Hội Gặp gỡ Việt Nam có nhiều đóng góp cho khoa học và giáo dục
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam góp phần đưa vị thế của Việt Nam ngày càng được biết đến trên trường quốc tế về lĩnh vực khoa học và giáo dục bậc cao.
Sáng 7/8, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE - ở Bình Định), Bộ KH-CN, UBND tỉnh Bình Định, Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị khoa học quốc tế Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ và lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (1993-2023), 10 năm hoạt động của ICISE (2013-2023).
Tham dự sự kiện này có Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, lãnh đạo tỉnh Bình Định, gần 200 nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, trong đó có GS Gerard t'Hooft (người Hà Lan, đoạt giải Nobel vật lý năm 1999), GS Đàm Thanh Sơn (Chicago University, Mỹ)…
Lãnh đạo T.Ư và Bình Định ủng hộ mạnh mẽ cho ICISE
Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, từ khi thành lập đến nay, Hội Gặp gỡ Việt Nam và ICISE đã hoạt động tích cực để đóng góp một phần cho phát triển giáo dục và khoa học của Việt Nam.
Hội Gặp gỡ Việt Nam đã thành lập Quỹ học bổng Vallet, qua đó tặng hơn 40.000 suất học bổng cho học sinh và sinh viên Việt Nam, phối hợp đưa chương trình tập huấn phương pháp giảng dạy khoa học Bàn tay nặn bột vào các học đường để giúp mở mang thực nghiệm và sáng tạo, cùng với ĐH Huế thành lập hệ đào tạo kỹ sư chất lượng cao ở các trường INSA (hệ thống 7 trường đào tạo về khoa học ứng dụng tại Pháp)...
Hội Gặp gỡ Việt Nam đã thành lập ICISE nhằm tạo điều kiện để các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam và chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam những tiến bộ, các khám phá mới nhất...
Hội Gặp gỡ Việt Nam cùng với các lãnh đạo tỉnh Bình Định đã thành lập Trung tâm Khám phá khoa học tại TP.Quy Nhơn.
Hội Gặp gỡ Việt Nam cùng với GS Phan Thanh Bình (nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đã đề xuất quy hoạch Khu đô thị khoa học Quy Hòa…
Phát biểu tại buổi lễ, GS Trần Thanh Vân gửi lời cảm ơn các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định… vì đã đồng hành với Hội Gặp gỡ Việt Nam trong nhiều năm qua.
"Không có sự giúp đỡ và hỗ trợ mạnh mẽ của các lãnh đạo T.Ư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Định và sự ủng hộ của các nhà khoa học hàng đầu quốc tế cũng như trong nước, thì ICISE sẽ không thực hiện tốt đẹp như hiện nay", GS Trần Thanh Vân nhấn mạnh.
Xây dựng Bình Định thành điểm đến của các nhà khoa học
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết việc xây dựng Bình Định trở thành một điểm đến của các nhà khoa học luôn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh quan tâm và được coi là hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam và ICISE tại Bình Định đã thu hút gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó có 18 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đạt giải Fields (được xem là Nobel toán học). Qua đó, giúp hình ảnh về các hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật tại tỉnh Bình Định được vươn ra thế giới. Đồng thời, những hoạt động này đã truyền cảm hứng về tình yêu khoa học cho các thế hệ trẻ ở tỉnh Bình Định…
Các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam và các sự kiện khoa học tại ICISE đã góp phần quảng bá, tạo hiệu ứng truyền thông, làm cho hình ảnh tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung rõ nét hơn trong khu vực và trên thế giới, đưa vị thế của Việt Nam ngày càng được biết đến trên trường quốc tế về lĩnh vực khoa học và giáo dục bậc cao.
"Trên cơ sở các hoạt động của ICISE, để khoa học và công nghệ trở thành một động lực tăng trưởng, tỉnh Bình Định đang khẩn trương triển khai xây dựng Khu đô thị khoa học Quy Hòa với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của cả nước. Khu đô thị này có diện tích khoảng 242 ha, hiện đã có các dự án đi vào hoạt động như: Công viên sáng tạo TMA, công viên phần mềm của Công ty TNHH phần mềm FPT; khu Tổ hợp không gian khoa học... Trong tương lai, hứa hẹn sẽ có nhiều dự án khoa học và công nghệ tại đây", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cũng ghi nhận sự đóng góp của Hội Gặp gỡ Việt Nam, ICISE và các nhà khoa học quốc tế với sự phát triển của khoa học và giáo dục Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển khoa học cơ bản, vì nó là nền tảng, tiền đề cho KH-CN của mỗi quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia nhằm tài trợ cho các lĩnh vực khoa học cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước.
"Khoa học Việt Nam cũng đóng góp cho khoa học thế giới thông qua những sáng kiến thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam là đồng tác giả của đề án trình Liên Hiệp Quốc kỷ niệm năm 2022 là Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững. Sự kiện này có đóng góp quan trọng của GS Trần Thanh Vân và Hội Gặp gỡ Việt Nam cùng Bộ KH-CN và Bộ Ngoại giao trong việc trình UNESCO thông qua đề án và ban hành nghị quyết trình lên Liên Hiệp Quốc", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã tặng bằng khen cho ICISE và GS Trần Thanh Vân vì đã có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Thảo luận chuyên sâu về vật lý thiên văn, vật lý năng lượng caoHội nghị khoa học quốc tế Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ diễn ra từ ngày 6/8 - 12/8, có 31 phiên họp, gồm các phiên toàn thể và các phiên chuyên đề chuyên sâu về vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao.Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, hội nghị này là nơi tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia, cung cấp cho họ cơ hội trình bày các ý tưởng và tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học đã thành đạt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao. Từ đó, tạo điều kiện và cơ hội hợp tác trong nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ, thúc đẩy sự trao đổi khoa học giữa Việt Nam và cộng đồng khoa học quốc tế.
Thảo luận chuyên sâu về vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao Hội nghị khoa học quốc tế Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ diễn ra từ ngày 6.8 - 12.8, có 31 phiên họp, gồm các phiên toàn thể và các phiên chuyên đề chuyên sâu về vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao. Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, hội nghị này là nơi tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia, cung cấp cho họ cơ hội trình bày các ý tưởng và tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học đã thành đạt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao. Từ đó, tạo điều kiện và cơ hội hợp tác trong nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ, thúc đẩy sự trao đổi khoa học giữa Việt Nam và cộng đồng khoa học quốc tế. |
Hoàng Trọng/ thanhnien.vn