Vườn Quốc gia Pù Mát
"Rừng vàng" xứ Nghệ
Vườn Quốc Gia (VQG) Pù Mát nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương tỉnh Nghệ An. Với diện tích rộng lớn gồm vùng lõi rộng 94.804ha và vùng đệm rộng 86.000 ha, Pù Mát có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Các điều tra, khảo sát được thực hiện trong vài năm gần đây cho thấy Pù Mát có gần 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật... Với giới khoa học, cái tên Pù Mát không có gì xa lạ bởi đây là một trong những nơi đầu tiên phát hiện ra loài thú quý hiếm: sao la.
Anh Võ Công Anh Tuấn, cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học – Cứu hộ động vật hoang dã và Hợp tác quốc tế VQG Pù Mát cho biết, do có số lượng động thực vật nhiều lại phân bố trên diện rộng nên công tác bảo tồn của VQG Pù Mát hết sức khó khăn. Để quản lí được, cán bộ của Vườn phải thực hiện những chuyến đi thực địa, khảo sát kéo dài hàng tháng trời trong rừng sâu nước thẳm mới có thể thu thập được những kết quả chính xác. Từ những chuyến đi ấy, các cán bộ của Vườn đã thực hiện việc khoanh vùng xác định các quần thể thực vật và khu vực cư trú của các loài thú một cách cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác nhằm tạo cơ sở đánh giá và lên phương án bảo tồn bền vững, hiệu quả.
|
|
Theo anh Võ Công Anh Tuấn, trong lĩnh vực bảo tồn loài, Pù Mát chẳng những là một khu tầm cỡ quốc gia mà còn có giá trị cho cả Lào và khu vực Đông Dương. Nếu được quản lí và bảo vệ tốt, VQG Pù Mát sẽ là nơi lí tưởng để bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Với những giá trị đặc biệt như vậy, VQG Pù Mát thực sự là một khu “rừng vàng” đầy giàu có của xứ Nghệ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, VQG Pù Mát có 4 loài thú đặc hữu của Đông Dương là sao la (Pseudoryx nghetinhensis), thỏ sọc Bắc Bộ (Nesolagus spp. nov.), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys), vượn má hung (Hylobates gabriellae). Ngoài ra còn có các ghi nhận về mang lớn, mang Trường Sơn, voọc chà vá chân nâu, hổ, voi, cầy vằn, gấu chó, gấu ngựa, trĩ sao, bò tót... |
Tiềm năng du lịch
Pù Mát là nơi cư trú chính của người dân tộc Thái ở Nghệ An. Trong tiếng Thái, Pù Mát có nghĩa là “đỉnh núi cao nhất”. Người Thái ở Pù Mát sống tập trung trong các thôn bản. Họ sống nhờ vào nghề trồng lúa, đốt nương làm rẫy, chăn nuôi gia súc gia cầm, làm các sản phẩm mây tre đan và dệt vải thổ cẩm truyền thống. Vải thổ cẩm của người Thái đẹp nổi tiếng nhờ có màu sắc sặc sỡ và hoa văn độc đáo. Ngoài người Thái còn có một số ít người Kinh và người dân tộc Đan Lai. Người Đan Lai sống tập trung tại bản Cò Phạt và Bản Búng thuộc xã Môn Sơn nằm ở phía Đông Nam của VQG Pù Mát.
|
|
|
Đến với các bản làng ở Pù Mát, du khách sẽ có cơ hội được đắm mình trong những không gian lễ hội đặc sắc, được nhảy sạp, uống rượu cần và chứng kiến nhiều phong tục tập quán lạ khác. VQG Pù Mát có đỉnh Pù Mát hùng vĩ cao 1.841m, được ví như một Fansipan thứ hai của Việt Nam.
Đến với VQG Pù Mát du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét hoang sơ của những rừng nguyên sinh và nhiều thắng cảnh nổi bật. Pù Mát có thác Kèm cao 150m với dòng nước như một dải lụa trắng buông xuống giữa lưng trời. Quanh năm bốn mùa, thác Kèm luôn dào dạt tuôn chảy giữa núi rừng. Vào những ngày hè, hơi nước mát từ thác Kèm tỏa ra đẩy lùi hơi nóng của cơn gió Lào, xoa dịu cái nóng oi bức ngột ngạt đặc trưng của mảnh đất miền Trung nắng lửa. Cùng với thác Kèm, Pù Mát còn có suối Mọc nước trong veo, mát về mùa hè và ấm về mùa đông nên rất hấp dẫn du khách. Đến với Pù Mát, du khách còn được ngồi thuyền ngược dòng sông Giăng khám phá vẻ đẹp kì thú, hùng vĩ của núi rừng. Hay dạo chơi dưới những cánh rừng săng lẻ, nơi có những cây cổ thụ cao khoảng 50m và toả bóng mát quanh năm, để được lắng nghe tiếng chim hót và ngắm nhìn những tia nắng mặt trời vàng như mật chiếu xiên qua kẻ lá vào những buổi bình minh.
Để tăng thêm tính hấp dẫn cho vùng du lịch đặc biệt này, Ban quản lí VQG Pù Mát đã cho xây dựng những làng nghề truyền thống của người Thái để du khách tới tham quan, tìm hiểu tập quán sinh hoạt của đồng bào nơi đây./.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007, với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thứ 6 của Việt |
8 Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt - Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000). |
(Theo BAVN)