A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng nghiệp cho thanh niên Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản

Các diễn giả đã cung cấp những thông tin mới nhất về thị trường lao động, kinh tế, phúc lợi, chính trị xã hội và cơ hội nghề nghiệp cũng như những ưu, nhược điểm của việc ở lại Nhật Bản hoặc rời đi.

 Diễn giả Nguyễn Tuấn Anh, Điều phối viên tại Trung tâm ASEAN-Nhật Bản phân tích về tình hình kinh tế Nhật Bản.  Ảnh: Xuân Giao/TTXVN

Ngày 10/12, Hội Chuyên gia Trẻ Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức sự kiện “The Debaters 2023 - Nên bỏ Yen tìm bình yên?" tại tòa nhà Suruga Bank, quận Chuo, thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Sự kiện hướng tới cộng đồng người Việt trẻ đang làm việc tại Nhật Bản, nhằm tìm ra câu trả lời cho vấn đề nên ở lại Nhật hay rời đi trong bối cảnh đồng yen yếu và kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với nhiều thách thức.

The phóng viên TTXVN tại Tokyo, tham gia sự kiện có các diễn giả giàu kinh nghiệm như ông Nguyễn Tuấn Anh - Điều phối viên tại Trung tâm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng Phát triển Nguồn nhân lực tại FPT Software Japan, Tiến sỹ Tô Kiên - Quản lý, Chuyên viên cấp cao tại Eight-Japan Engineering Consultants, nhà báo Tomiyama Atsushi, ông Miyakawa Eiji - Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Digital Wallet Corporation, cùng đông đảo các bạn trẻ Việt Nam đang học tập, làm việc tại Nhật Bản.

Sự kiện tổ chức theo hình thức tranh luận nhằm cung cấp thông tin từ nhiều góc độ khác nhau, khai thác các vấn đề một cách sâu sắc và đa dạng.

Các diễn giả đã cung cấp những thông tin mới nhất về thị trường lao động, kinh tế, phúc lợi, chính trị xã hội và cơ hội nghề nghiệp cũng như những ưu, nhược điểm của việc ở lại Nhật Bản hoặc rời đi.

Điều này cho phép người tham gia được lắng nghe những quan điểm đa dạng, sau đó tiếp nhận thông tin và cân nhắc con đường sự nghiệp của riêng mình. 

Mở đầu sự kiện, diễn giả Nguyễn Tuấn Anh đã đề cập thẳng vào vấn đề mà người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản quan tâm nhất hiện nay là đồng yen giảm hơn 30% kể từ đầu năm 2022 cùng với việc chi phí sinh hoạt tại nước này tăng cao trong khi mức lương tăng không đáng kể.

Điều này khiến cộng đồng người Việt tại Nhật Bản phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đặc biệt là những người cần gửi tiền về quê nhà tại Việt Nam.

Quang cảnh sự kiện. Ảnh: Xuân Giao/TTXVN

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh đánh giá chính sách kinh tế hiện tại đang giúp các công ty xuất khẩu ở Nhật Bản có mức doanh thu cao kỷ lục, mang đến dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế và hoàn toàn có thể kỳ vọng về việc đồng yen hồi phục.

Vì vậy, việc ở lại hoặc cân nhắc thêm trong thời gian tới là lựa chọn phù hợp, đặc biệt với những người đang làm việc liên quan đến xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề phúc lợi xã hội, diễn giả Tomiyama Atsushi đánh giá mặc dù tại Nhật Bản có rất nhiều lao động Việt Nam nhưng điều kiện và môi trường làm việc cho người Việt chưa tốt, đặc biệt là đối với thực tập sinh.

Cùng với việc đồng yen giảm mạnh, Nhật Bản đã không còn là lựa chọn tối ưu cho lao động Việt Nam. 

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động nước ngoài như tăng lương ngang bằng với người Nhật, sửa đổi đổi hệ thống Thực tập sinh, nới lỏng các thủ tục cư trú và nhập cảnh...

Cùng chia sẻ quan điểm nên ở lại Nhật Bản làm việc, diễn giả Nguyễn Thị Hồng Nhung khẳng định “Nhật Bản vẫn sẽ luôn đủ tốt với ai chuẩn bị đủ.”

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung nhấn mạnh để chuẩn bị tốt cho giai đoạn phát triển tiếp theo, các bạn trẻ cần phải trang bị cho mình tư duy “toàn cầu” (thế giới phẳng hơn và cơ hội làm việc có ở mọi nơi); kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số; và tăng cường giao lưu học hỏi.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nhật Bản đang giảm dần vị thế trên thị trường toàn cầu nhưng vẫn đủ cơ hội phát triển khi người Việt ở Nhật Bản được hưởng chế độ phúc lợi xã hội tốt, chất lượng cuộc sống cao và nhiều đãi ngộ ổn định.

Trong khi đó, Tiến sỹ Tô Kiên đã đưa ra lời phản biện về chủ đề “Nên bỏ Yen tìm bình yên?” với lời khuyên không nên quyết định cảm tính mà nên quyết định trên cơ sở kết hợp nhiều thông tin, tham khảo một số công cụ có tính khoa học để đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Theo đó, Tiến sỹ Tô Kiên đã giới thiệu cho các bạn trẻ 15 yếu tố khi chọn nơi định cư như cơ hội việc làm và lưu trú, mức thu nhập, vật giá sinh hoạt, hệ thống y tế, văn hóa và ngôn ngữ, môi trường an ninh...

VPJ là tổ chức phi lợi nhuận gồm các chuyên gia trẻ Việt Nam làm việc tại Nhật Bản bắt đầu hoạt động từ năm 2016.

Với mục tiêu trở thành trung tâm tư vấn và kết nối nghề nghiệp cho sinh viên và người lao động Việt Nam, VPJ đã tổ chức nhiều sự kiện thảo luận chia sẻ nghề nghiệp, đào tạo phỏng vấn, tư vấn cùng nhiều hoạt động hướng nghiệp khác.

Kết thúc sự kiện “The Debaters 2023,” Ban tổ chức đã dành thời gian để các diễn giả giải đáp thêm những thắc mắc, đồng thời cung cấp tài liệu với hy vọng hỗ trợ các bạn trẻ đưa ra lựa chọn đúng đắn trong tương lai./.

Theo TTXVN/Vietnam+


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm