Ninh Thuận: Sức sống mới ở làng gốm cổ truyền thống Bàu Trúc
Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, hiện vẫn còn giữ phương pháp làm gốm hoàn toàn thủ công với những giá trị văn hóa độc đáo. Bằng cách kết hợp kỹ thuật làm gốm cổ truyền, những nghệ nhân và lớp thợ trẻ người Chăm đang nỗ lực phát triển những dòng gốm mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu tiêu thụ và gắn với du lịch cộng đồng để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Nỗ lực tìm hướng đi mới
Những ngày đầu tháng 3 có dịp trở lại làng gốm Bàu Trúc, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của làng nghề, những căn nhà mới xây ngày một nhiều hơn, các công trình đường giao thông rải nhựa thông suốt, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trưng bày sản phẩm gốm được xây dựng khang trang, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất gốm hoạt động nhộn nhịp, sẵn sàng đón khách tham quan...
Từng trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm gốm ở làng Bàu Trúc tưởng có lúc bị mai một, giờ đang khởi sắc với nhiều tín hiệu đáng mừng.
Chị Đàng Thị Minh Trọng, chủ cơ sở gốm thủ công mỹ nghệ Hải Âu ở làng gốm Bàu Trúc chia sẻ: Trước đây, gia đình đa phần sản xuất đồ gốm gia dụng, đồ cúng lễ, chủ yếu phục vụ đồng bào Chăm ở địa phương và các tỉnh lân cận.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, gia đình đã nghiên cứu phát triển dòng gốm mỹ nghệ phục vụ trang trí nội thất, ngoại thất, gạch ốp tường, tượng phù điêu, chậu kiểng, chậu phong thủy, bình hoa, lò, lu, đèn gốm…
Những lớp thợ trẻ nhanh nhạy tìm hướng đi mới như chị Trọng trong làng Bàu Trúc giờ đây có rất nhiều, còn những nghệ nhân làm gốm như cụ Đàng Thị Hằng ở tuổi thất thập cũng đang say sưa cùng lớp trẻ sáng tạo những mẫu mã mới, truyền bí quyết làm nghề cho con cháu.
Cụ Hằng bộc bạch: “Nghề làm gốm của người Chăm là mẹ truyền con nối, 18 tuổi tôi bắt đầu làm gốm đến nay 73 tuổi cũng vẫn làm gốm. Tôi luôn dạy con cháu làm nghề này phải biết kiên trì, học hỏi sáng tạo những mẫu mã mới, độc đáo để phục vụ khách hàng.”
Trước đây, nghề làm gốm ở làng Bàu Trúc chỉ dành cho người phụ nữ làm, đàn ông chỉ đi hái củi, đào đất, gánh rơm phụ giúp lúc nung gốm. Thời gian gần đây, thị trường ưa chuộng những sản phẩm gốm có kích thước to lớn, nặng hàng chục kg, thậm chí có sản phẩm nặng cả tấn nên trong làng Bàu Trúc ngày càng có nhiều nam thanh niên, đàn ông trung niên học nghề và làm nhiều sản phẩm.
Cả làng Bàu Trúc hiện có 663 hộ với trên 3.000 nhân khẩu (đồng bào Chăm chiếm trên 90%), trong đó có khoảng 250 hộ gắn bó với nghề làm gốm, có 2 hợp tác xã và 11 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh gốm.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã có 54 thành viên cùng tham gia sản xuất, kinh doanh gốm.
Có thể nói, gốm Chăm Bàu Trúc đã có chỗ đứng trên thị trường với nhiều mặt hàng được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày không những của đồng bào Chăm mà còn nhiều dân tộc khác ở khắp các địa phương trên cả nước.
Trong nền kinh tế thị trường, hợp tác xã tập trung nghiên cứu nhu cầu thực tế để làm nên nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ, nhờ đó hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, giúp các thành viên của hợp tác xã có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
“Trong quá trình kinh doanh trực tiếp, chúng tôi có những kênh kinh doanh online cho nên các sản phẩm của Hợp tác xã nhiều khi không kịp để giao cho khách. Giờ chúng tôi đang cần một nguồn nhân lực rất lớn để sản xuất kịp giao sản phẩm cho khách hàng. Các dòng sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc ngày càng được cải tiến, theo yêu cầu đa dạng của khách hàng, phục vụ trong xây dựng, trang trí nội, ngoại thất, các mặt hàng gia dụng chất lượng”, ông Thuần cho biết thêm.
Phát huy giá trị nghề truyền thống
Hiện nay, người Chăm ở làng Bàu Trúc vẫn giữ gìn nguyên vẹn nghề làm gốm truyền thống với những kỹ năng, bí quyết nghề được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Làng Bàu Trúc được các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước xem như là một bảo tàng gốm Chăm. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của người Chăm luôn được địa phương quan tâm đặt lên hàng đầu. Trong số đó, bảo tồn giá trị nghệ thuật làm gốm gắn với hoạt động du lịch được xem là hướng đi bền vững để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết vừa qua, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đây là điều rất vinh dự cho tỉnh.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, trước mắt Sở tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lễ đón nhận Bằng ghi nhận của UNESCO; tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
“Trong chương trình hành động, Sở sẽ phối hợp các bên liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào Chăm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật làm gốm. Đồng thời, Sở phối hợp, hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất tại làng gốm Bàu Trúc gắn với phát triển du lịch cộng đồng để phát huy giá trị di sản này,” ông Nguyễn Văn Hòa cho hay.
Để phục vụ du khách, làng gốm Bàu Trúc đã thành lập Ban phát triển du lịch cộng đồng với trên 60 thành viên, đầy đủ các tổ chuyên môn như làm gốm, ẩm thực, văn nghệ, nhạc cụ truyền thống...
Nhờ hoạt động chuyên nghiệp, Ban phát triển du lịch cộng đồng làng Bàu Trúc không chỉ phục vụ du khách đến tham quan tại làng nghề, mà còn được mời đi biểu diễn, quảng bá sản phẩm gốm Chăm ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Lâm Đồng.
Hiện nay, các thành viên trong Ban Du lịch cộng đồng làng Bàu Trúc đang luyện tập để giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, biểu diễn nghề gốm truyền thống và ẩm thực Chăm cho du khách tham quan tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên, để nghề làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc phát triển một cách bền vững, chính quyền địa phương cần khắc phục những trở ngại, khó khăn bằng các giải pháp hiệu quả, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, thu hút lực lượng lao động trẻ đam mê gắn bó với nghề gốm, sớm quy hoạch vùng nguyên liệu lấy đất làm gốm, vùng nung gốm để đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường giới thiệu, quảng bá tìm đầu ra cho sản phẩm trong nước và thị trường quốc tế, có cơ chế ưu đãi về thuế đối với các hợp tác xã và các cơ sở có nghề nghiệp đặc thù như gốm.
Với hướng đi mới cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, làng gốm Bàu Trúc sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, tiếp tục thu hút khách du lịch để trở thành một trong những tour, tuyến hấp dẫn trong hành trình khám phá du lịch tại tỉnh Ninh Thuận./.
Nguyễn Thành / TTXVN/Vietnam+