Côn Đảo là một trong 10 hòn đảo hấp dẫn nhất
|
Theo tạp chí này, Côn Đảo nổi tiếng vì nơi đây là một quần thể nhà tù khét tiếng nay đã chuyển thành một thiên đường du lịch. Vườn quốc gia Côn Đảo được bảo tồn tốt.
16 hòn đảo thuộc Côn Đảo là một thế giới thần tiên với những khu rừng dày đặc, có màu ngọc bích của biển và những bãi cát trắng trải dài. Đây chính là ngôi nhà thiên nhiên kỳ vĩ và quý giá của cá heo, rùa và các rặng san hô biển tuyệt đẹp.
Côn Đảo nguyên sơ đến nỗi, hiện nay du lịch trên đảo mới chỉ giới hạn ở một địa điểm cung cấp dịch vụ lặn biển và một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở thị trấn Côn Sơn.
Cùng với Côn Đảo còn có chín đảo khác trên thế giới lọt vào danh sách 10 đảo hấp dẫn nhất là: Socotra (Yemen), Torres Strait (Australia), Yaeyama (Nhật Bản), Iles du Salut (Guyana thuộc Pháp), Ulleungdo (Hàn Quốc), quần đảo San Blas (Panama), Penghu (Đài Loan, Trung Quốc), quần đảo Bay và đảo Hog (Honduras), Ssese (Uganda).
Lịch sử oai hùng
Côn Đảo là tên một quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Quần đảo Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km2. Không ở nơi đâu, các ý nghĩa về lịch sử, nhân văn và thiên nhiên lại hòa quyện với nhau như ở Côn Đảo.
Ở đây có tới 2/3 điểm đến là di tích lịch sử, di tích nào cũng ấn tượng, huyền thiêng. Chỉ riêng hệ thống nhà tù Côn Đảo với những khu biệt giam, phòng tra tấn... đã thu hút nhiều du khách đến tham quan để thán phục ý chí kiên cường, bất khuất của những người yêu nước Việt Nam bị tù đày.
Hệ thống nhà tù Côn Đảo qua hai thời kỳ Pháp-Mỹ có tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng biệt lập chuồng cọp.
Trong suốt 113 năm xâm lược thống trị (1862-1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm hàng chục vạn chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam thuộc nhiều thế hệ tại Côn Đảo. Chúng biến nơi đây thành “địa ngục trần gian.” Song, đây cũng chính là trường học cách mạng lớn thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản.
Ngày nay, Côn Đảo được xem là vùng đất thiêng liêng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập nhà tù (1/2/1862), thực dân Pháp đã đày ra Côn Đảo hàng ngàn người. Họ là những nông dân, sỹ phu yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục, chống thuế ở Trung kỳ, nổi dậy ở Nam kỳ. Trong đó có các cụ Nguyễn Thiện Kế, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân...
Những năm sau có hàng chục vạn đảng viên cộng sản bị giam cầm như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh...
Bên cạnh hệ thống nhà tù, chuồng cọp khét tiếng, thực dân Pháp còn thiết lập các cơ sở đầy ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần mòn sinh mạng tù nhân và phục vụ bộ máy hành chính của đảo.
Chỉ riêng khu di tích Cầu Ma Thiên Lãnh, trong những năm 1930-1945 đã có 356 tù nhân đã bị chết do đòn roi của chúa ngục, đói khát và bệnh tật khi lao động khổ sai làm một cây cầu trên đèo Ông Đụng. Cây cầu sau phải bỏ dở khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Với những chiến sỹ cựu tù Côn Đảo và du khách từng đến đây hẳn không ai lại không biết đến địa danh Cầu tàu lịch sử 914.
Năm 1873, người Pháp khởi sự xây cầu. Đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của tù nhân Côn Đảo. Nhiều người chỉ qua cầu một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo.
Con số 914 được đặt tên cho cầu là do tù nhân nhẩm tính số người chết do lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Cầu tàu 914 cũng là nơi chứng kiến những giờ phút vinh quang, xúc động mỗi dịp đảo được giải phóng.
Ngày nay, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được trùng tu để trở thành một di tích lịch sử cách mạng, thu hút đông đảo khách tham quan. Mô hình các tù nhân chính trị trong trại giam cũng đã được dựng lại để du khách có thể hiểu rõ hơn về lịch sử của nơi đã từng một thời được coi là “địa ngục trần gian.”
Điểm du lịch đầy tiềm năng
Côn Đảo được đánh giá là một kho tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của Việt Nam, với hệ sinh thái biển phong phú; là nơi hội tụ của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài bản địa, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.
Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên từ năm 1984 và được công nhận là vườn quốc gia từ năm 1993. Vườn có môi trường, tài nguyên rừng, biển còn tương đối nguyên vẹn, tiềm năng đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên ít bị tác động.
Với diện tích gần 20.000ha, trong đó rừng núi chiếm gần 6.000ha, mặt biển chiếm 14.000 ha và một vùng biển đệm quanh các đảo là 20.00 ha, đây là một trong hai vườn quốc gia duy nhất tại Việt Nam bảo tồn cả rừng lẫn biển.
Động thực vật ở Vườn quốc gia Côn Đảo đa dạng, quý hiếm. Có tới 578 loài cây cho gỗ, 91 loài cây dùng làm thuốc và khoảng 80 loài cây dùng làm cảnh, trong đó có 30 loài phong lan. Rừng Côn Đảo có nhiều thú quý hiếm như: sóc mun, sóc đỏ dạ, đại bàng biển, gầm ghì trắng...
Động thực vật biển ở đây rất đa dạng. Trong 44 loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ, có hai loài rùa biển là vích và đồi mồi.
Đặc biệt ở Côn Đảo có quần thể rùa biển rất lớn. Hàng năm vào mùa sinh sản, có hàng ngàn lượt rùa biển lên các bãi cát để đẻ trứng. Từ năm 1995 đến nay, hơn 300.000 rùa con đã được thả về biển và gần 1.000 con rùa trưởng thành đã được gắn thẻ.
Với tính đa dạng sinh học biển cao, Vườn quốc gia Côn Đảo đã được liệt kê vào danh sách “Những khu vực được ưu tiên cao nhất” trong hệ thống khu bảo tồn biển toàn cầu. Côn Đảo còn có những rạn san hô lớn và đa dạng, có thể sánh với những khu du lịch sinh thái nổi tiếng nhất trong khu vực.
Ngoài ra, Côn Đảo còn hơn 20 bãi tắm nước trong xanh, bãi cát trắng mịn với nhiều nét hoang sơ, môi trường trong lành, trong đó có những bãi rất đẹp như Hàng Dương, Phi Yến, Đầm Trầu... đang là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước./.
(TTXVN/Vietnam+)