A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư

“Gặp gỡ các Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu lần thứ tư” năm 2019 - Một nền tảng bền vững và những cơ hội lớn cho việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm cùng với những hợp tác tương lai cho các Viện Hàn lâm Khoa học trẻ, các học giả, các nhà khoa học toàn cầu chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế.

Chiều 31/07/2019, Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư (WWMYA) khai mạc với sự tham dự của gần 300 đại biểu là thành viên các Viện Hàn lâm trẻ đến từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây là hoạt động chính trong chuỗi sự kiện được khởi động bằng “Hội thảo Khoa học Ứng dụng vật liệu nano trong chăm sóc sức khỏe” diễn ra từ 29/7 đến sáng 31/07/2019 do Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam và Đại học Duy Tân đồng tổ chức.

Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới là sự kiện của Viện Hàn lâm trẻ Toàn cầu do các nước thành viên tranh cử giành quyền tổ chức theo chu kỳ hai năm. Năm nay, với nỗ lực của Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (VYA) và Đại học Duy Tân, Việt Nam được vinh dự đăng cai Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư với chủ đề “Viện Hàn lâm Khoa học trẻ vì sự thúc đẩy hòa bình và hội nhập xã hội”. Việc viện Hàn lâm trẻ Toàn cầu trao quyền tổ chức sự kiện cho Việt Nam thể hiện năng lực và uy tín của Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam nói riêng và vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học của thế giới nói chung. Chương trình nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các Bộ: Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Giáo Dục và Đào tạo và các tổ chức trong và ngoài nước.

Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Hoành Năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài-Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.

Các diễn giả khách mời của chương trình là các học giả nổi tiếng thế giới đến từ mạng lưới các Viện Hàn lâm và các tổ chức quốc tế như Tổ chức liên Viện Hàn lâm quốc tế (IAP), Hội đồng Khoa học Quốc tế về Chính sách Toàn cầu, Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ toàn cầu và đại diện các Viện Hàn Lâm Khoa học như Hội đồng Khoa học Nhật Bản (Giáo sư Miyoko Watanabe - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa Học Nhật Bản), Viện Hàn lâm Khoa học Đức Leopoldina (Viện sĩ Jochen Feldman), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (Giáo sư Jung Han Yoon, Giáo sư Tae-Lim Choi và Giáo sư Soo Young Kim) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Thái Lan (Tiến sĩ Anchalee Manonukul).

Mở đầu Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (Giáo sư Đại học College London- Anh, người sáng lập Viện Hàn lâm Khoa học trẻ Việt Nam) cảm ơn sự hỗ trợ của các Bộ ngành, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, thành phố Đà Nẵng, các cơ quan, tổ chức trong quá trình chuẩn bị và tổ chức sự kiện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Beate Wagner, Giám đốc điều hành của Viện Hàn lâm trẻ Toàn cầu giới thiệu về cơ cấu tổ chức, ý nghĩa và các hoạt động của Viện và các Hội nghị trước đây đã được tổ chức tại Hà Lan (2012), Thụy Điển (2015) và Nam Phi (2017). Bà nhấn mạnh mục đích của Hội nghị là kết nối các Viện Hàn lâm trẻ các nước, tiếp tục thực hiện các hoạt động hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Nguyễn Hoành Năm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao ghi nhận những nỗ lực của Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam và Ban Tổ chức trong việc vận động để Việt Nam được đăng cai tổ chức Hội nghị lần này. Ông đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài, trong đó có các trí thức trẻ cho sự phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế - xã hội của nước nhà và bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có những đóng góp thiết thực đối với đất nước.

Ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối và hội nhập về lĩnh vực giáo dục và khoa học, công nghệ của thế hệ trẻ trong nước và quốc tế, đánh giá Hội nghị là cơ hội tốt để góp phần quảng bá hình ảnh và môi trường học thuật của Việt Nam cũng như làm cầu nối đưa nền khoa học của Việt Nam đến gần hơn với thế giới.

Đại diện của đơn vị đồng tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân chào mừng các đại biểu trong nước và quốc tế tới tham dự chương trình. Ông tin rằng các nhà khoa học trẻ Việt Nam, thông qua Hội nghị Hàn lâm trẻ toàn thế giới, sẽ học tập được nhiều nội dung bổ ích và khẳng định đây cũng là dịp để Đại học Duy Tân thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên trong toàn trường.

Về nội dung chuyên môn, bà Flavia Schlegel, Đặc phái viên về Chính sách Khoa học toàn cầu tại Hội đồng Khoa học Quốc tế (ISC) trình bày tham luận về vai trò của các Viện Hàn lâm Trẻ trong việc tư vấn và kết nối cộng đồng nghiên cứu với các nhà hoạch định chính sách tầm quốc gia và quốc tế. Đây cũng là định hướng kêu gọi các đại biểu tiếp tục thảo luận về cách thức các Viện Hàn lâm trẻ có thể tham gia tốt hơn vào việc thực hiện và thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Nối tiếp chương trình là phần trình bày của các đại diện Viện Hàn lâm trẻ Indonesia, Nepal, Sri Lanka, Nigeria, Nam Phi, và Ai Cập về sự liên quan giữa những hoạt động chiến lược của các Viện Hàn lâm trẻ quốc gia với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

GS. Monika Kwoka, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm trẻ Ba Lan điều hành phần chia sẻ và trao đổi thảo luận tiếp theo với chủ đề về mối quan hệ đối tác giữa những Viện Hàn lâm Trẻ và Viện Hàn lâm để thúc đẩy các xã hội hòa bình và hội nhập với 3 tham luận từ các Viện Hàn lâm trẻ Sri Lanka, Ấn Độ và Nhật Bản.

Sự kiện sẽ tiếp tục trong ngày 01/8/2019 và kết thúc vào ngày 02/8/2019. Trong khuôn khổ chương trình, bên cạnh các phiên thảo luận, các nhà khoa học khách mời trong và ngoài nước sẽ có các hoạt động khoa học thú vị, bổ ích nhằm thúc đẩy ứng dụng STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) trong giáo dục dành cho hơn 70 học sinh trung học cơ sở ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, PGS thiên văn học Martin Dominik (đại học Saint Andrews, Anh) sẽ hướng dẫn các em học sinh phương pháp nghiên cứu để tìm kiếm sự sống ngoài trái đất. PGS Anindita Bhadra, Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc thi vẽ chân dung của những nhà khoa học theo sự tưởng tượng của các em học sinh. Bên cạnh đó các em học sinh sẽ được tham gia thí nghiệm về vật liệu nano được chủ trì bởi GS Nguyễn Thị Kim Thanh (Đại học College London, Anh) và GS Nguyễn Phương Tùng (Viện Khoa và công nghệ Việt Nam)./.

Hà Nguyên

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm