Chúng tôi tự hào cùng tham gia vào hành trình phát triển của đất nước!
Chị Trương Thị Hồng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Israel vinh dự, tự hào được tham gia khối diễu hành gồm những kiều bào tiêu biểu được Nhà nước mời về tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại buổi tập cho lễ diễu hành nhân dịp này, chị Hồng cho biết chị vừa trở về từ Trường Sa và tới luôn TP Hồ Chí Minh cùng đoàn kiều bào để kịp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm.
Phóng viên (PV): Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi trở về Việt Nam đúng dịp 30-4, tròn 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?
Chị Trương Thị Hồng: Tôi sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, nơi trở thành biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước với vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải nên với tôi, ngày 30-4 lịch sử có ý nghĩa vô cùng đặc biệt và mang lại nhiều cảm xúc. Quê hương tôi cũng đang chuẩn bị tổ chức lễ rất lớn để mừng ngày thống nhất đất nước. Khi hai miền Bắc-Nam nối liền một dải, chúng tôi được tự do bước qua cầu Hiền Lương mà không phải chú ý từng giờ, từng phút như thời kỳ chiến tranh chia cắt hai miền, vậy nên tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào.
Tôi cũng vô cùng may mắn vì được tham gia khối diễu hành với các kiều bào trong ngày lễ trọng đại của đất nước. Càng tự hào hơn khi đây là lần đầu tiên lễ kỷ niệm ngày 30-4 có sự tham gia diễu hành của khối đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc.
PV: Việc lần đầu tiên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia khối diễu hành tại lễ kỷ niệm ngày 30-4 có ý nghĩa như thế nào với chị?
Chị Trương Thị Hồng: Với chúng tôi, những người con sống xa Tổ quốc, đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn vì luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, luôn coi chúng tôi là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là sự ghi nhận vai trò của kiều bào trong hành trình hòa giải, đoàn kết dân tộc cũng như hành trình phát triển của đất nước.
![]() Chị Trương Thị Hồng (hàng đầu, ngoài cùng, bên phải) tập luyện cùng các kiều bào từ Trường Sa trở về để tham gia diễu hành tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: MAI NGUYÊN |
Người Việt Nam ở nước ngoài được ví như cánh tay nối dài giữa Việt Nam và nước sở tại. Với việc Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang ngày càng tạo điều kiện và mở ra thêm nhiều cơ hội để thu hút, khuyến khích bà con trở về, tôi nghĩ trong tương lai, kiều bào càng có nhiều cơ hội đóng góp cho quê hương.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” mới đây đã bày tỏ tin tưởng rằng, “mọi người con đất Việt-dù sinh sống ở đâu, dù quá khứ thế nào-đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán mở rộng vòng tay, trân trọng mọi đóng góp, lắng nghe mọi tiếng nói xây dựng, đoàn kết từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài-những người đang góp phần kết nối Việt Nam với thế giới”.
PV: Được biết, chị vừa tham gia chuyến tàu đại đoàn kết thăm Trường Sa cùng với nhiều kiều bào khác. Hành trình đó đã để lại cho chị những ấn tượng gì?
Chị Trương Thị Hồng: Đây là lần thứ ba tôi đến Trường Sa. Mỗi lần tôi đến là một cảm xúc khác nhau. Những hòn đảo ngày càng đẹp hơn, xanh hơn với Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” do Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân triển khai với sự ủng hộ của các địa phương, doanh nghiệp và cá nhân trên cả nước.
Chúng tôi, những người con sống xa Tổ quốc cùng nhau đi trên một chuyến tàu mà chúng tôi gọi là chuyến tàu đại đoàn kết, mang theo tình cảm với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm bám trụ nơi đảo xa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với đó là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam dù ở đâu cũng luôn có ý thức chung tay, góp sức cho sự nghiệp cao cả này.
Điều khiến tôi cảm động là được chứng kiến bà con kiều bào trên chuyến tàu rất nhiệt tình quyên góp ủng hộ Trường Sa, ủng hộ Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Mang trong mình hành trang là những kinh nghiệm quý báu khi sống và làm việc ở vùng đất khô cằn như đất nước Israel nhưng được cả thế giới ngưỡng mộ như hình mẫu tiên phong về nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học, đổi mới sáng tạo và khai thác tối ưu từng giọt nước, từng tấc đất, tôi ước mong những vườn rau, những vườn ươm trên đảo Trường Sa sẽ có ngày được áp dụng những công nghệ nông nghiệp tối ưu này để Trường Sa thêm xanh tươi.
Sự ủng hộ của chúng tôi không nhiều, nhưng đó là tấm lòng của những người con Việt Nam muốn góp phần nhỏ bé vì Trường Sa thân yêu.
PV: Trân trọng cảm ơn chị!
HẠNH THƯ (thực hiện)/ www.qdnd.vn