấn đề như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giao thông, phát triển đô thị… vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội của Thành phố.

Bàn về việc phát triển đô thị của Thành phố hiện nay, GS Đặng Lương Mô, kiều bào tại Nhật Bản cho rằng: “Trong những năm gần đây, nhiều ngôi nhà cao tầng, cao ốc mọc lên từ nội đô đến vùng ven với tốc độ chóng mặt. Đây cũng là một điều cũng đáng mừng. Nhưng sự phát triển nhanh chóng này sẽ phát sinh những vấn đề không kém phần nghiêm trọng, ví dụ như tình trạng ùn tắc giao thông hiện tại. Những tòa nhà cao tầng ở TP Hồ Chí Minh đang được xây dựng như thế nào? Tôi thấy, chúng ta đang “lợi dụng chiều cao để giải phóng mặt bằng”. Ở các nước, người ta giải phóng mặt bằng đó để trồng cây xanh, làm bãi đỗ xe, mở rộng lòng đường giao thông, nhưng ở mình thì tôi thấy khác. Thậm chí có những cao ốc xây dựng kín không có chỗ cho cây xanh, không có đường thoát hiểm bên ngoài, không thấy có bể chứa nước trên nóc nhà phòng khi hỏa hoạn, rồi chưa kể đến vấn đề quản lý, vận hành của các chung cư. Tòa nhà cao ốc phải là nơi khiến người dân sống trong đó cảm thấy luôn được đảm bảo an toàn”.

Nhiều kiến nghị đóng góp xây dựng Thành phố phát triển bền vững

Trên cơ sở vạch rõ những hạn chế, những thực trạng còn tồn tại, các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí cho rằng TP Hồ Chí Minh là “đầu tàu” của cả nước, tuy nhiên trong quá trình hội nhập và phát triển, TP cần chú trọng đến các yếu tố như văn hóa, xã hội và môi trường, phát triển kinh tế cần theo hướng bền vững, đưa TP Hồ Chí Minh trở thành “thành phố đáng sống”.

Hướng đến việc xây dựng thành phố thông minh tại TP Hồ Chí Minh, ông David Ngô, kiều bào tại Mỹ đề xuất: Thành phố thông minh là thành phố mà mọi kết nối về hạ tầng công nghệ thông tin là duy nhất. Khi đó, mối quan hệ giữa chính phủ và cơ quan hành chính công với người dân rất tiện lợi, dễ dàng và minh bạch. Ngoài ra, với mô hình thành phố thông minh, thông tin từ trung ương đến địa phương và người dân sẽ được an toàn, nhanh chóng và hiệu quả. Để nắm bắt trào lưu thành phố thông minh này, Chính quyền thành phố cần phải chuẩn bị: Hạ tầng quy hoạch kiến trúc đô thị phải tương đối chuẩn; Hạ tầng về Công nghệ Thông tin (ICT) phải tốt; Hạ tầng về Internet-of-things (các thiết bị đầu cuối từ dân dụng đến các cơ quan hành chính công phải cùng sử dụng một nền tảng kết nối thông minh); Giáo dục về ý thức để người dân có ý thức, thái độ và kỹ năng phù hợp trong việc sử dụng các tiện ích thông minh mà thành phố cung cấp.

Đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, ông Đặng Trung Phước, kiều bào tại Canada cho rằng: Môi trường là nền móng của sự phát triển bền vững. Mất định hướng môi trường không những mục tiêu phát triển bị sụp đổ nhanh chóng mà còn gây nên ảnh hưởng trầm trọng đến nhiều khía cạnh về an toàn đời sống của con người và các sinh vật khác. Khác với các quốc gia tân tiến, Việt Nam vì thiếu kiến thức thiết kế và quy hoạch các công trình xây dựng “tự phát” gần như tràn ngập khắp mọi nơi. Trong cách xây dựng “tự phát”, thiết kế mỹ quan và sử dụng mặt bằng đều rất thô thiển, không hiệu quả. Việc xây dựng tràn lan khắp Thành phố đang được phổ biến triển khai với một cường độ đáng quan ngại. Do đó việc thiết lập Vòng đai xanh TP Hố Chí Minh là một bước đi rất cần thiết và cấp bách. Vòng đai xanh là một vùng môi sinh rộng, liên tục bao quanh hầu hết hoặc toàn diện chu vi ngoại biên của thành phố. Vòng đai xanh được luật pháp bảo vệ là vùng cấm xây cất, bao gồm rừng, vùng ngập nước trong đất liền hoặc ven biển, sông suối thác ghềnh và các vùng đất nông nghiệp. Ở một vị trí nhiệt đới thuận lợi và trong một số ít quốc gia có nguồn sinh vật đa dạng phong phú hàng đầu, nếu thiết lập được Vòng đai xanh, TP Hồ Chí Minh sẽ là một vòng đanh xanh chứa nguồn sinh vật đa dạng phong phú và duy biệt nhất thế giới, góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Tổng kết Hội nghị chuyên đề 1, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm khẳng định: Phiên họp chuyên đề 1 đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận, đạt được nhiều kết quả thực chất. Do thời gian có hạn, các báo cáo, ý kiến của các đại biểu chưa được trình bày sẽ được Ban Tổ chức tập hợp, nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan chuyên môn, báo cáo Lãnh đạo thành phố để tiếp thu, đề xuất các chương trình phối hợp nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới.

Chiều 12/11, các đại biểu sẽ tiến hành Hội nghị chuyên đề 2 với chủ đề “Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh”.

Thủy Trần


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm