Cập nhật chính sách mới của Hàn Quốc đối với lao động Việt Nam
Người lao động diện visa E-9 đang làm việc tại Hàn Quốc có khả năng trở thành nhân lực nước ngoài chuẩn lành nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian làm việc, tay nghề và trình độ tiếng Hàn.
Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Changwon, tỉnh Gyeongsangnam của Hàn Quốc, ngày 11/6, phối hợp với Văn phòng quản lý Lao động theo Chương trình cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (EPS) tổ chức buổi gặp gỡ, tư vấn, cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật cho lao động Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại thành phố Changwon, tỉnh Gyeongsangnam ở phía Đông Nam Hàn Quốc.
Buổi gặp mặt nằm trong chuỗi các hoạt động gặp mặt, tư vấn pháp luật và vận động lao động về nước đúng quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người lao động trong thời gian làm việc, sinh sống tại Hàn Quốc.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc, đã lần lượt chuyển tải các nội dung hữu ích cho lao động Việt Nam về thông tin kết nối với EPS, khai báo về nước, quy định về ký quỹ đối với lao động EPS, thủ tục khai báo thay đổi thị thực (visa), các loại bảo hiểm và chính sách áp dụng đối với lao động cư trú quá hạn.
Đặc biệt, cập nhật chính sách mới của Hàn Quốc đối với lao động Việt Nam, ông Đức lưu ý doanh nghiệp dưới 5 người thuộc ngành nông nghiệp và ngư nghiệp bắt buộc phải đóng bảo hiểm An toàn lao động.
Mở rộng ngành nghề cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài, gồm thu gom vận chuyển, xử lý chất thải, tái chế nguyên liệu; môi giới nguyên liệu thực phẩm, thuốc lá; buôn thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn; kinh doanh xử lý hàng hóa đường không và đường bộ.
Doanh nghiệp dưới 50 người được tăng thêm 20% của tổng số người nước ngoài được tuyển dụng (ví dụ được tuyển 10 người, sẽ tăng 2 người). Chính sách kéo dài thời gian làm việc tới 10 năm của lao động EPS.
Theo đó, người lao động diện visa E-9 (dành cho các lao động phổ thông) nước ngoài đang làm việc tại Hàn Quốc có khả năng trở thành nhân lực nước ngoài chuẩn lành nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian làm việc ở doanh nghiệp, có trình độ tay nghề nhất định và có trình độ tiếng Hàn.
Tại buổi gặp, lao động Việt Nam cũng được cán bộ của Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Changwon trực tiếp tư vấn, phổ biến kiến thức liên quan đến điều kiện làm việc, sinh sống ở Hàn Quốc, cập nhật kiến thức về tài chính ngân hàng cho lao động Việt Nam thuộc các thành phần visa khác nhau, cũng như nghe giải thích những thắc mắc của người lao động trong quá trình sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ông Jin Jong-sang, Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Changwon, cho biết trung tâm hiện đang hỗ trợ tất cả lao động nước ngoài trên nhiều khía cạnh.
Ông Jin Jong-sang nhận xét hầu hết người Việt Nam đều lao động chăm chỉ và thật thà, chất phác. Do vậy, các chủ cơ sở sử dụng lao động Việt Nam tại đây đều rất tin tưởng và sử dụng nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên, lao động bất hợp pháp vẫn là một vấn đề nhức nhối cần quan tâm và giải quyết.
Với sự tham gia tích cực của Trung tâm tư vấn hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Changwon, đông đảo lao động Việt Nam tại đây đã tới dự, đưa ra nhiều câu hỏi để được giải đáp thắc mắc trực tiếp từ các nhà tổ chức buổi tư vấn pháp luật.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Trong những năm qua, số người lao động là công dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc chiếm tỷ lệ lớn trong số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Theo công bố của Bộ Lao động và Việc làm, năm 2023, Hàn Quốc có kế hoạch thuê khoảng 110.000 lao động nhập cư để làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp./.
Trần Quang / TTXVN/Vietnam+