A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm mới của Luật Nhà ở: Kiều bào được phép nhập cảnh Việt Nam là có quyền sở hữu nhà ở

Ngày 25/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi số 65/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 loại bỏ một số vướng mắc trước đó về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

  



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

 

Luật Nhà ở sửa đổi mới được ban hành (số 65/2014/QH13), tại Điều 8 Mục 1 và Mục 2b quy định rõ:

“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật”.

Điểm mới của Luật này là: người Việt Nam định cư ở nước ngoài không phân biệt có quốc tịch Việt Nam hay gốc Việt Nam, chỉ cần được phép nhập cảnh là có quyền sở hữu nhà ở (nhà riêng lẻ hoặc chung cư) không hạn chế số lượng; được nhận chuyển nhượng đất ở không hạn chế số lượng nhưng chỉ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền.

Hiện chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn nhưng căn cứ Luật thì thủ tục sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tương tự người trong nước và phải xuất trình:

+ Hộ chiếu Việt Nam/hoặc hộ chiếu nước ngoài kèm giấy xác nhận gốc Việt Nam.

+ Xác nhận được phép nhập cảnh Việt Nam.

Theo quy định cũ trước đây (Luật 34/2009/QH12), người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó: Người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc diện nhà đầu tư lâu dài, nhà văn hóa khoa học, người có công, người có kỹ năng đặc biệt, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước thì được sở hữu không hạn chế số lượng nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ; được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án thương mại phát triển nhà ở. Người gốc Việt Nam không thuộc diện trên chỉ được sở hữu 1 nhà ở hoặc căn hộ.

Trong thời gian qua, khi thi hành Luật cũ đã nảy sinh một số vướng mắc: Người có hộ chiếu Việt Nam lại phải đến công an phường xác nhận việc cư trú tại Việt Nam, nhưng Luật Cư trú 2006 quy định họ đương nhiên được phép cư trú vô thời hạn tại Việt Nam; trong khi đó người gốc Việt Nam có hộ chiếu nước ngoài không cần đến công an phường, khi nhập cảnh được xác nhận phép cư trú theo thời hạn thị thực hoặc 90 ngày theo giấy miễn thị thực. Điều này đã dẫn đến cách hiểu không đồng nhất và một số địa phương yêu cầu xác nhận cư trú thực tế, liên tục ở một chỗ từ 3 tháng. Nhiều phòng công chứng yêu cầu  phải có hộ khẩu Việt Nam (chỉ người đã hồi hương mới có sổ hộ khẩu) mới công chứng hợp đồng mua nhà (có hợp đồng công chứng mới được làm giấy chứng nhận sở hữu nhà ở); mặc dù, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 16/2010/TT-BXD hướng dẫn 90 ngày là 3 tháng, không yêu cầu NVNONN có hộ khẩu hoặc cư trú thực tế 3 tháng nhưng nhiều nơi vẫn chưa triệt để tuân thủ.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Luật Nhà ở sửa đổi mới được ban hành (số 65/2014/QH13) đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào về mua nhà ở trong nước.

 Quế Hương


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm