A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giếng cổ Gio An: Công trình thủy lợi độc đáo của người Chăm cổ

Những giếng nước cổ của người Chăm tại xã Gio An, tỉnh Quảng Trị không chỉ gìn giữ nguồn nước mà nhiều năm nay còn trở thành một biểu tượng văn hoá, được người dân trân trọng.

Được biết đến như một mảnh đất có điều kiện tự nhiên và thiên nhiên đa dạng, Quảng Trị là nơi có hệ thống công trình kiến trúc khai thác nguồn nước ngầm rất độc đáo của người Chăm Pa xưa với hơn 30 giếng cổ khác nhau mà người dân quen gọi là “Giếng cổ Gio An.”

Giếng cổ Gio An (xã Gio An, huyện Gio Linh) là hệ thống công trình cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là một di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa và nghệ thuật độc đáo do người Chăm xưa sáng tạo nên và được người Việt tiếp thu và giữ gìn cho đến ngày nay.

Hệ thống giếng cổ này nằm dưới chân những quả đồi ở độ dốc khác nhau đã được người xưa khai mương, xếp đá theo ý đồ của mình để tận dụng những mạch nước ngầm trong lòng đồi chảy ra phục vụ cho ăn uống và tưới tiêu.

Một điều khiến nhiều chuyên gia phải ngạc nhiên, đó là kỹ thuật lập bể, ngăn dòng hoàn hảo của người Chăm khiến hàng nghìn năm nay dù trời có hạn hán nặng thì nguồn nước thuộc hệ thống giếng cổ Gio An cũng không bao giờ vơi cạn, vẫn trong xanh, mát rượi và được dân làng xem như báu vật.

Người dân dùng gàu, gáo để múc nước uống, tắm giặt trực tiếp từ bể chứa, còn nước để phục vụ chăn nuôi được ngăn thành một bể chứa khác. Những lúc không ai dùng, nước trong bể chứa dâng cao, chảy tràn ra mương nước bên ngoài để tưới cho ruộng.

Hiện nay, dù cuộc sống đã đổi thay nhiều nhưng các giếng cổ vẫn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân xã Gio An. Trải qua hàng trăm thế hệ những công trình này vẫn được người dân địa phương gìn giữ. Với họ những chiếc giếng không đơn thuần chỉ là nguồn nước mà đó còn là biểu tượng những nét văn hóa trầm tích của quê hương./.

Lâm Phan - Hoàng Đạt - Như Quỳnh / Vietnam+


Tin liên quan

Tin tiêu điểm