A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di tích Quốc gia đặc biệt: Danh thắng Yên Tử

Khu di tích danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là cảnh đẹp ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.

Danh thắng Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long khoảng hơn 40km, cách thị xã Uông Bí khoảng 14 km.

Hàng năm, Yên Tử đón hàng triệu lượt khách đến chiêm bái lễ Phật 

Nếu ai đã có dịp về đây chắc hẳn sẽ không thể quên được cảm giác mờ ảo trong sương mù vào buổi sáng, được đi xuyên qua những đám mây đang bay lơ lửng trên bầu trời. Đứng ở nơi cao nhất của chùa Yên Tử, du khách có thể nhìn bao quát toàn cảnh vùng Đông Bắc rộng lớn. Những dải mây trắng bồng bềnh phía dưới, làm ta có cảm giác như đứng ở một nơi ranh giới giữa đất và trời. Từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống, ta dễ dàng nhìn thấy cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của cỏ cây hoa lá, của núi rừng mênh mông tạo nên một khung cảnh nên thơ, một bức tranh Yên Tử đẹp say đắm lòng người, khiến lòng ta cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản đến lạ kỳ, như đang đứng trên một cõi thần tiên.

Yên Tử - Danh sơn Đất Việt

Tên xa xưa của Yên Tử là Núi Voi, vì dáng núi giống hình con voi. Yên Tử còn được biết đến với tên gọi là Bạch Vân Sơn, bởi đỉnh núi quanh năm mây trắng bao phủ. Cái tên Yên Tử được bắt nguồn từ truyền thuyết đạo sỹ An Kỳ Sinh đã đến đây tu hành, đắc đạo và hóa thân thành tượng đá, người đời sau gọi ông là An Tử, ngọn núi nơi ông tu hành là núi An Tử, gọi chệch thành Yên Tử.

Thời Lý, khu vực núi Yên Tử đã có chùa thờ Phật, nhưng Yên Tử chỉ thực sự trở thành trung tâm Phật giáo từ khi Vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam mang tên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh: Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với mục đích là mở rộng Phật giáo vào đời sống với tinh thần nhập thế, gắn kết cộng đồng, gắn kết dân tộc, nhằm khẳng định độc lập tự chủ của nhà nước Đại Việt.

Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Ðồng Kiên Cương (1284-1330), vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm. Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách "Thạch thất ngôn ngữ" và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị. Sang đến thời Lê, Nguyễn, Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo, sửa chữa. Có thể nói, Khu di tích Yên Tử là kết tinh, sự hội tụ của nền văn hoá dân tộc với kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại.

Tượng đá An Kỳ Sinh

Bên cạnh đó, Yên Tử với quần thể kiến trúc đồ sộ còn được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng trải dài hàng chục km. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, thông, đại, trúc mọc ở hai bên đường toả bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.

Hành trình về với cõi Phật

Mỗi năm, Yên Tử đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến đây lễ Phật và chiêm ngưỡng cảnh quan. Hội Xuân Yên Tử được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch và kéo dài suốt 3 tháng của mùa Xuân.

 với những giá trị tiêu biểu, nổi bật riêng có, ngày 27/9/2012, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Tối 18/2/2013, trong buổi lễ khai hội Xuân Yên Tử, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chính thức trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Yên Tử là Di tích quốc gia đặc biệt.

Điểm đến đầu tiên của du khách trong chuyến đi là Suối Giải Oan. Nơi đây có một cây cầu đá xanh, bắc ngang nối hai bờ suối dài 10m, tuy kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính chốn linh thiêng. Tương truyền thời đó, rất nhiều cung tần mỹ nữ khuyên giải Vua Trần Nhân Tông trở về không thành đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Thương cảm trước cảnh ngộ, Vua đã lập một ngôi chùa siêu độ giải oan; từ đó, suối mang tên Suối Giải Oan.

Sau Suối Giải Oan, ta sẽ bắt gặp 6 ngọn tháp. Tiếp tục lên cao, ở độ cao 543m là Chùa Hoa Yên với hàng cây tùng cổ được trồng từ khi Vua Trần Nhân Tông lên đây tu hành. Phía trên độ cao 700m là Chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Cứ thế lên tiếp theo từng cung bậc là một chuỗi các chùa với nhiều dấu tích được sử sách ghi chép lại như Tháp Tổ, Chùa An Tự, Chùa Một Mái, Chùa Bảo Sái, Tượng đá Yên Kỳ Sinh, Am Ngọa Vân, Bàn cờ tiên...

Chùa Đồng là nơi dừng chân cao nhất của du khách. Chùa được khởi dựng vào thời Hậu Lê với tên gọi "Thiên Trúc Tự". Chùa Đồng được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất cao 3m, rộng 12m2 và nặng 60 tấn. Từ năm 2010, tại khu vực Chùa Đồng đã khởi công và khánh thành bức tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngồi trên bệ được làm bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc. Bức tượng cao hơn 3m, đài sen hơn 2m, thân tượng đồng cao 9,9m, được dựng trên khu đất rộng 2 200m2 gồm khu vực đặt tượng, sân hành lễ, không gian tượng An Kỳ Sinh, sân tập kết và các công trình khác.

Chùa Đồng - nơi dừng chân cao nhất của du khách 

Đường lên đến Chùa Đồng khá cheo leo hiểm trở và khó đi, ngày xưa, du khách phải mất 5-6 tiếng đồng hồ để lên được tới nơi. Những năm gần đây, chùa Yên Tử đã được các cấp, ngành quan tâm, Ban quản lý Khu di tích đã đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo với 2 trạm. Trạm đầu dài trên 1,2km lên tới độ cao 450m gần Chùa Hoa Yên và trạm thứ hai từ Chùa Hoa Yên lên đến gần Chùa Đồng. Với hệ thống cáp treo này, du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ cảnh rừng núi Yên Tử từ trên cao với những cây tùng, cây đại hàng trăm năm tuổi xen kẽ trong rừng cây xanh tươi và hít thở không khí trong lành.

Còn đường bộ thì cũng đã được xây dựng bằng những bậc đá có lan can và một hệ thống những cột đèn từ dưới chân núi lên tới chùa Đồng để phục vụ du khách trong và ngoài nước về với Yên Tử, lễ Phật và tham quan.

Đầu Xuân đi lễ chùa, được ngắm nhìn phong cảnh núi non Yên Tử hùng vĩ, được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cổ từ thời đại nhà Trần với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh vô giá, thật không còn niềm vui nào bằng.

Thủy Trần (tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm