A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản tích cực kết nối nguồn lực kiều bào trong lĩnh vực phát triển xanh, bền vững

Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, PGS. TS. Lê Đức Anh, Chủ tịch danh dự Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, kỳ vọng, sau Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư sẽ kích hoạt được một nguồn lực tổng hợp từ kiều bào để đóng góp trực tiếp, sâu rộng hơn cho phát triển đất nước.

PGS.TS Lê Đức Anh. Ảnh: NVCC

Ông đánh giá thế nào về nguồn lực chuyên gia và trí thức kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ cao, phát triển xanh, bền vững?

Việt Nam và thế giới đang đứng trước làn sóng phát triển công nghệ cao, tiêu biểu như các công nghệ về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời có nhu cầu cấp bách phải ứng dụng công nghệ cao cho sự phát triển xanh và bền vững của đất nước.

Tại Nhật Bản, nhiều thế hệ kiều bào có trình độ cao đã và đang hoạt động trong các doanh nghiệp, trường đại học và cơ quan nghiên cứu lớn.

Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đóng vai trò là đầu mối chủ yếu để tập hợp các lực lượng này, nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp để nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt tại đất nước Mặt trời mọc và đóng góp sâu rộng vào sự phát triển của quê hương.

Đặc biệt, về lĩnh vực bán dẫn và AI, Chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học lớn của Nhật Bản đang có mối quan tâm rất lớn với Việt Nam, đồng thời tích cực xây dựng các cơ chế và nguồn lực cho việc hợp tác giữa hai nước.

Các chuyên gia Việt trong mạng lưới của Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cũng đang tích cực để kết nối những nguồn lực như vậy.

Theo ông, cần những giải pháp gì để có thể thu hút và phát huy nguồn lực này một cách hiệu quả hơn nữa?

Trước hết, cần có các cơ chế khuyến khích (visa, thủ tục lưu trú và làm việc, cơ chế chuyên gia) để lực lượng trí thức gốc Việt ở nước ngoài (hoặc trí thức nước ngoài) có thể dễ dàng tham gia các hoạt động trong nước.

Đặc biệt, cần có cơ chế tài trợ và khuyến khích việc hình thành các mạng lưới liên kết trí thức Việt tại nước ngoài.

Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản với kinh nghiệm của mình sẵn sàng tham gia góp sức vào việc xây dựng một mạng lưới toàn cầu như vậy.

Thứ hai, cần có cơ chế và nguồn vốn nhằm hình thành chương trình/dự án hợp tác nghiên cứu và đào tạo nhân lực có sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản và trên thế giới.

Đặc biệt là các hợp tác tư vấn, nghiên cứu với doanh nghiệp trong nước theo nhu cầu-chiến lược; mời chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản và thế giới về Việt Nam tham gia đào tạo tại các trường đại học.

Thứ ba, cần xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển giao và hợp tác khoa học công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn giữa Việt Nam-Nhật Bản.

Trong bối cảnh quan hệ Việt-Nhật đang tiến triển tốt đẹp, chúng tôi kiến nghị Chính phủ vận động hành lang nhằm đưa Việt Nam vào danh sách các nước được ưu tiên của Nhật Bản, ít nhất là trong lĩnh vực trọng điểm của cả hai nước như bán dẫn và AI.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được các thỏa thuận về quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng bán dẫn, đây là cơ hội thuận lợi để đàm phán và cụ thể hóa quan hệ đối tác và các ưu tiên của Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội với chủ đề "Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước", ông có kỳ vọng gì sau sự kiện này?

Trong bối cảnh kinh tế chính trị của thế giới và khu vực đang có nhiều yếu tố bất ổn và biến động, chúng ta cũng đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, cùng nhiều chính sách mới mang tính bản lề cho sự phát triển đến năm 2030 và định hướng đến 2050.

Do đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ cao như công nghệ bán dẫn và AI. Đây là những bước đột phá nhằm đưa đất nước lên tầm cao mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn và đòi hỏi quyết tâm rất cao đến từ tất cả các cấp lãnh đạo và các tầng lớp xã hội.

Tôi kỳ vọng sau Hội nghị sẽ kích hoạt được một nguồn lực tổng hợp từ kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới và họ sẽ có đóng góp trực tiếp hơn, sâu rộng hơn cho sự phát triển của đất nước trong thời gian sắp tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

An Lê/ baoquocte.vn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm