A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cộng đồng người Việt Nam tại Lào tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhiều năm sinh sống và làm việc tại Lào, nhưng với chị Nguyễn Thu Huyền, những lời dạy của Bác mà chị đã được học từ khi còn ngồi ghế nhà trường tại quê nhà Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí.

Trao học bổng cho các em học sinh. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Người dân tại Lào luôn nhớ về Bác, luôn học tập và dạy dỗ con cháu làm theo gương của Bác, đó là chia sẻ của những bà con Việt kiều sinh sống lâu năm tại Lào trong các cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Vientiane nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Nhiều năm sinh sống và làm việc tại Lào, nhưng với chị Nguyễn Thu Huyền, những lời dạy của Bác mà chị đã được học từ khi còn ngồi ghế nhà trường tại quê nhà Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí.

Theo chị Huyền, từ khi còn là học sinh quàng khăn đỏ, chị đã thấm nhuần 5 điều Bác Hồ dạy, được học rất nhiều các bài học lịch sử về quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, về đạo đức và tư tưởng của vị cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chị Huyền cho biết dù sống xa quê hương đã lâu, nhưng chị luôn nhớ và biết ơn những giá trị văn hoá của quê hương cội nguồn và luôn tâm niệm phải giữ bằng được các phong tục, lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Để giúp các con hiểu về lịch sử dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã hy sinh cả cuộc đời cho nền độc lập và tự do của dân tộc, chị Huyền thường xuyên kể chuyện và mua những cuốn sách về Bác Hồ cho các con của chị nghe, đọc để có thể biết và hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ, vị cha già của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

Không chỉ trong gia đình, là người tham gia vào công tác cộng đồng tại Lào, chị Huyền cũng tích cực tham gia vào các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ tại khu di tích bản Xiengvang, huyện Nongbok, tỉnh Khammoune; cùng các thành viên trong cộng đồng tổ chức cho một số đoàn kiều bào đi thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon của Thái Lan.

Bên cạnh đó, chị Huyền cũng tích cực tìm các đầu mục sách, chuyện viết về Bác để bổ sung vào kho sách đọc miễn phí cho cộng đồng được đặt tại Chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane.

Nhận thấy một số khu di tích, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào còn chưa trưng bày được nhiều kỷ vật về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Người, với vai trò là một cán bộ cộng đồng, chị Huyền bày tỏ mong muốn các cơ quan, hội đoàn, sẽ xây dựng và triển khai một cuộc phát động trong cộng đồng kiều bào nhằm tìm kiếm, đóng góp những kỷ vật, những tư liệu hình ảnh, thơ văn về Bác Hồ... qua đó giúp tuyên truyền và lan toả được những giá trị trường tồn, vĩ đại về vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Là hiệu trưởng trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du, ngôi trường biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt Lào-Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết hàng năm cứ vào ngày 19/5, thầy và trò trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du thường tổ chức các hoạt động để các trò hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn hướng về quê hương, Tổ quốc.

Bà Hương chia sẻ bản thân bà cũng như các cán bộ và học sinh mang trong mình dòng máu Việt Nam đang học tập tại trường luôn luôn hướng về quê hương, Tổ quốc và thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc cùng những tình cảm yêu mến đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên cương vị là một hiệu trưởng, bà luôn quan tâm và chú trọng tổ chức các hoạt động để mỗi cán bộ, giáo viên, đặc biệt là các em học sinh trong trường biết và hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử cũng như ý thức dân tộc của mỗi người dân Việt Nam như cho học sinh toàn trường thi đua lập thành tích kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5, với các hoạt động văn nghệ, thể thao, làm báo tường với chủ đề “Chào mừng ngày sinh nhật Bác 19/5”...

Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt tập thể, Nhà trường cũng thường giới thiệu và quảng bá những hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam tới tất cả các em học sinh cũng như giáo viên người Lào để họ thấy được mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Bà Hương nói: "Trách nhiệm của mỗi người thầy giáo, cô giáo là phải làm cho các em học sinh của của nhà trường cũng như thế hệ trẻ hôm nay ý thức được rằng tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Gia tài đồ sộ, di sản hết sức quý báu mà Người để lại, mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm gìn giữ, có trách nhiệm trong việc phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn bó chặt chẽ với quê hương, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Còn ở phía Nam Lào, ông Đồng Công Dũng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Champasak cho biết dù ở xa quê hương, nhưng cộng đồng người Việt tại thành phố Pakse, Champasak luôn nhớ về Bác.

Theo ông Dũng, tại tỉnh Champasak có đền thờ Bác Hồ và cứ vào mỗi dịp sinh nhật Bác, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse, Hội người Việt Nam tại tỉnh lại cùng các cơ quan, đơn vị trong khu vực tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ Bác.

Cũng trong sự kiện này, cộng đồng tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao giao lưu giữa các bên, qua đó để không chỉ giúp cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc thêm về tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng và sự hy sinh to lớn của Bác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn giúp gắn kết bà con trong cộng đồng.

Cũng theo ông Dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, nhà nước và nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau di sản vô giá là Tư tưởng Hồ Chí Minh - một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đây là điều mà các thế hệ sau phải luôn thấm nhuần, gìn giữ và phát huy./.

Phạm Kiên-Bá Thành / TTXVN/Vietnam+


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm