A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về làng bích họa Tam Thanh

Từ một làng chài nghèo ven biển, đến nay ngôi làng bích họa với hơn 100 bức tranh tường tại thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ đã trở thành một trong những điểm ghé chân tham quan đầy hấp dẫn của du khách khi đến với Quảng Nam. Đặc biệt, ngôi làng này đã góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi cảnh quan, cuộc sống cũng như tạo thêm sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.

 Ngõ bích họa

Nghệ thuật ở làng chài nghèo

Tới làng chài Tam Thanh, TP.Tam Kỳ giữa những ngày hè, ngay từ sáng sớm người ta dễ dàng bắt gặp từng đoàn du khách tới tham quan, chụp ảnh bên những bức tường bích họa. Từ những bức tường cũ kỹ của hơn 100 ngôi nhà của làng chài Tam Thanh trước kia, qua bàn tay của các họa sĩ Hàn Quốc, chúng đã trở thành những bức tranh tường sống động, nhiều màu sắc. Làng bích họa Tam Thanh được hình thành dựa trên dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Việt Nam và Hàn Quốc. Đây cũng là làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam, lấy cảm hứng từ ngôi làng bích họa Daegu nổi tiếng của Hàn Quốc với mong muốn đưa Tam Thanh trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Mỗi bức tranh tường là những chủ đề giản dị, mộc mạc về chính cuộc sống, con người, văn hóa của làng chài Tam Thanh. Đó là những ngư dân cam trường bám biển; khung cảnh bình yên của làng chài; cuộc sống sinh hoạt, mưu sinh thường ngày của con người nơi đây và cả tình yêu thương vỗ về của người mẹ dành cho con... Không gian nghệ thuật của làng chài đã gây ấn tượng đặc biệt đối với những du khách lần đầu đặt chân tới đây. Chị Lê Thị Dạ Thảo, đến từ TP. Huế cho biết: “Mới bước vô làng tôi thấy cảnh sống ở đây rất thanh bình, cuộc sống của người dân rất đơn giản, môi trường trong lành, yên bình, các bức tranh của các họa sĩ thực sự rất sống động và tươi đẹp. Tham quan ở đây khiến tinh thần tôi cảm thấy thực sự thỏa mái.” Mặc dù đã từng tới đây, nhưng có dịp qua Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn (tỉnh Quảng Bình) vẫn không quên ghé thăm làng bích họa. Ông cho biết: “Tới đây lần thứ 2 tôi vẫn ngỡ như rất mới lạ...”.

Chính thức hoàn thành vào tháng 6/2016, đến nay sau một năm đi vào hoạt động, ngôi làng đã thu hút nhiều du khách tới tham quan. Không chỉ làm thay đổi cảnh quan của làng chài nghèo mà nhờ các bức bích họa này người dân có điều kiện tăng thu nhập nhờ các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Trước đây, gia đình anh Võ Đức, chị Lương Tường Vi là một trong những hộ thuộc diện khó khăn của thôn Trung Thanh. Anh Đức bị câm điếc từ nhỏ, vợ anh bị tai nạn từ lúc 5 tuổi nhưng họ đã yêu thương và đến với nhau. Mặc dù có nghề may vá nhưng cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, từ khi có dự án làng bích họa này, gia đình anh chị đã mở thêm dịch vụ trông giữ xe, bán nước giải khát. Chị Vi cho biết: Ngày trước không có ai đến đây, mình bán nước cũng không được. Giờ khách đến nhiều hơn, bán thêm được tí nước, kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt trong gia đình và lo quần áo, sách vở cho hai cháu đang ăn học.

Bao đời nay, người dân Tam Thanh vốn gắn liền với nghề biển, cuộc sống bình lặng khi ngày ngày đàn ông trong làng đi biển, còn phụ nữ quanh quẩn buôn bán tự do hoặc đi làm thuê, làm mướn. Giờ đây, du khách tới làng bích họa ngày một đông, làng chài cũng trở nên nhộn nhịp, tươi vui hơn và đặc biệt họ đã có thêm công việc mưu sinh tăng thu nhập. Vốn theo nghề biển, gia đình bà Lê Thị Đoàn có riêng một cơ sở sản xuất nước mắm, tuy nhiên trước đây bà phải đi khắp nơi giới thiệu để bán sản phẩm. Thế nhưng, từ ngày có khách du lịch, bà Đoàn không những mở thêm các dịch vụ như trông giữ xe, bán nước mà còn có thể mở sạp hàng nước mắm bán ngay trước nhà. “Du khách tới đây đông hơn đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ ở đây. Đối với riêng gia đình tôi, sẵn cơ hội này tôi có thể trưng bày nghề chính sản xuất nước mắm của mình, hơn nữa tôi cũng quảng bá được thương hiệu của mình. Nhờ đó, thu nhập của gia đình mình cũng khá hơn trước”, bà Đoàn chia sẻ.

Bức bích họa vẽ gia đình anh Võ Đức, chị Lương Tường Vi 

Tạo giá trị mới cho làng nghệ thuật cộng đồng

Cùng với làng bích họa, đầu tháng 6 vừa qua, cũng tại đây Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh với con đường thuyền thúng độc đáo dài 1,5km chính thức được khánh thành. Con đường thuyền thúng gồm 111 bức tranh được các họa sĩ vẽ trên những chiếc thuyền thúng đã cũ của ngư dân. “Các nghệ sĩ sáng tác trên thuyền thúng đã mang thêm một giá trị mới cho những vật liệu tưởng như đã cũ và quen thuộc đối với đời sống làng chài”, bà Lê Diệu Anh, Chủ nhiệm Dự án Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh cho biết.

Mỗi bức tranh là những chủ đề giản dị, mộc mạc về cuộc sống, con người, văn hóa của làng chài Tam Thanh. Dự án làng nghệ thuật có sự tham gia của đông đảo cộng đồng gồm các sinh viên, giảng viên các trường đại học, họa sĩ, nghệ sĩ cùng cộng đồng chung tay thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết: Tam Thanh có sự phát triển nhanh chóng về dịch vụ phát triển du lịch. Đến nay đã có tới 50% các hộ dân tham gia phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn, giúp đời sống của nhân dân nâng lên, ổn định. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân Tam Thanh đã đạt trên 3 triệu/người/tháng”. Để nhân rộng mô hình các gia đình làm du lịch hiệu quả, hiện Tam Thanh đang thí điểm xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với năng lực thực hiện của người dân, nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương cũng như đưa nơi đây trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng ở Tam Thanh đi vào chiều sâu, TP. Tam Kỳ có chủ trương hình thành các tổ hợp, tổ hợp về du lịch homestay, du lịch bơi thuyền thúng, tổ thuê xe đạp, xe máy trên địa bàn xã đồng thời chú trọng việc tuyên truyền, tạo nhận thức trong ứng xử văn hóa, văn minh du lịch cho nhân dân. Bên cạnh đó, gắn phát triển du lịch với xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại làng bích họa thôn Trung Thanh để Tam Thanh đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017 này.

Lê Phượng/ baodulich.net.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm