Chuyện vé máy bay và nỗi lo của cộng đồng
Chuyện sẽ không có gì lạ nếu giá vé luôn luôn ở mức ổn định. Nhưng điều lạ là ở chỗ giá vé thất thường như con ngựa bất kham. Thường thì trong năm có nhiều đợt vé, với những mức giá khác nhau. Khi thì khuyến mãi lúc ít người đi vào dịp hè. Khi thì tăng lên với giá khủng khiếp vào dịp áp Tết âm lịch mà đọc qua đã thấy “phát sốt”!
|
Bà con Việt Nam làm ăn tại Nga thì lâu lâu mới về thăm quê, khi có việc hiếu - hỉ trọng đại hay tết nhất, lễ lạt hoặc nghỉ ngơi… Người có tiền thì khỏi băn khoăn chuyện giá cả lên xuống bất thường, nhưng những người làm ăn khó khăn thì chỉ hi vọng mua được giá vé máy bay rẻ chừng nào hay chừng đó!
Chúng tôi vẫn thường thắc mắc: Tại sao cùng là các hãng hàng không, nhưng bên Aeroflot của Nga thì giá vé bao nhiêu năm nay của họ luôn luôn ổn định mà giá vé của hãng hàng không Vietnam Airlines thì lại thay đổi xoành xoạch rất bất thường? Đấy là chưa nói tới chuyện các dịch vụ bán vé máy bay của người Việt Nam tại Nga cũng thường xuyên đưa ra những mức giá mà bà con chỉ có thể than “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?!
Anh Bùi Xuân, quê Nam Định, bán hàng ở chợ Chim, thỉnh thoảng đôi ba năm lại về Việt Nam, anh rất bức xúc: “Tôi chả hiểu các ông các bà ở cái hãng Vietnam Airlines làm ăn gì mà lạ, giá vé máy bay cứ lên lên xuống xuống như phù thủy hóa phép. Của người Nga thì bao năm nay giá vé cứ ổn định như vậy, mà của người mình thì cứ sướng lên là bóp nhau? Anh là người chuyên viết báo, anh xem có cách gì nói giùm cho bà con ta ở bên này với! Chứ khổ lắm anh ạ. Bọn tôi đâu có dư giả gì? Kiếm được đồng tiền ở xứ người nhục lắm, quanh năm chân dầm trong tuyết lạnh, mặt phơi ra cho băng giá quất, nhà chức trách thì hạnh họe, vậy mà chắt chiu được vài đồng rúp rồi đến khi nghĩ tới giá vé máy bay mà lo sốt vó…”
Đồng cảm với anh Bùi Xuân, chị Mai Lê, quê Hà Nội, cũng chua chát: “Cám cảnh lắm anh ơi, bọn tôi còn có cơ hội kiếm tiền mà về Việt Nam những lúc có công chuyện, thôi thì đành cắn răng mà mua vé, chứ nhiều người muốn về chẳng được đâu. Giá vé cả ngàn đô la, dịp giáp Tết âm lịch thì có khi vọt lên đến ngàn rưỡi đô la chứ ít ỏi gì? Họ có “ăn” thì cũng một vừa hai phải thôi chứ? “Ăn” gì mà lắm thế hở anh? Mà có phải ai cũng có sẵn tiền? Nhất là công nhân may, trồng rau, xây dựng thì chỉ biết khóc thôi. Ngay dân đi chợ còn phải còng lưng mà dành dụm…”
Tôi đã gặp rất nhiều những lời phản ảnh với tinh thần xây dựng của bà con Việt Nam tại Nga về những bức xúc chính đáng ấy. Ngay bản thân tôi với 2 lần về Việt Nam trong năm ngoái và đầu năm nay (được mua vé với giá…“ưu tiên” rẻ hơn một chút) nhưng cũng phát hoảng khi thấy anh chị em nói dịp áp Tết âm lịch vé máy bay hạn chế, hoặc được tăng chuyến, nếu có vé thì phải lên tới…34, 35 ngàn rúp. Thậm chí có khi còn lên cao hơn nữa. (30 rúp = 1 đô la).
Phải nói rằng giá vé máy bay của hãng hàng không Aeroflot tuyến Mátxcơva - Hà Nội - Mátxcơva không những ổn định mà giá còn luôn thấp hơn giá vé máy bay của Vietnam Airilines cùng tuyến. Đó quả là điều khiến chúng ta phải băn khoăn…
|
Có thể nói sự chênh lệch giá cả này cần điều chỉnh sao cho phù hợp với túi tiền của đông đảo bà con nơi xa xứ. Dù là ở bất kì thời điểm nào trong năm: Áp tết hay ngày thường cũng cần phải duy trì ở một mức giá ổn định như nhau. Không thể làm ăn kiểu tùy tiện nâng giá làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng. Bởi vì hãng hàng không Nga Aeroflot làm được, tại sao chúng ta lại không làm được?
Võ Hoài Nam (Dân trí)