A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Hội nghị các Viện Hàn Lâm Trẻ thế giới lần thứ tư” thông qua “Tuyên bố chung Đà Nẵng”

“Hội nghị các Viện Hàn Lâm Trẻ thế giới lần thứ tư” (WWMYA) đã diễn ra thành công tốt đẹp và bế mạc ngày 02/08/2019. Đây là hoạt động chính trong chuỗi sự kiện được khởi động bằng “Hội thảo Khoa học Ứng dụng vật liệu nano trong chăm sóc sức khỏe” (NHM) do Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam và Đại học Duy Tân đồng tổ chức từ ngày 29/07/2019 đến ngày 02/08/2019 tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

Các đại biểu từ các Viện hàn lâm trẻ quốc gia và các tổ chức là thành viên dự khuyết của Viện hàn lâm trẻ toàn cầu từ hơn 30 quốc gia đều đánh giá cao nội dung của chương trình cũng như công tác tổ chức của Ban Tổ chức nước chủ nhà. Đặc biệt, hội nghị đã thông qua “Tuyên bố chung Đà Nẵng”, trong đó các thành viên tham dự đồng thuận về hướng phát triển mở rộng mạng lưới của Viện hàn lâm khoa học trẻ khu vực và quốc gia trên toàn thế giới. Thoả thuận khẳng định những giá trị và nguyên tắc hoạt động cốt lõi của Viện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, dựa trên những khuyến nghị của Liên hiệp các Viện hàn lâm thế giới (IAP) dành cho các Viện hàn lâm trẻ quốc gia, Tuyên bố chung Đà Nẵng cũng định hướng chiến lược và xác định kế hoạch hoạt động cho các Viện hàn lâm trẻ nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc. Bản Tuyên bố cũng ghi nhận vai trò của hội nghị tại Đà Nẵng những ngày qua trong việc tạo điều kiện để các Viện hàn lâm trẻ quốc gia thảo luận và phát triển các ý kiến. Đồng thời, thông qua Tuyên bố, các đại biểu đánh giá cao các hoạt động STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) dành cho các em học sinh trung học cơ sở ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam do các đại diện của Viện hàn lâm trẻ các nước phối hợp tổ chức trong khuôn khổ chương trình.

Đánh giá về kết quả hội nghị, bà Beater Wagner, Giám đốc Điều hành Viện Hàn lâm trẻ toàn cầu (GYA) nhận định chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Việc thông qua Tuyên bố chung Đà Nẵng đã tạo được nền tảng vững chắc để GYA, các Viện Hàn lâm trẻ trên toàn thế giới và các tổ chức là thành viên dự khuyết xây dựng Tuyên bố chung cho các Viện hàn lâm trẻ quốc gia, dự kiến sẽ được công bố tại Diễn đàn khoa học thế giới (WSF) ở Budapest, Hungary vào tháng 11/2019. Bà và các đại biểu tham dự cũng đánh giá cao sự đón tiếp của Đại học Duy Tân và Viện hàn lâm trẻ Việt Nam thông qua các chương trình văn hóa, ẩm thực sống động và mang nhiều bản sắc dân tộc.

Trong khuôn khổ hội nghị, Viện Hàn Lâm Trẻ Việt Nam đã tổ chức những hoạt động ý nghĩa nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học dành cho thanh thiếu niên Việt Nam. Hơn 70 học sinh trung học cơ sở của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được trực tiếp tham gia hoạt động STEM qua những thí nghiệm hoá học vui với những hạt nano vàng hướng tới ứng dụng trong chăm sóc sức khoẻ. Chương trình cũng hướng dẫn các em cách tìm kiếm sự sống ngoài trái đất và thi vẽ chân dung các nhà khoa học theo trí tưởng tượng của mình. Chương trình đã đem đến bầu không khí sôi động, vui vẻ và tạo được nhiều động lực để các em học sinh tìm hiểu nhiều hơn về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán, đồng thời hỗ trợ các giáo viên trong giáo dục và đào tạo. Chia sẻ cảm xúc sau hoạt động, em Đào Duy Long, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, cho biết các thí nghiệm rất vui và hữu ích, giúp em học hỏi được nhiều điều và tạo động lực để em cố gắng theo đuổi mơ ước trở thành bác sĩ trong tương lai.

 Thí nghiệm hóa học vui

Việc tổ chức thành công Hội nghị các Viện Hàn Lâm Trẻ thế giới lần thứ tư và Hội thảo Khoa học Ứng dụng vật liệu nano trong chăm sóc sức khỏe là những đóng góp có ý nghĩa của Ban Tổ chức chương trình nói chung và Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam nói riêng đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà cũng như góp phần quảng bá về hình ảnh và môi trường học thuật của Việt Nam, làm cầu nối đưa nền khoa học của Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Đạt được thành công đó, ngoài nỗ lực của Ban Tổ chức, chương trình cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Bộ Ngoại Giao, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Quỹ Nafosted, các quỹ Nghiên Cứu Khoa học thuộc Quân đội Mỹ, doanh nghiệp và các trường đại học. Đại diện các cơ quan, tổ chức trên đã tham dự phiên khai mạc WWMYA vào chiều ngày 31/07/2019 cùng gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế. Chia sẻ tại sự kiện ông Nguyễn Hoành Năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao ghi nhận những nỗ lực và vị thế của Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam trong quá trình vận động để Việt Nam được đăng cai tổ chức Hội nghị. Ông tin rằng các hội đoàn năng động như Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực trong việc kết nối các trí thức kiều bào và trong nước, cùng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có những đóng góp thiết thực đối với nước nhà. Ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tin rằng hai hội nghị này là cơ hội tốt để góp phần quảng bá hình ảnh và môi trường học thuật của Việt Nam cũng như làm cầu nối đưa nền khoa học của Việt Nam đến gần hơn với thế giới.

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, người sáng lập Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam cho biết, khoa học nano nghiên cứu những hạt nhỏ bé nhưng giúp tạo ra những thay đổi lớn, trên nhiều lĩnh vực ở phạm vi toàn thế giới. Đây là một trong những định hướng mũi nhọn thu hút rất nhiều nhà khoa học trên thế giới, cũng như tạo được những tác động lớn cho sự phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ vật liệu mới và các ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, nên được tiếp tục giới thiệu và nghiên cứu tại Việt Nam. Do đó, nối tiếp Hội thảo Khoa học Ứng dụng vật liệu nano trong chăm sóc sức khỏe năm 2019, Viện hàm lâm trẻ Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo “Công nghệ Nano-sinh học cho sức khỏe” (Nano-Biotech for Healthcare), dự kiến diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. HCM vào ngày 28-30/7/2021. Các hoạt động STEM cũng sẽ tiếp tục được tổ chức trong khuôn khổ chương trình này.

Minh Nhật


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm