Hồn Phố
“Cái cần bảo tồn nơi đây không phải là bảo tồn những ngôi nhà mà là lối sống" – Wiliam Logan
|
1. Bạn tôi, một tiến sĩ kiến trúc, người gốc Hà Nội, chuyên nghiên cứu về hình thái học đô thị. Thời gian gần đây anh thường được mời đọc tham luận tại nhiều hội thảo khoa học về quy hoạch đô thị ở trong nước và cả ngoài nước. Quen biết nhau đã lâu, lại cùng là kiến trúc sư nên tôi hiểu anh khá rõ.
Tôi quý anh ở cách nghĩ, cách sống. Với bạn bè thì hết lòng, với công việc thì nghiêm túc, cẩn trọng và rất trung thực. Trong thời buổi này, người như anh không phải là nhiều. Cùng với vài người bạn, chúng tôi hay ngồi đàm đạo với nhau về chuyện nghề, về kiến trúc. Trong những cuộc trà dư tửu hậu này bao giờ anh cũng là người nói say sưa nhất.
Theo anh, đô thị như một cơ thể sống, nó cũng phải thích nghi với các yếu tố tác động để có thể tồn tại theo thời gian. Vì thế, để đô thị phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa, thì người làm quy hoạch, người quản lý quy hoạch phải biết hình thái đô thị sẽ phát triển ra sao, như thế nào trong môi trường cảnh quan, thiên nhiên mà nó sinh ra, tồn tại…
Từ rất lâu nay, do hoàn cảnh của đất nước, chúng ta đã quá quen với cách làm quy hoạch trên làm cho dưới, trung ương làm cho địa phương. Người ngồi ở Hà Nội vẽ quy hoạch đô thị cho tỉnh miền núi. Hiểu hời hợt, nên vẽ cũng hời hợt. Vì thế vẽ xong được một thời gian thấy không phù hợp thì lại điều chỉnh (?!).
Thế nên mới có chuyện, nhiều thị xã kiểu như Điện Biên (giờ là thành phố) vốn chẳng giàu có gì, nhưng một thời gian dài hăm hở bỏ tiền của, sức người bạt đồi, xẻ núi cho phẳng để xây nhà chia lô như các đô thị dưới xuôi.
Có lẽ vì thế chăng mà gần đây, nơi này nơi kia rộ lên câu chuyện mời người nơi khác đến hội thảo, để họ giúp nhìn hộ xem đô thị của mình nó là cái loại gì. Thời dân chủ, cập nhật thông tin, trọng dụng người hiền tài là rất quý.
Nhưng là người trong cuộc, là dân bản địa mà không có chính kiến riêng, không tư duy cảm nhận được cái hình thái đặc trưng của nơi mình đang sống thì quả là đáng tiếc!
Chính vì vậy, mà bạn tôi cùng vài chuyên gia khác ở Hà Nội giờ luôn tất bật (do được mời) đi nhận diện đô thị ở những đâu đâu, từ miền Trung lên tít miền ngược. Thôi cũng mừng cho anh vì có đất mà dụng võ (?!).
Tôi không nghiên cứu sâu về đô thị học nên không có tham vọng khi viết về một lĩnh vực đa ngành và quá rộng này. Nếu có, thì chỉ là những gì rất bé nhỏ, vụn vặt, đời thường mà tôi chắt chiu cảm nhận được ở Hà Nội, thành phố thân yêu nơi tôi đã lớn lên và đi qua quá nửa cuộc đời.
Nhà văn Băng Sơn trong tập tùy bút “Cái thú lang thang" mà ông tặng tôi, khi nói về hồn dân tộc đã khẳng định: “Lục bát ca dao, lục bát thơ, lục bát dân ca … là tâm hồn dân tộc … nó còn thì dân tộc này còn". Đấy là ông đang nói về một phạm trù rộng lớn về văn hóa, về đất nước, về dân tộc.
Còn Dominique Delaunay, một học giả người Pháp nghiên cứu về Hà Nội thì có cái nhìn khiêm tốn hơn: “Hà Nội nhắc nhở chúng ta rằng sự vĩnh cửu dựa trên những cái nhất thời. Rằng tâm hồn được thể hiện rõ nét nhất thông qua những phương tiện thường nhật, giản dị". Tôi tán đồng với vị học giả này.
2. Cuối những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, gia đình tôi sống trên tầng hai một ngôi nhà có kiến trúc kiểu Pháp ở phố Trần Phú, ngay sát đường tầu hỏa, ngày cũng như đêm chẳng mấy khi vắng tiếng còi tầu hú. Khi ấy, tôi mới 10 tuổi, nhưng đã tự đi học một mình, dù trường ở khá xa tận phố Nguyễn Thái Học, cạnh Nhà in Xuân Thu.
Cái phố tôi ở là phố cũ, toàn nhà biệt thự và công sở nên yên tĩnh lắm. Chỉ đoạn phố ngắn phía đường tầu hỏa có nhà tôi,giáp đường Phùng Hưng nhìn sang phố Hàng Da, chếch ra Hàng Bông là nhộn nhịp đôi chút vì có hoạt động thương mại.
Đường Trần Phú là đường trồng sấu. Những cây sấu đại thụ có đến trăm tuổi thân xù xì,gốc to hai người ôm, vỏ đen nhánh, tán rợp xum xuê. Mùa hoa sấu cả phố như được ướp hương. Hương hoa sấu nhẹ nhàng tinh khiết, chứ không nồng như hoa sữa.
Cứ mỗi buổi sáng vào mùa hoa là đường phố như phủ trắng những bông sấu bé li ti … Những đêm hè khó ngủ, tôi thường được bà cho ra ngồi hóng mát ở ban công nhìn xuống đường.
Trong tiếng xào xạc của những nhành lá sấu là tiếng gậy khua đều đều:” Lốc cốc … lốc cốc. “ của ông già mù tẩm quất, với tiếng rao khàn khàn, khê nồng, trầm đục: "Quất ơ …ơ.”
Trông thấy ông là tôi sợ, không hiểu sao, nhưng tôi lại thích nghe tiếng rao của ông. Bà tôi bảo lão mù thế mà tẩm hay lắm. Tay lão động vào đâu là xương cốt kêu rưng rức. Bẵng đi một thời gian, tôi không còn nghe thấy tiếng: "Quất …ơ …ơ.” ấy nữa. Đêm hè, cái phố như rộng ra vì thiếu tiếng gậy khua lốc cốc! Nghe bà bảo lão chết rồi, cô đơn sau một trận cảm gió.
|
Rồi những đêm đông, ngoài đường vắng lặng, chỉ có tiếng gió đuổi nhau ào ào … trên từng rặng sấu, bỗng da diết trên phố dài hun hút một tiếng rao con gái khắc khoải gọi mời: "Ai khúc ơ … khúc ơ! “. Thi thoảng tôi cũng được bà lấy ra đồng năm xu mua cho một cái bánh khúc nóng hổi ngoài phủ lớp xôi nếp trắng tinh.
Năm tháng trôi đi, tôi cũng dần lớn khôn và vào học trong Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi rồi sang Trung Quốc. Gia đình tôi cũng đã chuyển nhà không ở phố Trần Phú nữa… Thế nhưng, những kỷ niệm nho nhỏ về đường phố thơm mát mùi hoa sấu này, cùng những tiếng rao đêm cứ ngày càng sâu đậm trong tôi.
Con người ta mỗi tuổi lại có một cách nhìn khác. Với tôi, giờ chỉ thích nhìn ngang, bởi nhìn lên cao lại thấy tức mắt, vì sự lộn xộn vô lối của thứ kiến trúc thời mở cửa. Những đường dây điện, điện thoại… chằng chịt, những dàn ăng ten tua tủa như chọc nát bầu trời.
Nhìn xuống thấp một chút là mê hồn trận biển quảng cáo chữ tây to hơn chữ ta, cái dựng đứng, cái nằm ngang… mầu sắc chói chang rực rỡ. Thế nhưng nếu quên đi cái tầm cao ấy, chỉ nhìn ngang thôi, hay nhìn xuống, ta lại như được sống trong cái thế giới thực của mình.
Những con phố của Hà Nội xưa vẫn thế, chẳng to ra mà cũng chẳng bé đi. Cái mạng lưới đường ô cờ mà người Pháp vạch ra đầu thế kỷ trước vẫn như thế, cho dù đường đã được trải nhựa thêm bao lần, vỉa hè đã được đào lên lấp xuống bao lần để đặt đường ống thoát nước… Và trên tất cả, nhịp sống, nhịp sống sôi động của khu Kẻ chợ xưa vẫn còn hiển hiện đâu đây. Đường phố vẫn ồn ào từ sáng sớm đến đêm khuya.
Đi trong phố Hàng, ta vẫn bắt gặp những người phụ nữ của Tú Xương đi bán dạo, từ nồi bắp ngô luộc, khoai luộc đến xôi vò, chè đường… Cuộc sống là vĩnh cửu, con người ở đây sống và hoạt động hồn nhiên như tự thân nó phải thế.
Đi trên phố cổ Hà Nội, ta có thể rất dễ dàng ngồi vào một góc nào đấy trong nhà, hay ngoài vỉa hè để mà nhấm nháp ly cà phê đặc sánh hay thưởng thức một chén rượu Vân chính hiệu với mực nướng than hoa chấm tương ớt.
Cái ồn ào náo nhiệt ở đây ít nơi nào trong thành phố này có được. Dẫu kiến trúc hiện hữu của khu phố chẳng còn mấy cái là cổ, nhưng không gian đô thị cổ, lối sống của một thời Kẻ chợ vẫn còn rõ nét lắm, sống động lắm.
Giáo sư người Đức Arnold Koerte khi nghiên cứu hoạt động xã hội của khu phố cổ đã phải thốt lên: “Thành phố này không cần đến bất cứ một mẹo vặt nào để tái tạo lịch sử…”. Rồi ông khôi hài dẫn một câu của Chua Beng Huat – Giáo sư Trường đại học Singapore: “Một ngày nào đó có thể chúng ta sẽ phải trả tiền cho những con người trên đường phố này để hàng ngày họ tái hiện lịch sử.”
Xin cám ơn tình cảm của ông với khu phố cổ Hà Nội. Nhưng thưa ông, tại khu phố cổ này người dân chúng tôi vẫn sống, vẫn sinh hoạt và buôn bán cũng chẳng phải là để tái hiện lại lịch sử đâu, mà đơn giản chỉ là cách sống ấy, nếp sống ấy đã trở thành truyền thống, trở thành nét văn hóa của người Tràng An hôm nay rồi. Còn tôi, tôi gọi đó là “Hồn phố".
3. Sáng Chủ nhật, trời se lạnh và hanh hao nắng. Tôi ngồi bên ly cà phê đặc sánh trong quán cafe quen trên đường Bà Triệu cùng một người bạn. Tôi đưa anh xem bài viết của tôi loanh quanh về vấn đề đô thị.
Đọc xong anh khen, nhưng bỗng anh nhướng mắt hỏi: “Này ông, có Hồn quê, Hồn phố, thế có Hồn khu đô thị mới không?" Tôi hơi ngớ ra, rồi cười xòa...
Chợt vang lên đâu đây giọng ca trầm ấm đến nao lòng của ca sỹ Trung Đức: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó / Đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than …!". Ngoài kia vẫn nắng hanh hao và dòng người xe một chiều vẫn không ngừng tuôn chảy...
Hà Nội, năm thứ 998 sau ngày định đô
KTS Phạm Thanh Tùng (Hà Nội)