A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công viên Địa chất Toàn cầu: Cao nguyên đá Đồng Văn

Với độ cao trung bình gần 1600m so với mực nước biển, tổng diện tích 2.530km2 trải rộng trên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, Cao nguyên đá Đồng Văn mang một vẻ đẹp hoang sơ, tinh khiết, bí ẩn, thách thức và đầy hấp dẫn đối với những du khách yêu khám phá mạo hiểm.


Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là Công viên Địa chất Toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010.

Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn 

Vẻ đẹp miền sơn cước

Từ thành phố Hà Giang, qua hơn 100 km đường đèo với những đoạn cua tay áo gấp đến chóng mặt giữa một bên là vực sâu và một bên là từng lớp núi đá tai mèo, khung cảnh hoang sơ và hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn hiện ra trong mờ mịt khói mây khiến bất cứ ai lần đầu đến cũng cảm thấy bị choáng ngợp.

Đứng trên đỉnh dốc Mã Pì Lèng (còn gọi là dốc con ngựa chết), dòng sông Nho Quế xanh biếc như một dải lụa vắt qua núi tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo và nên thơ cho mảnh đất này. Cao nguyên đá Đồng Văn đẹp đến ngỡ ngàng với những ngôi nhà trình tường (nhà làm bằng đất), hàng rào bằng đá bên những đồi ruộng bậc thang xanh mướt tương phản giữa bạt ngàn đá vôi, trong bồng bềnh sương khói trông như một bức tranh thủy mặc khổng lồ.

Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Cao nguyên đá Đồng Văn là sự hội tụ của những sự độc đáo, từ diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú cho đến bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Không những thế, Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi hội tụ của những di tích, danh thắng “độc nhất vô nhị” như: Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, làng cổ Lũng Cẩm, đèo Mã Pì Lèng…

Cột cờ Lũng Cú 

Ngoài cảnh sắc núi non hùng vĩ, vùng đất này còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người bản địa. Nơi đây hiện có hơn 250.000 dân sinh sống với 17 dân tộc thiểu số, chiếm 90% dân số cả vùng, trong đó dân tộc Mông chiếm 70% số dân, lên đến hơn 230.000 người. Đây là vùng tập trung người Mông đông nhất cả nước.

Mỗi tộc người ở đây, ví như: Mông, Dao, Lô Lô, Tày, Nùng… đều mang những nét văn hóa độc đáo riêng. Nhưng tựu chung, các tộc người của vùng văn hóa này đều rất giỏi canh tác nương rẫy. Bên cạnh đó, các tộc người đều lưu giữ những kỹ nghệ thủ công truyền thống tinh xảo và điêu luyện, đó là kỹ thuật trồng bông, trồng lanh, xe sợi, đan lát đồ mây tre… Sự phong phú của văn hóa vật chất còn được thể hiện trên cách phối màu ở trang phục của mỗi dân tộc nơi đây.

Tính độc đáo của văn hóa các tộc người trên cao nguyên đá Đồng Văn thể hiện rõ ở các buổi chợ phiên. Không giống các phiên chợ miền xuôi, chợ phiên ở đây không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế mà còn là nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa tinh thần. Những phiên chợ lùi, chợ lẻ, chợ theo các ngày con giáp và đặc biệt là chợ tình Khâu Vai luôn là điểm nhấn khi nhắc đến bức tranh văn hóa Hà Giang.

Tiềm năng du lịch cao nguyên đá Đồng Văn

Mặc dù có tiềm năng du lịch lớn nhưng Đồng Văn vẫn chưa khai thác được triệt để những lợi thế này. Trong năm 2012, lượng khách du lịch đến đây chỉ đạt 33 vạn khách, trong đó chỉ có chưa đến 2 vạn khách quốc tế. Bên cạnh đó, mức chi tiêu của khách du lịch khi đến đây chỉ dao động từ 15 đến 25 USD/ngày/khách, thấp hơn nhiều so với mức chi tiêu trung bình của khách du lịch đến Việt Nam (60-70 USD/ngày/khách).

Tiến sĩ Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trăn trở: Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng khó khăn nhất cả nước. Những tài nguyên phục vụ dân sinh và kinh tế như đất canh tác và nguồn nước sinh hoạt, nước canh tác, chất đốt trên địa bàn còn rất thiếu thốn. Hạ tầng cơ sở như hệ thống giao thông, hạ tầng du lịch cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do địa hình của cao nguyên đá.

Bên cạnh đó, đời sống, trình độ nhận thức về du lịch của người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số còn kém. Nguồn nhân lực cho ngành du lịch có chất lượng thấp, chưa đảm bảo yêu cầu phát triển đã tác động không nhỏ đến chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của Đồng Văn. Bởi vậy, nỗi lo của cao nguyên đá Đồng Văn hiện nay là làm sao để bảo tồn nguyên trạng di sản, giữ được những nét văn hóa riêng đặc sắc mà vẫn phát triển được đời sống người dân.

Nhận thức được những khó khăn trên, ngày 7/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 310/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Những mỏm đá tai mèo 

Quy hoạch tổng thể Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là dự án quy hoạch cấp quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng kinh phí 10.240 tỷ đồng, đầu tư cho nhiều nhóm dự án, như nhóm dự án quy hoạch chi tiết, nhóm dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhóm dự án bảo tồn – tôn tạo, nhóm dự án phát triển du lịch... Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị lập dự án, với sự tham vấn của nhiều cơ quan và chuyên gia chuyên ngành. Đây cũng là một cơ hội lớn để phát triển du lịch và chuyển đổi mô hình kinh tế - xã hội theo hướng tích cực, xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng cao.

Xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng, của thắng cố và men rượu mật ong, rượu ngô thơm nồng, cái náo nhiệt buổi chợ phiên, tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn Mông quyến rũ người tình, tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa nồng đượm đêm dài... đang mời gọi những hành trình khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của đất nước.

Những rừng đá trên cao nguyên lạnh giá đang trở mình thức dậy cùng với niềm tự hào khi trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Bản làng người Mông, người Lô Lô, người Dao, người Pu Péo… với những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc đang hấp dẫn bước chân du khách. Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mang đến những đổi thay cho miền đất khô khát này, tiếp thêm nguồn sinh lực cho rừng đá nở hoa.

Hy vọng trong tương lai không xa, Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch trong nước cũng như quốc tế khi đến Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc.

Một số thắng cảnh ở Đồng Văn:

Phố cổ Đồng Văn: được hình thành đầu thế kỷ 20 với những người Tày, Mông và người Hoa sinh sống, có quy mô nhỏ với vài chục nóc nhà nhưng có giá trị kiến trúc - lịch sử đặc sắc. Phố mang dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những mái ngói âm dương. Chợ Đồng Văn được người Pháp quy hoạch xây dựng khi chiếm đóng trong những năm 1920. Chợ được xây bằng đá, lợp ngói và hiện vẫn gần như nguyên vẹn.

Cột cờ Lũng Cú: được coi là nơi địa đầu của Tổ quốc với lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam nằm trên chóp đỉnh núi Rồng (Long Sơn), được thiết kế theo hình bát giác, chân bệ có phù điêu đá xanh mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn và minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Dinh nhà Vương: Nằm ẩn mình trong thung lũng mây Sà Phìn, đây là một công trình độc đáo với tường được trình bằng đất sét, móng nhà làm bằng đá, bên trong ghép ván, cột kèo bằng gỗ, sàn lát ván gỗ, mái lợp ngói máng, hiên nhà lợp ngói ống trang trí hoa văn chữ “thọ”. Trải qua gần trăm năm, bao mưa nắng, gió bão, có chỗ đã bị thời gian mài mòn, hoang phế, nhưng về cơ bản đến nay nhà Vương vẫn giữ được hình dáng xưa cũ.

Một số hình ảnh về Cao nguyên đá Đồng Văn:

Kim Ngân

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm