A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điện Kiến Trung: Một di sản hồi sinh

Là biểu tượng bề thế của triều đại nhà Nguyễn, đan xen cùng lối kiến trúc phương Tây ấn tượng, điện Kiến Trung nằm trong Đại nội Huế đã được đưa vào hoạt động sau 5 năm phục hồi và tôn tạo, trở thành điểm đến ưa thích của du khách dịp Tết Nguyên đán.

Điện Kiến Trung được xây dựng năm 1921, hoàn thành năm 1923 dưới triều vua Khải Định.
Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, điện Kiến Trung hay còn gọi là lầu Kiến Trung, được xây dựng dưới thời vua Khải Định với chữ "Kiến" mang nghĩa dựng lên, thành lập; chữ "Trung" hàm ý ngay thẳng, không thiên lệch. Cùng với di tích điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung là một trong 5 công trình quan trọng nằm trên trục thần đạo của Tử Cấm Thành dưới triều Nguyễn.

Giai đoạn sau năm 1945, ngôi điện này cùng nhiều công trình kiến trúc quan trọng trong Hoàng thành và Tử Cấm thành đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Điện Kiến Trung bấy giờ chỉ còn tàn tích là phần nền móng phía dưới.

Do đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tiến hành công tác trùng tu di tích một cách chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc Công ước quốc tế về bảo tồn di tích, Luật Di sản Văn hóa và các quy chế bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh nhằm bảo đảm chuẩn mực về bảo tồn, tính toàn vẹn của các công trình.

Đầu năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung, với tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng. Nguồn: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế

Điện Kiến Trung được đầu tư xây dựng các hạng mục như tu bổ tổng thể tường bao nền, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm Tiền Viên và Hậu Viên, các bậc cấp; tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung (Kiến Trung Lâu) 2 tầng, chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 97m2; các công trình nhỏ xung quanh như đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh; bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng.

Điều làm nên sự độc đáo, khác biệt của điện Kiến Trung chính là sự kết hợp giữa kiến trúc Việt Nam, hòa cùng phong cách xây dựng phương Tây. Đây là công trình tiêu biểu quan trọng, đánh dấu một giai đoạn độc đáo và đặc sắc của kiến trúc truyền thống cung đình Huế.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là một trong những người đặt nền móng cho dự án trùng tu, tôn tạo, phục hồi điện Kiến Trung. Với sự phục dựng thành công này, ông hy vọng, 2024 sẽ đánh dấu sự thăng hoa của di sản, cũng là năm khởi đầu cho sự thăng hoa của cố đô Huế trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng văn hóa-di sản.

Dòng du khách đổ về Huế ngày một đông khi điện Kiến Trung mở cửa tham quan đúng dịp Tết Nguyên đán 2024.
Nguồn: VnExpress

Khánh thành đúng dịp Tết Nguyên đán 2024, người dân có cơ hội tham quan, chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá còn được lưu giữ và trưng bày tại điện Kiến Trung, như thường phục của vua Khải Định, giày thêu rồng vàng của Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại), trấn phong, bàn ghế, chum, tủ khảm ốc xà cừ tinh xảo.

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong 3 ngày Tết đầu năm, các di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý có khoảng 65.000-68.000 lượt tham quan, trong đó có khoảng 12.000 khách quốc tế. Toàn tỉnh từ ngày 28 Tết đến mùng 6 ước đạt 100.000 du khách.

Xuân Sơnbaoquocte.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm