Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 - Cơ hội tìm kiếm nhân tài
Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương hy vọng Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng sẽ trở thành sự kiện quan trọng, tạo ảnh hưởng tích cực cho những người Việt mong muốn hành động vì Việt Nam hùng mạnh.
Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF 2024) sẽ diễn ra trong hai ngày 30 và 31/3 tại thủ đô Paris của Pháp theo sáng kiến của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global).
Trao đổi với phóng viên tại Pháp, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương - Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Quốc tế Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch AVSE Global, khẳng định đây là nỗ lực minh chứng cho chiến lược về nhân tài, cho cam kết và sự chủ động của người Việt Nam trong việc tìm kiếm và nắm bắt cơ hội.
Theo GS-TS Nguyễn Đức Khương, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy những biến động hiện nay, mọi quốc gia đều đặt câu hỏi về sự định vị của mình, về việc đối mặt các thách thức và tận dụng các cơ hội.
Tại Đông Nam Á và xa hơn thế nữa, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng của sự thích ứng và phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam có một lịch sử đầy tự hào, đã vượt qua nhiều thăng trầm, chứng tỏ được khả năng vượt qua khó khăn cũng như khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh.
Bước vào thế kỷ 21, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, nhờ vào môi trường đầu tư ổn định, chính sách kinh tế mở cửa và sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu.
Việt Nam không chỉ phấn đấu để cải thiện vị thế kinh tế trong khu vực mà còn trên trường quốc tế.
Sự tham gia vào các hiệp định thương mại tự do lớn, cùng với sự nỗ lực trong cải cách hành chính và môi trường đầu tư, đã mở rộng cánh cửa cho Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu.
Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh: “Nền kinh tế Việt Nam đang khá chật vật với hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô. Nhập khẩu giảm mạnh cũng có thể là dấu hiệu phản ánh những khó khăn sắp tới của thị trường, của sản xuất và xuất khẩu khi đơn hàng giảm sút trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi. Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng mức độ mở cửa còn hạn chế. Đồng thời, nỗ lực của chính phủ trong việc điều chỉnh dòng vốn trên thị trường cần nhiều thời gian hơn nữa để phát huy hiệu quả.”
Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng kinh tế Việt Nam vẫn rất khả quan đặt trong tương quan với khu vực và thế giới. Việc đầu tư vào giáo dục, công nghệ và nguồn nhân lực, cùng với sự mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, đã tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Sự năng động và sẵn sàng học hỏi của người dân Việt Nam, cùng với việc áp dụng công nghệ mới và chuyển đổi số, đang tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế.
Phát biểu về những động lực quan trọng của nền kinh tế trong nước, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương cho biết các tổ chức lớn, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mức dự báo tăng trưởng trên 6% cho Việt Nam năm tới.
Dù rất khó dự báo sát tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị, môi trường kinh doanh quốc tế... diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam cơ bản tăng trưởng tốt so với thế giới.
Việt Nam có những động lực then chốt có thể phát huy song song với kỳ vọng kinh tế thế giới tốt hơn trong năm 2024 và những năm sau đó.
Điều này có được là nhờ chính sách mở cửa và tận dụng nguồn lực trong và ngoài nước mà Việt Nam đang tiến hành rất hiệu quả.
Nhìn vào sự thành công của các quốc gia như Trung Quốc, Israel, Hàn Quốc… trong việc tận dụng mạng lưới nhân tài toàn cầu, Việt Nam nhận thấy tiềm năng to lớn từ việc kết nối hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài.
Những người này, với trình độ cao và thành công trong nhiều lĩnh vực, có thể là nguồn lực quý báu giúp Việt Nam đạt được những bước tiến vượt bậc nếu được tận dụng và kết nối một cách hiệu quả.
Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương hy vọng rằng Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) 2024 với hành trình mang tên “Việt Nam - Vươn mình trong biến động”, sẽ quy tụ những người Việt có tầm ảnh hưởng để cùng nhau thực hiện sứ mệnh của "những người thay đổi cuộc chơi lớn" cho đất nước.
Diễn đàn hứa hẹn trở thành sự kiện quan trọng, tạo những ảnh hưởng tích cực cho những người Việt trong và ngoài nước mong muốn hành động vì Việt Nam hùng mạnh.
Ông nhấn mạnh: “Paris tháng Ba là mùa Xuân, mùa của sự đổi mới và thay đổi. Diễn đàn cũng là biểu trưng cho tinh thần thích ứng và vươn mình trong môi trường không ngừng thay đổi. Diễn đàn cũng sẽ thay lời khẳng định về quyết tâm của đất nước trong việc nâng cao vị thế kinh tế, hướng tới một tương lai đổi mới và hợp tác, thịnh vượng và phát triển bền vững”.
Được biết Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019 tại Pháp đã rất thành công khi thu hút được sự tham gia của hơn 200 khách mời danh dự, hơn 20 phái đoàn Việt Nam và quốc tế, đánh dấu sự ra đời của mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng.
Với chủ đề “Nâng tầm thương hiệu Quốc gia Việt Nam”, sự kiện VGLF 2019 đã hoàn thành sứ mệnh là đặt nền móng cho quá trình quy tụ tinh hoa và nguồn lực của người Việt trên toàn cầu, cùng hành động vì sự phát triển của thương hiệu Việt Nam, mang lại những chiến lược và đề xuất ở cấp độ quốc gia cho sự phát triển mang thương hiệu giá trị Việt Nam ra trường quốc tế.
AVSE Global - đơn vị khởi xướng sự kiện này - là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris, tập hợp những trí thức, chuyên gia cấp cao và nhà khoa học uy tín trên nhiều lĩnh vực ở phạm vi toàn cầu.
Với 300 nguồn lực tại hơn 20 quốc gia và làm việc thường xuyên trong các dự án chiến lược, 2.000 chuyên gia hỗ trợ và 10.000 người có thể kết nối, AVSE Global thực hiện các chương trình, dự án chiến lược thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam thông qua 12 mạng lưới chuyên gia, 10 hội thảo và diễn đàn chính sách quốc tế hằng năm, 20 chương trình đào tạo cấp cao, 10 dự án tư vấn lớn trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành, và các báo cáo chuyên ngành về nhiều chủ đề trọng yếu như thương hiệu quốc gia, giáo dục-đào tạo, chiến lược thu hút nhân tài, kinh tế-tài chính, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và năng lượng./.
Nguyễn Thu Hà/ TTXVN/Vietnam+