A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong Nha – Kẻ Bàng: Thiên đường kỳ quan

Cả thế giới đã biết đến Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ vì những giá trị nổi bật toàn cầu về “Lịch sử Trái đất và đặc điểm địa chất” và “Đa dạng sinh học”, mà còn là “Các hiện tượng tự nhiên siêu đẳng và các sinh cảnh, kỳ quan thiên nhiên có vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo khác thường”.

Cảnh quan tươi đẹp tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Hang động – Vẻ đẹp tiềm ẩn

Nhà địa lý Lê Bá Thảo trong “Thiên nhiên Việt Nam” đã ghi lại: “Động Phong Nha, điều thực sự kỳ diệu là ở chỗ tất cả các hình dạng còn giữ được tính chất nguyên thủy của nó. Người đi thăm động có cảm giác sâu sắc như đang tham gia vào một cuộc thám hiểm thực sự khi nghĩ rằng mình đang ở sâu trong lòng đất bên dưới đỉnh núi cao điểm 800 - 900m”.



Cửa động Phong Nha 

Chỉ cần ba mươi phút xuôi thuyền đắm say với trời đất, tâm hồn rộng mở mênh mang theo dòng nước sông Son sẽ đến động Phong Nha. Từ xa, cửa động của dòng sông ngầm Phong Nha hình thang thấp sát mặt nước với những nhũ đá gồ ghề treo lơ lửng tạo cảm giác kỳ dị như hàm răng khổng lồ của miệng con quái vật muốn nuốt chửng con thuyền chầm chậm trôi dần vào lòng núi.

Ánh sáng thiên nhiên từ cửa động nhạt nhòa rồi mất hút. Tiếng mái chèo khua nước êm đềm tạo thành những làn sóng nhỏ đọng vào thành đá bật ra như những nốt nhạc trầm bổng. Dưới ánh đèn mờ ảo, nhũ đá Phong Nha hiện ra muôn hình dáng lạ lùng, nào như phượng múa rồng bay, nào như hổ chầu, voi phục... cả một thế giới mộng ảo hiện về từ quá khứ xa xăm không năm tháng.

Thuyền vào cách cửa động khoảng 600m thì dừng lại ở nhánh hang khô có tên Động Bi Ký. Một bãi cát mát rượi, mịn màng sẽ nâng gót chân bạn đến thăm chốn thần tiên. Đó là những sợi tơ duyên nối giữa Cha Trời và Mẹ Đất, là hình tượng của những vũ nữ thiên thần trong điệu múa Hoàng Cung, những nhũ đá cẩm thạch mang bóng dáng của những giò phong lan từ trần động thả xuống duyên dáng.

Rời Động Bi Ký, thuyền xuôi dòng đến với Động Tiên và Động Cung Đình. Tới đây, mọi lời bình xét đều trở nên vô nghĩa, có chăng là ánh mắt ngỡ ngàng, trầm trồ trước vẻ đẹp đến chuẩn mực của nơi đây. Nhũ đá giăng giăng như dáng liễu, dáng mai. Những cây nhũ đá lớn uy nghiêm mang dáng dấp của tháp liên hoa - nơi ngự của các bậc Tiên đế. Những cột đá cao trên 20m được thiên nhiên dày công gọt dũa, chạm trổ công phu như độc trụ của ngôi đền thần Dớt, xa xa là bóng dáng của Đức Tiên Ông nhân hậu, ngả bàn tay làm phúc, cải lão hoàn đồng...

Điều lý thú, tạo hóa không để cho Phong Nha đơn lẻ mà có thêm Tiên Sơn Động gắn bó trường cửu với Phong Nha. Nằm ở độ cao khoảng 200m trên trần Động Phong Nha, Động Tiên Sơn có chiều dài 980m và không ăn chung với Động Phong Nha.

Đường lên Động Tiên Sơn men theo vách núi quanh co uốn lượn, thật đẹp. Giữa lưng chừng núi, có thể dừng chân phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh thanh bình của những làng quê yên ả trong khói lam chiều, của những cánh đồng nho nhỏ, xen giữa núi đồi quanh co là dòng Chày, dòng Troóc.

Đặt chân vào Động Tiên Sơn, ngỡ như mình đang ở cõi thiên thai. Mỗi nơi, mỗi chốn, đều là một kỳ công thiên tạo. Hàng nghìn khối nhũ đá muôn sắc, óng ánh màu cẩm thạch thật hấp dẫn. Trên vòm động có nhiều vân trắng như vòng bạc, những nhũ đá hình đám mây ngũ sắc như đang lững lờ trôi. Ngước mắt trông, nơi này - dòng nhũ đá mềm mại long lanh như những hạt sương mai chảy về miền vô tận, nơi kia - những khối đá khổng lồ thiên nhiên đẽo tạc như các tượng thần.

''Bảo tàng'' thiên nhiên

Chưa khỏi choáng ngợp với quần thể hang động kỳ vĩ, tráng lệ “rộng nhất, cao nhất, dài nhất” lại ngỡ ngàng với các sinh cảnh, kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, tráng lệ, độc đáo khác thường trong các khu rừng nguyên sinh trên thảm thực vật của khối núi đá vôi kỳ vĩ nhất Việt Nam này.



Hệ thống hang động với các sông ngầm đa dạng vẫn tiếp tục cần khám phá

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở vùng sinh thái Bắc Trường Sơn, nơi được đánh giá là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới. Đặc biệt vừa qua đã phát hiện nhiều loài mới, trong đó có loài Bách xanh núi đá mà dưới tán là các loài Lan hài - những chủng đặc hữu hẹp chỉ phân bố trên núi đá vôi ở độ cao trên 700m đến 1000m. Nằm ở km37 Đường 20 - Quyết Thắng là một cánh rừng Bách xanh thuần loài có diện tích trên 2400 ha. Ở đây có những cây cao từ 20 - 30m. 

Theo các nhà khoa học, rừng Bách xanh ở Phong Nha - Kẻ Bàng là rất hiếm và duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại trên núi đá vôi, có nhiều cây có độ tuổi trên 500 năm. Bách xanh là loài có nguy cơ bị tuyệt chủng trên thế giới, nên đây là khu rừng nguyên sinh có giá trị bảo tồn trên toàn cầu.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn ẩn chứa trong đó sự đa dạng của các loài sinh vật tự nhiên. Cho đến nay, đã xác định sự có mặt của 2.651 loài thực vật bậc cao có mạch, 845 loài động vật có xương sống, 370 loài côn trùng. Chúng hầu hết là các loài bản địa tự nhiên trong khu vực. Trong số đó có tới 116 loài thực vật và 166 loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam 2007 và sách đỏ IUCN 2006.

Với đặc điểm về sự đa dạng sinh cảnh núi đá vôi, hang động, núi đất… Phong Nha - Kẻ Bàng là điều kiện lý tưởng cho 10/25 loài và phân loài linh trưởng (43% linh trưởng của Việt Nam) sinh sống. Có 3 loài linh trưởng đặc hữu của dãy Trường Sơn là Voọc Hà Tĩnh, Voọc Chà Vá chân nâu, Vượn Siki, trong đó có một phân loài là Voọc Hà Tĩnh đặc hữu hẹp chỉ tìm thấy ở vùng núi đá vôi Phong Nha- Kẻ Bàng và vùng lân cận.

Không chỉ đa dạng về lớp thú, Phong Nha - Kẻ Bàng còn đa dạng các lớp chim (385 loài); bò sát và lớp lương cư (112 loài bò sát và 46 loài lưỡng cư); cá (162 loài) và nhóm bướm (270 loài). Đặc biệt, khu hệ Dơi ở Phong Nha - Kẻ Bàng đa dạng nhất Việt Nam với 46 loài, chiếm 43% tổng số loài của Việt Nam.

Đối với thảm thực vật, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có mặt 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam (trong đó có 28 loài lan). Ngoài ra, Phong Nha - Kẻ Bàng cũng là nơi giao thoa của luồng thực vật phía Nam và Bắc Việt Nam. Đây là ranh giới tận cùng phía Nam của một số loài thực vật phía Bắc như Nghiến, Chò nước…và cũng là ranh giới tận cùng phía Bắc của một số loài thực vật phía Nam như Dầu ke, Dầu đọt tím...

Những giá trị đa dạng sinh học cũng như những giá trị tiềm ẩn của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là kho báu cho công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời rất có giá trị cho công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội.

Vẫn còn nhiều việc phải làm…

Tháng 7/2003, UNESCO đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới với đầy đủ tiêu chí thứ nhất (lịch sử trái đất và đặc điểm địa chất), nhưng những nhận xét của các chuyên gia Elery Hamilton Smith, Hans Fridrich và đánh giá của Phái đoàn thẩm định của IUCN về những yếu kém của Việt Nam trong nghiên cứu vẫn còn nguyên giá trị.

Từ khi Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đến nay, Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu khoa học để tiếp tục phát hiện những giá trị mới của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng hầu như những hoạt động nghiên cứu diễn ra một cách thụ động và chưa đủ lực để lấp đầy những khoảng trống về kiến thức mà các tổ chức và các chuyên gia giỏi của quốc tế đã chỉ ra.

Trong rất nhiều việc cần làm để bảo tồn và phát huy các giá trị của Phong Nha - Kẻ Bàng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho rằng, các nhà khoa học trong và ngoài nước cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm hoặc làm rõ hơn về các giá trị quốc tế, đặc biệt xét theo phương diện khoa học về lịch sử của trái đất và đặc điểm, cấu trúc địa chất, địa tầng, kiến tạo, hoạt động magma, địa hình, địa mạo, cổ sinh vật và các quá trình địa chất khác... ; nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ Di sản theo tiêu chí đa dạng sinh học xét theo phương diện khoa học hoặc bảo tồn.

“Mở rộng phạm vi, đối tượng nghiên cứu khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm tổng hợp, xác định các giá trị nổi bật toàn cầu các hiện tượng tự nhiên siêu đẳng và các sinh cảnh, kỳ quan thiên nhiên có vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo khác thường xét theo phương diện thẩm mỹ. Đây chính là tiêu chí khởi tạo ban đầu khi chúng ta đệ trình UNESCO, nhưng chưa được chấp nhận. Việc chưa được chấp nhận không có nghĩa Phong Nha - Kẻ Bàng không xứng danh mà vì chúng ta chưa có đầy đủ hồ sơ khoa học để minh chứng tại thời điểm bấy giờ”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là địa bàn chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hoá quan trọng, trong đó có vấn đề nhân loại học, văn hoá tộc người, khảo cổ học, đặc biệt là hệ thống các di tích gắn liền với đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại nổi tiếng, nên cần được nghiên cứu làm rõ các giá trị nhằm phát huy hỗ trợ trong công tác bảo tồn các giá trị. Cùng với đó, phải tập trung nghiên cứu tổng thể, đồng bộ hệ thống các giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong mối tương quan với cộng đồng quốc tế và hội nhập. 

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có diện tích khoảng 200.000 ha thuộc địa phận các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), cách thành phố Đồng Hới 50km về hướng tây bắc.

Theo thống kê, lượng khách du lịch tới Phong Nha -Kẻ Bàng hàng năm tăng 24%.  Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình cho biết, kể từ khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đến nay, Phong Nha-Kẻ Bàng đã đón trên 4 triệu lượt khách. Mục tiêu đến năm 2015, tỉnh Quảng Bình sẽ đón 1,3 triệu lượt khách, trong đó khoảng 37.000 lượt khách quốc tế.  

Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách du lịch, từ ngày 14/8/2013, tỉnh Quảng Bình đã chính thức đưa vào khai thác tour du lịch mới với tên gọi “Một ngày với di sản Phong Nha – Kẻ Bàng”.

Hà Nguyên


Tin liên quan

Tin tiêu điểm