A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiện thực hóa một Việt Nam xanh hơn

TS. Trần Hải Linh, doanh nhân Việt kiều tại Hàn Quốc, cho biết tâm nguyện của ông cùng đồng sự là biến những mối liên kết, tri thức và quan hệ quốc tế trở thành chất liệu hiện thực hóa một Việt Nam xanh hơn, hiện đại hơn và có trách nhiệm toàn cầu.

TS. Trần Hải Linh hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc. Nguồn: VGP

Ông đánh giá gì về những cơ hội khi Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần này?

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư là dấu mốc rất quan trọng, thể hiện vai trò và vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Tôi đánh giá đây là một cơ hội “kép” rất quý giá đối với Việt Nam.

Đầu tiên là cơ hội khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực và toàn cầu: Hội nghị thượng đỉnh P4G là một trong những diễn đàn quan trọng hàng đầu kết nối chính phủ – doanh nghiệp – tổ chức xã hội để thúc đẩy các mô hình tăng trưởng xanh.

Khi trở thành nước chủ nhà, Việt Nam không chỉ là “người tham gia”, mà sẽ ở vai trò dẫn dắt, chủ động kiến tạo và định hình xu hướng hợp tác xanh trong khu vực. Đây cũng là dịp để chúng ta gửi đi thông điệp mạnh mẽ: Việt Nam là quốc gia trách nhiệm, chủ động và sẵn sàng chung tay vì các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Thứ hai là cơ hội thu hút đầu tư xanh và chuyển giao công nghệ. Hội nghị thượng đỉnh P4G tạo cơ hội kết nối các tập đoàn, định chế tài chính, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp khởi nghiệp đang quan tâm tới các lĩnh vực: Năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hạ tầng thông minh, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, công nghệ môi trường...

Với vị trí là nước đang phát triển có tiềm năng rất lớn trong các lĩnh vực này, Việt Nam có thể: Kêu gọi đầu tư chất lượng cao, tăng tốc chuyển giao công nghệ xanh, tạo động lực cho các start-up công nghệ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội. Sự kiện không chỉ dành cho lãnh đạo và doanh nghiệp, mà còn là dịp để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, truyền cảm hứng mạnh mẽ về vai trò của tăng trưởng xanh. Đây là thời điểm quan trọng để lồng ghép tư duy bền vững vào chiến lược phát triển quốc gia - từ giáo dục, quy hoạch đô thị, sản xuất, tiêu dùng đến cách vận hành doanh nghiệp.

Cá nhân ông nhìn thấy những cơ hội gì cho riêng mình?

Với vai trò kết nối đầu tư - kinh tế - công nghệ - cộng đồng người Việt toàn cầu, tôi thấy một cơ hội lớn để thúc đẩy các liên minh công nghệ xanh giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển, nhất là Hàn Quốc.

Bên cạnh liên kết các nhà đầu tư Hàn Quốc có tư duy bền vững vào các dự án của địa phương Việt Nam, tôi có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở rộng ra thị trường quốc tế thông qua các mô hình hợp tác trong Hội nghị thượng đỉnh P4G.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu ở châu Á trong thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông, những lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ tiềm năng nào giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm chuyển đổi xanh?

Là người đã sống, học tập và làm việc lâu năm tại Hàn Quốc, tôi nhìn thấy nhiều bài học giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi, tùy biến và áp dụng phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Về tiềm năng hợp tác, hai đều đang định hướng phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hiện nay, hai nước có nhiều lĩnh vực tiềm năng để hợp tác mạnh mẽ trong chuyển đổi xanh, cả về công nghệ, đầu tư lẫn chia sẻ chính sách.

Dưới góc độ của một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu có kiến thức và kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực này, tôi nhận thấy năm lĩnh vực nổi bật nhất:

Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng: Hàn Quốc có thế mạnh trong các công nghệ về năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, hydrogen... Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú (nắng, gió, sinh khối) nhưng cần công nghệ, vốn và mô hình quản lý hiện đại.

TS. Trần Hải Linh tham dự Hội nghị Năng lượng xanh - Thung lũng năng lượng tại Hàn Quốc.  Ảnh NVCC

Vì vậy, hai nước có thể phát triển các dự án điện mặt trời - điện gió ngoài khơi, chuyển giao công nghệ lưu trữ năng lượng, tiết kiệm điện cho doanh nghiệp và hộ gia đình, xây dựng các khu công nghiệp sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn: Hàn Quốc ứng dụng công nghệ cao trong canh tác: nông nghiệp chính xác, nhà kính tự động, AI trong theo dõi cây trồng, robot thu hoạch... Việt Nam có lợi thế về quy mô sản xuất nông nghiệp, nhưng cần nâng cao hiệu quả, giảm phát thải và tăng giá trị xuất khẩu.

Từ đây, hai nước có thể thiết lập trung tâm chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao Việt-Hàn, đào tạo nông dân trẻ, kỹ sư nông nghiệp số, hợp tác sản xuất chuỗi giá trị nông sản hữu cơ, tuần hoàn.

Phát triển đô thị thông minh - xanh - bền vững: Hàn Quốc có các mô hình tiên tiến về quản lý chất thải, nước sạch, giao thông xanh, tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Việt Nam đang đô thị hóa rất nhanh, cần xây dựng các thành phố xanh, hiện đại, chống chịu tốt với biến đổi khí hậu.

Hai nước có thể thử nghiệm mô hình “Smart Green City” tại các đô thị lớn của Việt Nam; triển khai hệ thống giao thông công cộng điện khí hóa (bus điện, metro thông minh); quản lý đô thị bằng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Kinh tế tuần hoàn và xử lý chất thải: Hàn Quốc có tỷ lệ tái chế rác thải rất cao nhờ hệ thống phân loại thông minh và công nghệ tái chế tiên tiến. Việt Nam đang gặp áp lực về rác thải đô thị, rác nhựa, rác nông nghiệp, công nghiệp...

Vì vậy, hai nước nên thiết lập các mô hình xử lý rác quy mô nhỏ cho các tỉnh/thành, đầu tư vào công nghệ tái chế nhựa, sản xuất vật liệu sinh học, chuyển giao mô hình giáo dục phân loại rác từ nhà trường đến cộng đồng.

Công nghệ sinh học, y tế môi trường: Hàn Quốc đi đầu trong công nghệ sinh học ứng dụng: xử lý môi trường bằng vi sinh, sản xuất vật liệu sinh học thay nhựa. Việt Nam có tiềm năng phát triển các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường nhưng thiếu nền tảng công nghệ.

Với những lợi thế này, hai nước có thể xây dựng trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học xanh Việt - Hàn, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm đất - nước - không khí, hợp tác đào tạo nhân lực khoa học công nghệ môi trường thế hệ mới.

Giữa Việt Nam và Hàn Quốc có tính bổ trợ rất cao. Hàn Quốc mạnh về công nghệ - mô hình, Việt Nam có tài nguyên - thị trường - con người. Nếu khai thác hiệu quả, hợp tác chuyển đổi xanh không chỉ thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam mà còn tạo cơ hội cùng tăng trưởng, cùng tạo tác động xã hội tích cực.

Ông có tâm nguyện gì thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh tại quê hương?

Câu hỏi này thực sự chạm đến tâm huyết của tôi - không chỉ với tư cách là một doanh nhân, nhà nghiên cứu về công nghệ, mà còn là một người con đất Việt luôn mong muốn góp phần vào sự phát triển bền vững, trường tồn của quê hương.

Tâm nguyện lớn nhất của tôi là làm sao để Việt Nam có thể phát triển theo hướng: “Tăng trưởng xanh – Thịnh vượng bền vững - Hội nhập sâu rộng”.

Tôi luôn trăn trở và cũng đang từng bước hành động cùng với cộng đồng, đối tác tại Việt Nam và Hàn Quốc xây dựng một hệ sinh thái “Tăng trưởng xanh” dựa vào công nghệ và hợp tác quốc tế; đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, trường đại học ở Việt Nam để xây dựng mô hình thí điểm đô thị xanh - thông minh, phát triển chuỗi sản xuất - tiêu dùng - tái chế tuần hoàn.

Tôi tin rằng kiều bào ta, đặc biệt là đội ngũ trí thức, doanh nhân ở nước ngoài, là nguồn lực vô giá để giúp Việt Nam phát triển xanh hơn, bền vững hơn. Cùng với việc đề xuất hình thành Mạng lưới doanh nhân & chuyên gia Việt kiều cho phát triển xanh, tôi mong muốn hợp tác đào tạo các chương trình kỹ sư, chuyên gia công nghệ xanh tại Việt Nam và tổ chức chức các chương trình học bổng, thực tập, chuyển giao tri thức giữa sinh viên Việt Nam và các trung tâm nghiên cứu, viện công nghệ hàng đầu

Hàn Quốc. Chúng ta không chỉ cần tăng trưởng, mà cần tăng trưởng có trách nhiệm, bao trùm và bền vững để con cháu chúng ta tự hào về hành trình mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trọng Vũ/ baoquocte.vn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm