A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đường hoa Nguyễn Huệ

Đường hoa Nguyễn Huệ là tên gọi của đường Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, bắt đầu từ tết Giáp Thân năm 2004.

Khi ấy, con đường Nguyễn Huệ - một trong những con đường đẹp nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trải dài từ trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố và tượng đài Bác Hồ đến Bến Bạch Đằng, với nhiều tòa nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất - biến thành một đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều khách viếng thăm. Đường hoa Nguyễn Huệ trở thành một địa chỉ quen thuộc, nét đẹp văn hóa, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân thành phố, bà con kiều bào cùng du khách trong và ngoài nước vào dịp Tết truyền thống Việt Nam.

Lịch sử

Trước kia, tại vị trí Đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay chính là kênh đào Charner, nối liền với sông Sài Gòn, sau này người Pháp lấp kênh và xây thành Đại lộ Charner.

Đại lộ Charner nối liền một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố) và đầu kia là bờ sông Sài Gòn (nay gọi là Bến Bạch Đằng). Từ dưới sông, mỗi dịp Tết về, hoa từ khắp nơi theo những con thuyền về tập kết ở bến, và trên bờ, hoa trải dài trên đại lộ này.

Chợ hoa Nguyễn Huệ cùng chợ chim Huỳnh Thúc Kháng là một trong những điểm tham quan nổi tiếng thời đó.

Cho đến cách đây khoảng chục năm, mỗi năm một lần, con đường này vẫn là chợ hoa Xuân chính của người dân thành phố. Cứ Tết đến đây lại là nơi tập trung mua bán hoa Tết, cây cảnh, nên con đường này khi đó còn được gọi là Chợ Tết Nguyễn Huệ. Nhà vườn tập kết hoa ở bến Bạch Đằng sau đó phân bổ vào từng ô đã quy định sẵn trên đường Nguyễn Huệ. Người ta đến đây không chỉ để mua hoa mà còn để ngắm, thưởng ngoạn và tận hưởng cái hương vị đặc trưng của chợ hoa Tết. Những tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng mặc cả, rồi cả tiếng leng keng của những thùng kem dạo đã trở thành âm thanh quen thuộc gắn bó với người dân thành phố. Được đi chợ hoa Nguyễn Huệ, mua hoa, ngắm hoa và hòa mình trong không khí vui tươi, hớn hở đã là những kỷ niệm khó quên trong ký ức nhiều người.

Ngày nay

Mười năm gần đây, thành phố quy hoạch lại chợ hoa Xuân, đưa chợ hoa ra Công viên 23/9. Chợ hoa Nguyễn Huệ không còn nữa. Chợ hoa ở Công viên 23/9 cũng tấp nập đông vui, nhưng nhiều người vẫn tiếc nuối cái cảm giác dạo bước ở chợ hoa Nguyễn Huệ, nơi mà mỗi năm chỉ một lần được đi bộ ở làn xe giữa trên con đường 3 làn xe đẹp nhất thành phố này, nơi mà hoa trải dài hai bên lối đi, nằm lọt giữa hai làn xe đông vui và hai dãy nhà cao tầng hai bên.


Từ Tết Giáp Thân 2004, chợ hoa Nguyễn Huệ đã trở lại nhưng với diện mạo mới. Không còn cảnh mua bán, chào mời, mặc cả, con đường với hoa là hoa nhưng được bày biện, sắp đặt công phu, chỉ dành cho việc thưởng ngoạn của khách du Xuân. Và cũng từ năm này, cứ vào dịp Tết, đường Nguyễn Huệ có một cái tên khác, đó là Đường hoa Nguyễn Huệ. Mỗi năm, Đường hoa Nguyễn Huệ lại mở ra đón khách, mỗi năm mới là một chủ đề mới, ý tưởng mới. Để có được một đường hoa đẹp nhất, ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi sáng tạo để tìm những ý tưởng hay nhất cho việc trang trí đường hoa.


Tại đây, giữa lòng thành phố lại có ao sen với vó câu, dòng kênh với cầu khỉ chênh vênh, đường làng quê với xe thổ mộ và quán cóc bên đường, những gánh hàng hoa, những chiếc thuyền hoa, rồi cả những cần xé trái cây của một vùng đất Nam Bộ trù phú, màu mỡ... đem lại cho du khách cảm giác thích thú mà ấm áp, mới lạ mà thân quen, gần gũi. Hoa trong Đường hoa Nguyễn Huệ là một điều không thể thiếu. Ban tổ chức đã trưng bày rất nhiều loại hoa, từ những loại hoa quen thuộc đến những loại hoa quý đến từ Đà Lạt hay xa hơn như từ miền Bắc. Tất cả tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu giữa mùa Xuân. Đường hoa Nguyễn Huệ không chỉ là nơi trưng bày nghệ thuật sắp đặt hoa, mà còn là nơi chuyển tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào thành phố, thể hiện sự vững tin vào tương lai tươi sáng của thành phố, của dân tộc. Không chỉ dừng lại ý nghĩa sự kiện vui chơi giải trí, lễ hội Tết còn là dịp mang lại niềm vui cho những gia đình khó khăn, trẻ em tại các mái ấm nhà mở thông qua việc tặng quà, bánh tét...

Liên tiếp trong 7 dịp Tết âm lịch vừa qua, Đường hoa Nguyễn Huệ và lễ hội Tết ngày càng được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, mang tính chiều sâu của truyền thống văn hóa vui Xuân đón Tết của dân tộc Việt Nam, đồng thời chuyển tải được những thông điệp tích cực về sự năng động, phát triển hài hòa và bền vững của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế.


Minh Ngọc(Tổng  hợp) 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm