Gốm Gọ Bình Đức
Công việc làm gốm của phụ nữ Chăm thôn Bình Đức. |
Nghề thủ công gia truyền độc đáo của người Chăm
Làng nghề gốm Gọ Bình Đức nằm dọc tuyến quốc lộ 1A thuộc thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách trung tâm TP. Phan Thiết khoảng 70 km về hướng Bắc, làng gốm Bình Đức hay còn gọi là làng Gọ khá có tiếng. Gốm là nghề truyền thống của người Chăm Bình Đức. Nghề làm gốm theo phương pháp cổ truyền đã có từ hàng trăm năm trước.
Có lẽ Bình Đức phát triển được nghề gốm nhờ mỏ đất, mỏ cát riêng biệt chỉ phù sa Sông Phan mới có. Đất mịn, dẻo; cát cũng rất mịn, hạt nhỏ li ti. Theo truyền thuyết của người Chăm, nghề gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa. Bởi vậy, từ ngàn xưa phụ nữ người Chăm ai ai cũng biết làm gốm, còn đàn ông chỉ tham gia vào việc như đập đất, nung gốm.
Gốm Bình Đức là loại gốm thủ công làm hoàn toàn bằng tay, với vật liệu là đất sắt pha cùng với cát và đặc biệt không có men như gốm Bát Tràng, Minh Long…
Khâu chuẩn bị đất phải rất kỹ lưỡng, chỉ cần sót ít bụi bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hư hỏng ngay. Người làm gốm gửi tình cảm, tâm linh mình vào từng đường nét hoa văn.
Sản phẩm bếp lò gốm với màu sắc rất tự nhiên, độc đáo. |
Cách nung gốm mang tính cộng đồng cao
Muốn chế tác sản phẩm gốm hoàn chỉnh, nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Công đoạn 1 là khâu làm đất như: đào đất, phơi đất, ngâm đất, nhồi đất. Công đoạn 2 là tạo dáng hình, chà láng, trang trí, tu sửa gốm. Công đoạn 3 là nung gốm: phơi, xếp củi, xếp gốm vào lò nung, đốt lò nung, trông lò, cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Thợ làm gốm là những phụ nữ Chăm, họ tạo hình sản phẩm gốm không dùng bàn xoay, chỉ sử dụng những công cụ giản đơn theo phương pháp thủ công truyền thống. Dụng cụ tạo hình sản phẩm gốm khá đơn giản: một chiếc bàn kê và một miếng vải thô nhỏ. Đối với sản phẩm gốm có kích thước lớn và cồng kềnh, phải thao tác trên mặt sân bằng phẳng và phải do những nghệ nhân lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được.
Người thợ lấy một ít cát trắng rải đều lên mặt bàn kê rồi đặt đất sét lên để chống dính. Bằng thao tác hơi khum người xuống, hai chân dịch chuyển quanh bàn kê, người thợ dùng đôi bàn tay tạo dáng và thân sản phẩm. Tiếp theo, người thợ dùng một chiếc vòng tre vót mỏng vuốt lên mặt ngoài sản phẩm ướt để tạo độ đều và láng mịn, rồi dùng một miếng vải thô nhúng nước và dịch chuyển một vòng làm thao tác bẻ, vuốt miệng gốm cho đều, mịn.
Gốm được nung ngoài trời với nhiệt độ nung khoảng từ 500 - 600oC. Gốm khi nung chín có nhiều màu: vàng, đỏ, đỏ hồng, xanh nâu, đen… Gốm Bình Đức được nhiều khách hàng ưa chuộng vì những hoa văn tự nhiên được tạo từ vỏ cây quả thị, màu đất sét và gốm không thấm nước, độ bền cao, khó phai màu.
Tùy vào kích thước sản phẩm gốm mà thời gian nung cũng khác nhau, nếu gốm nhỏ thì thời gian nung khoảng 1 tiếng, còn sản phẩm to thì có thể kéo dài tới 2,3 tiếng. Khi gốm nung đến độ chín sẽ được kéo ra và vẩy lên bề mặt gốm một loại nước làm từ cây thị hoăc cây chùm mụ (loại cây rừng ở địa phương) nhằm tạo hoa văn cho gốm. Sản phẩm gốm hoàn chỉnh của người Chăm thôn Bình Đức có màu đỏ nhạt cùng những hoa văn tự nhiên lạ mắt, đã trở thành một loại gốm độc đáo, khác biệt với những loại gốm ở các nơi khác.
Người Chăm đã tạo cho mình những sản phẩm gốm truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại như: nồi (gok glah), ấm (gok om), khuôn bánh xèo, lu, chum lớn… Tuy sản phẩm gốm vẫn còn thô sơ nhưng đã đánh dấu một quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử của cộng đồng người Chăm, lưu giữ những giá trị văn hóa, thông qua làng nghề truyền thống của dân tộc Chăm cho đến ngày nay.
Hiện nay, sản phẩm gốm được phân phối nhiều ở các khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, quán ăn ở Bình Thuận và các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.../.
(theo báo Du lịch)