A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một ngày trên sông Sài Gòn

Bỏ lại sau lưng những tòa nhà chọc trời, những phố xá ồn ào và đầy khói bụi, chúng tôi rời bến Bạch Đằng ngược sông Sài Gòn hướng tới Củ Chi... vòng quanh bán đảo Thanh Đa rồi lướt dưới cầu: Bình Triệu, Bình Phước. Qua Phú Long thuyền bỗng giảm tốc, luồn lách giữa đám lục bình giăng khắp mặt sông đồng thời nhìn hai bên bờ trải dài những vườn cây ăn trái xanh ngắt.

Hiện ra trước mắt chúng tôi là quang cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền của dân thương hồ miền Tây, đang vận chuyển nào lu khạp, bình lọ, chậu kiểng, chén tô thuộc dòng gốm Lái Thiêu lên thuyền trước khi đợi nước ròng, xuôi dòng về TP. Hồ Chí Minh rồi rẽ qua kênh Tẻ - kênh Đôi xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hoặc sang tận Campuchia...


 
TP. HCM bên sông Sài Gòn (Nguồn Internet)


Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ngôi nhà ông Trần Văn Hổ - Đốc Phủ Sứ thời Pháp thuộc nằm trên đường Bạch Đằng, thị xã Thủ Dầu Một – Bình Dương. Đây là công trình kiến trúc cổ theo dạng chử Đinh, hoàn toàn bằng gỗ quý được gia công, chạm trổ tinh xảo. Chưa kể, chính diện ngôi nhà hướng ra sông Sài Gòn, một vị trí cực kỳ đắc địa. Người ta kể: công trình được thân sinh ông Hổ là cụ Trần Văn Lân vốn rất giỏi chữ nho và tinh thông địa lý xây dựng năm 1890.

Một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia khác ở Thủ Dầu Một không thể bỏ qua là Hội Khánh cổ tự tọa lạc ngang lưng ngọn đồi cao giữa hàng cây cao. Mặc dù trải qua bao biến cố, thời gian và trùng tu nhiều lần song chùa Hội Khánh vẫn giữ phần lớn kiến trúc ban đầu, tiêu biểu là mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau theo kiểu “Trùng thiềm trùng lương” giống như phong cách chung thời nhà Nguyễn thế kỷ 19. Đặc biệt là phần trang trí nội thất như bao lam, tranh tượng, phù điêu, bàn thờ hay bộ kinh khắc trên gỗ từ năm 1885 đều là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm.Trong khuôn viên chùa còn có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 52m đã được Trung tâm sách kỷ lục trao quyết định xác lập tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam.

Không như vùng hạ lưu, mặt sông lúc nào cũng đông đúc tàu, thuyền, sà lan chở cát lưu thông xuôi ngược, đường lên thượng nguồn sông Sài Gòn nhất là đoạn vào địa phận Củ Chi càng lúc càng vắng vẻ, có lúc những khúc sông dài chỉ có 2 con thuyền chúng tôi lẻ loi không biết đâu là bến bờ. Nhưng dường như sự vắng vẻ yên lặng đó lại là một “đặc sản” trên khúc sông này khi bắt gặp đàn cò trắng xoải cánh xà xuống rồi chấp chới giữa đám lục bình bập bềnh trôi nổi, cảnh vật thiên nhiên thực sự hoang vắng, mơ màng. Sông Sài Gòn dài 256 km, hình thành từ lưu vực hồ Dầu Tiếng – Tây Ninh, chảy qua Bình Dương với cái tên sông Ngã Cái, Thủ Khúc, vào địa phận TP.Hồ Chí Minh nó mở rộng đôi bờ và mang nhiều tên: Tân Bình, Bến Nghé, Sài Gòn trước khi hợp lưu sông Đồng Nai ở Nhà Bè.

Xế trưa thuyền băng ngang khu di tích địa đạo Bến Đình, khu du lịch Một thoáng Việt Nam, không lâu sau đó thuyền cặp bờ di tích địa đạo Bến Dược. Mái đền bến Dược mang dáng dấp kiến trúc đền đài cổ xưa cùng tháp chính vươn cao giữa bầu trời xanh.

Chiều về, vẫn con nước ngầu đục, vẫn những đám lục bình trôi dập dềnh, những chiếc cầu bê tông đồ sộ mà mỗi lần ca nô chui dưới cầu chúng tôi đều nghe rõ âm thanh ầm ì vì xe chạy... nhưng cảnh vật đã đổi khác: ghe thuyền thong dong gác máy, trên bờ đê trẻ em đua nhau thả lên bầu trời vô số con diều với đủ màu sắc, từng đàn chim cò thong thả bay về phía rặng dừa xa xa và mặt trời tựa khối cầu lửa đang chìm dần dưới dòng sông. Vạn vật mang vẻ đẹp mộc mạc, yên bình.

Một ngày du ngoạn trên sông Sài Gòn khiến cho chúng tôi ngộ bao điều mới lạ, đặc biệt tiềm năng du lịch vùng đất Thủ Dầu Một vốn trước đây được cho là khó thu hút du khách.

(Theo Dulich)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm