A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thăm miền đất di sản Quảng Ninh

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, bà con kiều bào ta khắp nơi trên thế giới thường trở về Việt Nam để sum họp gia đình. Đây cũng là dịp mọi người đi đến các nơi trên đất nước để du Xuân, thưởng ngoạn và tham gia các lễ hội văn hóa của mọi miền đất nước. Quảng Ninh, miền đất của các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa lịch sử nổi tiếng của thế giới và của nước ta, là một trong các điểm đến mà kiều bào ta thường du Xuân thưởng ngoạn trong dịp này.


Vịnh Hạ Long- Di sản thiên nhiên thế giới

Với một phong cảnh tuyệt đẹp và kỳ vĩ, Vịnh Hạ Long là địa danh duy nhất hai lần được UNESCO tôn vinh là Di sản thiên nhiên thế giới và trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Với diện tích 1.553km2, bao gồm 1.969 hòn đảo chạy dài theo bờ biển Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long chứa đựng nhiều giá trị độc đáo mang tính toàn cầu, trong đó nổi bật là giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo. Vẻ đẹp vĩnh cửu, kỳ vĩ của Hạ Long được tạo nên từ ba yếu tố: Đá, Nước và Bầu trời. Đây là một đặc ân của thiên nhiên dành cho Hạ Long. Đến Hạ Long, du khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp thơ mộng đầy lãng mạn nhưng cũng thật hùng vĩ của núi non, biển cả nơi đây. Cảnh đẹp Hạ Long là sự kết hợp hài hoà, uyển chuyển giữa bố cục và màu sắc, giữa hình khối và không gian... được biểu hiện bởi hàng ngàn hòn đảo có hình thù kỳ thú khác nhau trên mặt biển xanh, khơi gợi trí tưởng tượng vô hạn của con người, tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Phía trong những đảo đá lớn lại có những hang động đẹp đẽ, kì lạ. Động Thiên Cung như một đền đài hoành tráng, mỹ lệ. Hang Sửng Sốt đẹp đến bất ngờ với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước… như mở ra một thế giới cổ tích. Những hang động như Tam Cung, Trinh Nữ, Ba Hang, Tiên Long… mỗi hang có những vẻ đẹp độc đáo riêng làm mê mải lòng người. Biển Vịnh Hạ Long muôn đời vẫn một màu xanh biếc, êm đềm, ru mãi với thời gian.

Hạ Long đẹp bốn mùa. Mùa Xuân, những thảm thực vật biêng biếc chồi non trên dãy núi đá vôi. Mùa Hạ, trời mát và trong trẻo, những hạt nắng lung linh rơi xuống mặt biển. Mùa Thu, vào những đêm trăng, ánh trăng soi nghiêng bóng núi bập bềnh như dát vàng xuống trần gian. Vào mùa Đông, với làn khói sóng bay bay, sương núi lan tỏa, Hạ Long đẹp như một lẵng hoa trên biển.


Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên, Hạ Long còn chứa đựng bên trong nó một giá trị về văn hóa-lịch sử của nước ta. Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ với ba nền văn hoá nối tiếp nhau: Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long  từ cách đây hơn 3000 năm; là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Đây cũng là nơi có sự đa dạng sinh học phong phú với những hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, đa dạng thành phần loài, nguồn gen đặc hữu quý hiếm. Trong số 2.949 loài động, thực vật được bảo tồn, đã xác định được 102 loài quý hiếm có giá trị toàn cầu hoặc khu vực, trong đó có 13 loài thực vật đặc hữu vô cùng quý hiếm chỉ có ở nơi đây.

Yên Tử - miền đất Phật trời Nam

Yên Tử là một ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều, cao hơn mặt nước biển 1.068m. YênTử từ lâu đã là một di tích lịch sử nổi tiếng, được mệnh danh là “đất Tổ Phật giáo Việt Nam”. Mới đây, khu di tích này đã được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử phần lớn nằm trên địa phận của thành phố Uông Bí và một phần thuộc xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều), bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp được xây dựng rải rác theo tuyến trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử.

Theo sử sách, năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia về Yên Tử tu hành, trở thành vị Tổ thứ sáu của dòng Thiền Yên Tử và là Tổ thứ nhất của Thiền Phái Trúc Lâm. Năm 2013, chúng ta đã khánh thành tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử.

Yên Tử là một địa điểm có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia, bao gồm: Chùa Bí Thượng, Chùa Suối Tắm, Chùa Cầm Thực  (Linh Nhâm tự), Chùa Lân (Long Động tự), Chùa Giải Oan, Vườn tháp Hòn Ngọc (bao gồm 9 ngôi tháp lớn nhỏ bằng đá và gạch), Khu tháp Tổ (còn gọi là vườn tháp Huệ Quang), Chùa Hoa Yên (Hoa Yên tự), Chùa Một Mái (Bán Thiên tự), Chùa Bảo Sái, Chùa Vân Tiêu, Chùa Đồng (Thiên Trúc tự). Ngoài ra còn một số am như: Am Dược, Am Thung, Am Thiền Định, Am Lò Rèn, Am Diêm…Với rất nhiều chùa, am, tháp nên Khu di tích danh thắng Yên Tử còn được gọi là “đất Phật trời Nam”. Chùa Đồng (Yên Tử) nằm trong 10 kỷ lục Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập trao bằng kỷ lục.



Chùa Đồng Yên Tử 

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông. Đây còn là nơi bảo tồn rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như Tùng, Trúc, Mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm.

Miền đất trầm tích của lịch sử Việt Nam

Không chỉ có Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn nổi tiếng với hơn 600 di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng… Hệ thống di tích nằm trải dài từ Đông Triều đến Móng Cái đã tạo thành nét văn hoá đặc sắc của tỉnh. Sức hấp dẫn của Quảng Ninh có được một phần từ hệ thống di tích, danh thắng này.

Huyện Đông Triều là cửa ngõ của Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 100km. Tại đây, với điểm dừng chân đầu tiên này, du khách có thể đến thăm quần thể đền, chùa và lăng mộ các vua Trần thuộc xã An Sinh và một số xã lân cận, nằm trong một khu đất có bán kính tới 20km với hệ thống lăng mộ được xây dựng để thờ 11 vị vua nhà Trần cùng nhiều công trình tôn giáo linh thiêng khác. Đền Sinh nằm ở khu vực trung tâm của di tích là nơi thờ 8 vị vua nhà Trần.

Sau khi thăm quần thể lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều, du khách có thể đến với Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên, nơi ghi dấu những chiến công chống giặc ngoại xâm lẫy lừng của dân tộc. Khu di tích này vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Trong khu di tích chiến thắng Bạch Đằng, ngoài hệ thống đình, đền, miếu - nơi thờ các vị anh hùng đã có công trong chiến thắng năm xưa, còn có 3 bãi cọc (Bãi cọc Yên Giang, Bãi cọc Đồng Vạn Muối và Bãi cọc Đồng Má Ngựa) là những chứng tích sinh động về chiến trận ác liệt năm xưa.

Qua thành phố Hạ Long, du khách có thể thăm cụm di tích và danh thắng núi Bài Thơ. Chinh phục  đỉnh cao hơn 100m của núi Bài Thơ, du khách sẽ tận hưởng khung cảnh kỳ vĩ của Vịnh Hạ Long với biển nước mênh mang, đảo đá nhấp nhô, những con thuyền, con tàu bình lặng điểm xuyết trên mặt vịnh. Dưới chân núi là Đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Trần Hưng Đạo, vị tướng tài ba, dũng mãnh trong cuộc chiến chống quân Nguyên. Cùng toạ lạc dưới chân núi Bài Thơ có chùa Long Tiên - ngôi chùa lưu giữ được rất nhiều hiện vật giá trị.

Từ Hạ Long, du khách xuôi về thành phố Cẩm Phả để thăm đền Cửa Ông, toạ lạc trên một ngọn núi trông ra Vịnh Bái Tử Long. Đền thờ danh tướng Trần Quốc Tảng và nhiều danh tướng thời Trần. Từ đền Cửa Ông đến huyện Vân Đồn chỉ mất thêm 7km. Nơi đây trên các đảo lớn, nhỏ còn có những dấu tích của Thương cảng cổ Vân Đồn - cảng ngoại thương đầu tiên ở nước ta.


Thành phố Móng Cái - mảnh đất địa đầu Tổ quốc - cũng là nơi trải nghiệm thú vị cho du khách trong chuỗi hành trình du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh. Nơi đây có đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 của đời Hậu Lê (1461) ở phường Trà Cổ, thờ 6 vị thành hoàng làng đã có công lập nên làng Trà Cổ xưa. Ngôi đình mang đậm phong cách kiến trúc thuần Việt dù ở ngay khu vực biên giới nước bạn Trung Quốc.

Các lễ hội văn hóa ở Quảng Ninh

Đến Quảng Ninh, du khách không chỉ mê mẩn chiêm ngưỡng các vẻ đẹp của các di sản thiên nhiên ban tặng, của các di tích lịch sử, chùa chiền, của khung cảnh trời, biển, non nước thơ mộng, trữ tình mà còn được đắm chìm vào không khí lễ hội đầy màu sắc, vừa náo động, vừa thành kính, tâm linh. Ngoài Lễ hội Yên Tử thu hút hàng triệu người mỗi năm, Quảng Ninh còn có các lễ hội nổi tiếng sau:

Lễ hội Bạch Đằng

Diễn ra tại xã Yên Giang, huyện Yên Hưng vào ngày 8 tháng Ba (Âm lịch) hàng năm. Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng của những người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm: Ngô Quyền (năm 938), Lê Hoàn (năm 981), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng nhà Trần (năm 1288).

Lễ hội đền Cửa Ông

Diễn ra tại đền Cửa Ông, phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, từ ngày mùng 2 tháng Giêng cho đến hết tháng Ba (Âm lịch). Đền Cửa Ông thờ Trần Quốc Tảng, con thứ ba của Trần Hưng Đạo, cùng nhiều tướng lĩnh nhà Trần có công đánh giặc và trấn ải vùng Đông Bắc. Đền Cửa Ông có tiếng linh thiêng từ khi mới chỉ là một thảo am dưới gốc cây cổ thụ bên bờ cửa Suốt.  

Lễ hội chùa Long Tiên

Diễn ra tại chùa Long Tiên dưới chân núi Bài Thơ vào ngày 24 tháng Ba Âm lịch hàng năm.  Chùa Long Tiên là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Hạ Long. Lễ hội chùa Long Tiên không chỉ dành riêng cho các tín đồ đạo Phật, nó mang ý nghĩa tâm linh cao cả cho tất cả mọi người. Có thể nói chùa Long Tiên ngày nào cũng là hội, nhưng đông nhất là ngày Rằm và Mồng Một hàng tháng và đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Khi Xuân đến, vào mùa trẩy hội của cả vùng Quảng Ninh, người ta gọi chùa Long Tiên là chùa Trình. Ai cũng muốn đến chùa Long Tiên dâng hương trước rồi mới tiếp tục cuộc hành hương tới Yên Tử, tới hội đền Cửa Ông...  

Lễ hội Thập Cửu Tiên Công

Diễn ra ở đền Thập Cửu Tiên Công, xã Cẩm La, huyện Yên Hưng,  vào ngày 7 tháng Giêng (âm lịch).  Đền Thập Cửu Tiên Công thờ 19 vị Tiên Công - những người có công đầu tiên quai đê lấn biển lập nên khu đảo Hà Nam trù phú, làng xóm đông vui như ngày nay.

Lễ hội Trà Cổ

Diễn ra tại làng Trà Cổ, thị xã Móng Cái, từ ngày 30 tháng Năm đến ngày mùng 6 tháng Sáu (Âm lịch) hàng năm.Trà Cổ nằm ở nơi “đặt nét bút đầu tiên để vẽ hình chữ S của bản đồ đất nước”.Trà Cổ có bãi biển đẹp lý tưởng cho du khách.  

Lễ hội Quan Lạn

Diễn ra ở bến Đình thuộc xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, vào ngày 18 tháng Sáu (Âm lịch) hàng năm nhưng kéo dài từ ngày 10 đến hết ngày 20 tháng Sáu. Lễ hội Quan Lạn vừa kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 và chiến công của Trần Khánh Dư, vừa là ngày hội cầu được mùa của cư dân nơi đây.

Vân Hà


Tin liên quan

Tin tiêu điểm