A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lặn biển ở Khu bảo tồn biển Hòn Mun - Nha Trang

Khu biển Hòn Mun - dự án bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam - ra đời năm 2001, nằm trong vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Diện tích khu bảo tồn vào khoảng 160km2 bao gồm 38km2 mặt đất và 122km2 vùng nước xung quanh các đảo. Hiện nay, Hòn Mun vẫn là điểm lặn biển đẹp nhất nước ta so với những nơi đã được đưa vào khai thác du lịch lặn biển.
Hòn Mun - điểm lặn biển đẹp nhất nước

Hòn Mun có 9 điểm lặn, đều đáp ứng cho du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đáy biển với các rạn san hô và các loài cá đa sắc màu, ngắm nhìn nhiều loại thực vật ngập mặn, các loài thân mềm, các loài giun nhiều tơ và nhiều loài sinh vật khác.

Lặn biển ở Hòn Mun

Do địa thế của đảo rất gần với dòng hải lưu nóng từ phía xích đạo di chuyển  tới nên thích hợp với điều kiện phát triển của san hô và nhiều loại sinh vật biển nhiệt đới. Đáy biển vùng Hòn Mun là một tập hợp quần thể sinh vật biển phong phú, đa dạng, là nơi quan sát, nghiên cứu rất lý thú, bổ ích cho các nhà hải dương học và du khách muốn tìm hiểu về biển. Kết quả khảo sát đa dạng sinh học và nơi sinh cư trong Khu bảo tồn biển cho thấy san hô trong khu vực này tập trung và có mặt hầu như đủ các loại san hô trên thế giới - người ta đã tìm thấy 340 trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới. Độ phủ của rạn san hô ở đây thuộc loại cao (khoảng 70%) và được xem là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao nhất ở vùng bờ Việt Nam và có số loài tương tự như ở trung tâm thế giới về đa dạng san hô ở khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Kết quả khảo sát cũng còn cho biết vẻ đẹp của đáy biển khu vực này được tô thêm bởi đa dạng các loài sinh vật khác như: ở đây có 4 loài cỏ biển, 3 loài thực vật ngập mặn, 124 loài thân mềm, 46 loài giun nhiều tơ, 69 loài giáp xác, 27 loài da gai và 196 loài cá san hô. Ngoài các sinh vật dưới nước, trong những hang động đá đen của Hòn Mun hàng năm có chim yến về làm tổ, càng làm tăng thêm vẻ đẹp quyến rũ của Hòn Mun cả trên không và dưới nước.

Mười mấy năm về trước, sau vài chuyến du lịch tại Việt Nam, ông Jean Pierre - người Pháp, cùng một số người yêu thích thám hiểm lòng đại dương đã đưa môn lặn biển du nhập vào Nha Trang. Từ đó đến nay ở thành phố này đã có hơn 10 Câu lạc bộ (CLB) lặn biển chuyên nghiệp với lượng du khách lặn thám hiểm trên 200 000 lượt/năm .

Hiện nay, nhiều CLB lặn biển đã từng bước khẳng định được vị thế của mình như: Turtle Dive, Scuba Zone, Vinadive của công ty Du lịch Viettravel, CLB Vietnam Explorer thuộc công ty TNHH Trung Hải… CLB lặn biển Vinadive của Công ty du lịch Viettravel đã tổ chức nhiều khoá huấn luỵên chuyên nghiệp do các chuyên gia lặn biển nước ngoài đào tạo, đồng thời được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu về bảo đảm an toàn cho những cuộc thám hiểm lòng đại dương. Phần lớn những người tham gia lặn đều là người nước ngoài, bởi họ thường thích loại hình du lịch mạo hiểm, đồng thời kinh phí cho lặn biển cũng tương đối cao.

Chuyến du lịch đến Hòn Mun sẽ đem lại trải nghiệm tuyệt vời cho du khách

Nếu chưa lặn biển, chẳng thể hình dung cả vùng biển rộng lại có cả trăm người cùng bơi lặn, nhìn nhau trông thật thích thú. Loại hình du lịch lặn biển dù mới bắt đầu hình thành những năm gần đây nhưng nay đã phát triển mạnh. Nhiều người nói đi Nha Trang mà chưa lặn biển thì làm sao biết được ở Nha Trang có một thềm san hô đẹp nhất Đông Nam Á. Khi xuống biển mới biết ở dưới lòng biển có nhiều loài cá xinh đẹp như Mao Tiên, Mao Quỷ và những loại san hô như: san hô đỏ, san hô sừng nai và rất nhiều sinh vật đẹp tuyệt vời khác.

Phát triển bền vững Khu bảo tồn biển Hòn Mun

Vai trò và tiềm năng của Khu biển Hòn Mun là rất lớn, không chỉ đối với kinh tế mà còn là đối với môi trường. Vì vậy, bên cạnh việc khai thác du lịch, địa phương cần chú ý đến một số vấn đề để Khu bảo tồn biển Hòn Mun phát triển một cách bền vững.

Việc khai thác tiềm năng du lịch trong khu vực phải tuân thủ theo quy định của Khu bảo tồn, đồng thời không làm tổn hại đến môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên. Để phát huy được hiệu quả cao, cần phải có sự liên kết với các điểm du lịch khác ở Nha Trang cũng như khu vực duyên hải Nam Trung Bộ để tăng sự hấp dẫn chung.

Biển Hòn Mun nổi tiếng với những loài cá đa sắc màu

Để phát triển du lịch sinh thái Khu bảo tồn biển Hòn Mun một cách bền vững, cần phải đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết và cụ thể, nghiên cứu xây dựng một số chính sách về thu hút đầu tư, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng vào các họat động du lịch, cơ chế đảm bảo sự đóng góp từ du lịch cho công tác bảo tồn, xây dựng kế hoạch quản lý điểm du lịch, bao gồm việc xác định “sức chứa”, tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia đầy đủ vào hoạt động du lịch như tiến hành việc đào tạo kỹ năng và tạo điều kiện vật chất ban đầu để cộng đồng có thể tham gia một cách tích cực vào các hoạt động du lịch như hướng dẫn khách, cung cấp các dịch vụ vận chuyển, ăn uống và lưu trú.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền quảng bá, giới thiệu những giá trị đặc biệt về du lịch là cần thiết, cần cung cấp cho du khách đầy đủ những thông tin về những điều “có thể ” và “không nên” khi đến điểm du lịch nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của du khách tới môi trường và những giá trị tự nhiên trong khu vực, góp phần phát triển loại hình du lịch này theo hướng bền vững nhất.

Thanh Điệp

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm