A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thưởng ngoạn ánh bình minh tái sinh trên cao nguyên Pleiku

Còn khá xa lạ trên bản đồ trekking Việt, cái tên Chư Nâm xuất hiện đã khiến nhiều người cảm thấy khá thích thú với một điểm cao tọa lạc không quá xa trung tâm Gia Lai nhưng lại là nơi cắm trại lý tưởng để “săn mây” và ngắm trọn Pleiku về đêm.

 Ngắm đường chân trời với tia nắng đầu tiên ló dạng trên đỉnh Chư Nâm. 

Núi Chư Nâm thuộc địa phận của huyện Chư Păh (Gia Lai), cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút đi xe máy. Đây là ngọn núi cao nhất của cao nguyên Pleiku ở phía Tây. Đặc biệt, nó được xem là một người anh em của núi lửa Chư Đang Ya – một tàn tích của lòng chảo núi lửa, vốn nổi tiếng với hoa dã quì. Chư Nâm nằm ngay cạnh Chư Đang Ya nhưng cao hơn và khó chinh phục hơn.

Từ chân núi có thể leo lên đỉnh Chư Nâm từ hai hướng: đập Tân Sơn hoặc mạn núi lửa Chư Đang Ya. Nếu đi từ phía đập Tân Sơn có thể tiện đường “check-in” tại đập thủy lợi này nhưng lại không hề thuận tiện với những đoàn đi xe máy vì ở đây không có chỗ gửi xe.

Từ xã Chư Đang Ya nhìn qua hướng bên phải thấy dãy núi nào cao nhất thì đó chính là Chư Nâm. Ở Chư Đang Ya có một làng người đồng bào J’rai sinh sống, bạn có thể xin gửi xe qua đêm tại làng và di chuyển khoảng 1km để đến được chân núi Chư Nâm.

Đường lên núi chủ yếu là đường mòn khá dễ đi. Từ nhà người dân lên tới đỉnh núi mất khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ nếu vừa leo vừa ngắm cảnh, xuống núi thì chỉ mất khoảng 2 tiếng. Gần tới đỉnh Chư Nâm sẽ có một vùng đất rộng và trống có thể dựng lều qua đêm, nấu ăn và đón bình minh vào sáng hôm sau.

Đứng từ trên đỉnh Chư Nâm nhìn xuống, vẻ đẹp của bình nguyên xanh thẳm trải rộng bên dưới khiến chúng tôi lặng người. Cánh đồng chia thành những ô nhỏ pha nhiều gam màu như một bức tranh thu tĩnh lặng. Nhưng chính cái tĩnh lặng ấy lại làm xáo động tâm tư những lữ khách tự do. Cũng từ đây, bạn sẽ thấy núi lửa Chư Đăng Ya chỉ như một anh chàng tí hon đứng cạnh gã khổng lồ.

 Trên đường xuống núi.

Mọi người có thể chiêm ngưỡng kỳ quan núi lửa này từ độ cao và từ nhiều chiều hướng khác nhau, mà nếu không lên tới đỉnh Chư Nâm, sẽ khó được trải nghiệm. Khi thu vào bên trong tất cả những gì trải ra trước mắt mà không có máy ảnh nào ghi lại ấy, có cảm giác dễ chịu như bước đi trong gió. Vào đầu mùa khô, cỏ lau vẫn còn khá tốt tươi suốt dọc đường dẫn lên núi. Cỏ cao lút đầu người. Thỉnh thoảng, nổi bật một khóm dã quỳ nở hoa vàng rực giữa muôn trùng bông lau vàng óng ánh trong nắng. 

Theo anh Nguyễn Trung – một leader từng thiết kế nhiều tour trekking tại Gia Lai cho biết, thời gian đẹp nhất để “ngắm bình minh trên đỉnh Chư Nâm” là từ tháng 8 đến tháng 5 năm sau. Trong khoảng này, Gia Lai đang bước vào mùa khô, ít mưa, gió hanh, trời lạnh giá về đêm và sáng sớm có sương mù – một thời điểm lý tưởng để có thể cảm nhận vẻ đẹp thâm trầm của đại ngàn “đầy nắng và gió”.

Vào đầu tháng 11 hằng năm, thay vì đến Chư Đang Ya để thưởng sắc dã quì thì bạn cũng có thể cùng bạn bè ngắm những vạt hoa vàng gợn sóng trong nắng sớm ở đỉnh Chư Nâm với độ cao 1470m. Để sau những chuyến đi, người ta dường như hiểu hơn về đời sống nội tâm của chính mình, nó phong phú đến nỗi chính chủ thể cũng phải ngạc nhiên. Nó khiến người ta thấy mình vững chãi tựa như một ngọn núi trước những biến cải của cuộc đời.

(Báo Du lịch)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm