“Chúng ta luôn làm tất cả cho đồng bào ở xa Tổ quốc”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện cùng bà con kiều bào
tại Đền Ngọc Sơn trong Chương trình Xuân Quê Hương, tháng 2/2013
Hơn 4 triệu con tim hòa cùng nhịp đập quê hương
Năm 2013, mặc dù vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của vòng xoáy khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng đồng bào ta ở nước ngoài vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên để cuộc sống ổn định hơn, đồng thời có nhiều hoạt động tích cực hướng về cội nguồn. Không chỉ đóng góp cho quê hương qua những hoạt động thiết thực trên mọi lĩnh vực như khoa học-giáo dục, kinh doanh, văn hóa- xã hội mà bà con còn thể hiện rất rõ truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta qua nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo ủng hộ đồng bào chiến sĩ nơi đảo xa, giúp đỡ bà con vùng bị lũ lụt tàn phá… Tấm lòng ấy của bà con đã thể hiện đúng như phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước hàng ngàn kiều bào về dự Xuân Quê hương 2013 "Đất Tổ rạng ngời”: "Tuy ở xa quê hương, nhưng hơn 4 triệu con tim mang dòng máu Lạc Hồng vẫn luôn cùng nhịp đập với quê hương đất mẹ Việt Nam yêu dấu”.
Sự đồng điệu, hòa chung nhịp đập với quê hương Việt Nam đã được biểu hiện rất rõ qua những đóng góp của bà con cho phát triển kinh tế đất nước. Nếu năm 2011, lượng kiều hối đạt mức gần 9 tỷ USD, thì năm 2012 con số này ở mức 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất trên thế giới. Năm 2013, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính kiều hối về Việt Nam sẽ đạt 11 tỉ USD và Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Đến nay đã có 51 trong số 63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào có số vốn đóng góp là 8,6 tỷ USD, phần lớn từ các nước như Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Hà Lan, Séc... Đầu tư của kiều bào tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản... Các dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Số tiền kiều bào gửi về ủng hộ các địa phương bị thiên tai bão lũ, gia đình người có công, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa... ngày càng nhiều hơn. Năm 2013, tính riêng số tiền bà con quyên góp, ủng hộ thông qua Bộ Ngoại giao (Ủy ban NVNONN) là gần 1,8 tỷ đồng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cùng Đoàn kiều bào lên dâng hương Đền Hùng, tháng 4/2013
Cả nước dành tình cảm cho kiều bào
Năm 2013 dù là một năm mà nền kinh tế trong nước vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm và dành thật nhiều tình cảm cho bà con. Những tình cảm ấy đã phần nào được thể hiện qua những chương trình như: "Xuân Quê hương 2013- Đất Tổ rạng ngời”, Đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Giỗ Tổ Hùng Vương, dự Lễ đón Bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, đoàn văn nghệ đi phục vụ kiều bào ta đón Tết tại Thái Lan, Lào...
Cùng với đó, công tác xây dựng, giải quyết chính sách đối với kiều bào; hỗ trợ củng cố, phát triển cộng đồng, hỗ trợ trí thức, doanh nhân kiều bào và động viên khen thưởng các nhân tố tích cực... cũng được triển khai đồng bộ. Với sự hỗ trợ, động viên từ trong nước, cộng đồng NVNONN tham gia tích cực và đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì và phát triển phong trào sử dụng tiếng Việt hướng tới thế hệ trẻ. Nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật ở các nước sở tại được các cơ quan đại diện Việt Nam phối hợp với cộng đồng tổ chức nhân các ngày lễ lớn hoặc nhân các "Ngày Việt Nam” và "Tuần Việt Nam”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cắt băng khai trương trụ sở
Hội người Việt Nam toàn Thái Lan, tháng 1/2013
Bảo hộ công dân: Tích cực và chủ động
Với tư cách là cơ quan chủ quản, tham mưu giúp Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao luôn chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện nghiêm túc công tác này và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Theo thống kê, hiện chúng ta có khoảng hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, cư trú, làm việc trong các ngành nghề khác nhau tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Có thể nói, trong bối cảnh thế giới năm 2013 tiếp tục có những biến động phức tạp và các thảm họa môi trường khốc liệt, công tác bảo hộ công dân diễn ra một cách dồn dập, khẩn trương và luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã từng bước chuyên nghiệp hóa công tác này thông qua các biện pháp như tăng cường bộ máy và nhân sự cho hoạt động bảo hộ công dân ở nước ngoài. Phòng Bảo hộ công dân (thuộc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), đường dây nóng "hotlines” trực 24/24h trong nước và các Cơ quan đại diện tiếp tục phát huy vai trò đầu mối xử lý kịp thời tất cả các vấn đề về bảo hộ công dân; Quỹ Bảo hộ công dân tiếp tục phát huy vai trò là công cụ hỗ trợ đắc lực trong các vụ việc bảo hộ công dân.
Với những nỗ lực trên, trong năm 2013, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Y tế… xây dựng các phương án ứng phó và chỉ đạo kịp thời các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ, sơ tán công dân tại các địa bàn có bất ổn chính trị hay gặp khó khăn do thiên tai, địch họa. Năm 2013, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã can thiệp, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến việc làm ăn, cư trú, bảo hộ công dân của người Việt tại LB Nga. Đại sứ quán VN tại Philippines đã cử đoàn công tác đến tận nơi hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho đồng bào ta tại Tacloban vượt qua khó khăn do bão Hải Yến gây ra...
Sau khi Quỹ Bảo hộ công dân chính thức hoạt động, Quỹ đã chi tổng số tiền lên tới 21 tỷ 347 triệu VND cho các hoạt động bảo hộ công dân như hỗ trợ các thuyền viên làm việc trên các tàu chở hàng của các công ty trong nước cử đi làm việc thuê trên các tàu nước ngoài bị nạn (tại Argentina, Chilê); mua vé về nước và hỗ trợ cho rất nhiều trường hợp công dân ta bị hoạn nạn, bệnh tật, kể cả các trường hợp thiệt mạng vì nhiều lý do...
Dự kiến trong quý I năm 2014, Bộ Ngoại giao (Ủy ban NNVNVNONN) sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện NQ 36 của Bộ Chính trị để đánh giá tổng thể những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế trong công tác đối với NVNONN, từ đó đề ra các phương hướng, biện pháp huy động tốt hơn sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhằm nâng cao hiệu quả công tác này lên một bước mới, đóng góp tích cực cho công cuộc hội nhập và phát triển đất nước hiện nay.
TS. Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao -
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài