A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di sản Huế và hành trình 20 năm

Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Trải qua 20 năm, câu chuyện làm thế nào để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản, tạo nguồn sinh lợi, góp phần phát triển kinh tế địa phương vẫn là chủ đề “nóng” làm đau đầu các chuyên gia.

 



Ngọ Môn  

Từ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thành quách, lăng tẩm…  

Huế ngày nay còn bảo lưu được một khối lượng lớn những di sản vật chất và tinh thần mang tính văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Bao nhiêu tinh hoa của mấy thế kỷ đã hội tụ về miền núi Ngự sông Hương thơ mộng hữu tình, tạo nên một vùng văn hóa đặc sắc với nhiều đóa hoa nghệ thật nảy nở, làm đẹp và phong phú thêm cho vườn hoa văn hóa của dân tộc. 

Chỉ tính riêng triều đại của nhà Nguyễn kéo dài non 150 năm cũng đã để lại cho Huế một hệ thống kiến trúc cung đình đa dạng mang tính nghệ thuật cao, gồm thành quách, cung điện, đền miếu, lăng tẩm… 

Ở bờ Bắc sông Hương, Kinh thành với diện tích hơn 500ha và chu vi gần 10km đã được xây dựng để bảo vệ cho mọi cơ quan và các sinh hoạt hành chính của triều đình. Xây dựng suốt 27 năm (1805-1832) với hàng triệu nhân công, Kinh thành Huế là một kỳ công của dân tộc. Bên trong Kinh thành là Đại nội gồm Hoàng thành và Tử Cấm thành với hơn 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có hàng chục cung điện lộng lẫy vàng son, dành cho vua cùng các triều thần làm việc và hoàng gia ăn ở. 

Xa xa về phía Nam sông Hương là 7 khu lăng tẩm của các vua từ Gia Long đến Khải Định. Lăng tẩm các vua nhà Nguyễn là những đóa hoa nghệ thuật đầy hương sắc nở ra giữa chốn núi rừng. Mỗi lăng vua là một cõi riêng mà các chủ nhân của nó đã tạo ra khi còn tại vị. 



Chùa Thiên Mụ 

Lăng Gia Long hoành tráng mà đơn giản như cuộc đời của một võ tướng được bao bọc bởi một vòng thành thiên nhiên. Lăng Minh Mạng uy nghi giống như cơ chể con người nằm gối đầu lên một ngọn đồi cao trong vùng, tứ chi xuôi duỗi ra phía ngã ba sông gần đó. Lăng Thiệu Trị thâm nghiêm dựa lựng vào chân núi Thuận Đạo, trước mặt lăng là cả một vùng đất bằng phẳng với cây cỏ xanh tươi và ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương đến tận cầu Lim. Lăng Tự Đức như một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi nên “hồn mê thơ mộng”… Chính nhờ vẻ đẹp mỹ miều đầy triết lý ấy mà lăng tẩm Huế đã được đánh giá là một thành tựu rực rỡ nhất trong nền kiến trúc cổ của đất nước ta và được xem là một kỳ quan của thế giới.  

Nằm xen kẽ giữa các khu vực kiến trúc nghệ thuật ấy là đàn Nam Giao (nơi vua tế trời), Hỗ Quyền (chỗ voi cọp đấu nhau), Văn Miếu (với 32 tấm bia tiến sỹ), điện Hòn Chén (nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na), núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, núi Bạch Mã, Cầu Ngói Thanh Toàn, đặc biệt là dòng sông Hương kiều diễm.  

 

Bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa nổi tiếng, thâm nghiêm cổ kính, tọa lạc giữa những thung lũng của vùng gò đồi tĩnh mịch hay trong các thôn làng hẻo lánh. Huế cũng là thành phố của nhà vườn, với bao ngôi nhà cổ nép mình trong những xóm phường yên ả giữa lòng cố đô. 

Cách cấu tạo kiến trúc tinh tế, ngoại cảnh thiên nhiên xinh xắn, hòa điệu với con người ở Huế đã tạo nên một vùng đất của thơ, một bầu trời của nhạc, một thế giới của tâm hồn. Ở đây, nhịp sống thật ung dung, thanh thản, Huế không sống vội vàng và ầm ĩ như các thành phố anh em. 

Đến tìm “chìa khóa” bảo tồn, phát triển

Huế biết gạn đục khơi trong, biết giữ gìn thuần phong mỹ tục và các thành tựu văn họa nghệ thuật của dân tộc. Huế biết tiếp thu những tinh hoa của nền văn hóa từ bốn phương nhưng lại có sức đề kháng với những gì ngoại nhập có thể làm mình bị tha hóa. Nguyên Tổng giám đốc UNESCO Amadou MahtarM’bow từng tinh tế nhận xét, Huế là “một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sống động”, và Huế đang “tổng hợp được cổ xưa và hiện đại, qua đó cố đô cổ kính chung sống hài hòa với thành phố trẻ mới ngày nay”. 



Đại nội Huế 

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, trải qua 20 năm, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả to lớn. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục.

Tính từ 1996-2010, Nhà nước đã chi hơn 786 tỷ đồng để trùng tu và tôn tạo di tích Cố đô Huế. Đã có hơn 30 công trình có quy mô lớn từ Đại Nội đến thành quách, lăng tẩm và hạ tầng kỹ thuật được tu bổ. Trong đó có không ít công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội như: Nhà hát Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường, Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, các công trình hạ tầng tại khu vực Đại Nội, điện chiếu sáng các lăng.

Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

Tuy nhiên, Huế cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực nảy sinh từ những thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội và biến đổi của tự nhiên, môi trường, việc xây dựng, cải tạo các công trình kiến trúc không theo quy hoạch chuẩn, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường…



Lăng Khải Định 

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, để bảo tồn Di sản Huế cần suy nghĩ đổi mới và sáng tạo để bắt kịp xu thế phát triển của nhân loại. Đó là nguyên tắc “bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn”, trong đó hai yếu tố quan trọng hàng đầu phải quan tâm là tính toàn vẹn, chân xác lịch sử và bảo tồn di sản phục vụ cho phát triển tức là phục vụ cho nhu cầu phát triển toàn diện của con người. 

Các giá trị nổi bật toàn cầu và đặc trưng nổi trội của Di tích Cố đô Huế đặt ra yêu cầu phải tiếp cận nó với tư cách là một “di sản kiến trúc đô thị” điển hình của Việt Nam với các bộ phận cấu thành như ý tưởng quy hoạch xây dựng đô thị ngay từ ban đầu kết hợp hài hòa giữa không gian nhân tạo và môi trường cảnh quan đặc thù ở xứ Huế; cấu trúc không gian đô thị hiện đại ngày nay; diện mạo kiến trúc đặc sắc Huế; các quần thể kiến trúc, các tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của Huế; nếp kinh đô xưa, nếp sống đô thị hiện nay…  

Việc bảo tồn Di tích Huế cũng không chỉ bảo tồn hình ảnh Huế mà còn là con đường bền vững để phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân nên nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tăng cường nâng cao nhận thức trong mỗi người dân, mỗi du khách cùng chung tay gìn giữ và bảo vệ Di sản Huế. Làm sao để cảnh quan đôi bờ sông Hương trong tương lai gần sẽ được đề cử thành một bộ phận của Di sản Văn hóa Thế giới, góp phần hoàn chỉnh Quần thể Di tích Cố đô Huế. 



Phong cảnh lăng Tự Đức

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các vấn đề được kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới khuyến nghị, nghiêm chỉnh tuân thủ Luật Di sản của Việt Nam và các quy định của UNESCO về bảo vệ di sản. Để có tiềm lực bảo tồn di sản, cần tranh thủ các nguồn lực về kinh phí cũng như chất xám của nhiều đối tác quốc tế và sự chung sức của toàn xã hội. 

Nguyên Thảo


Tin liên quan

Tin tiêu điểm