A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình minh trên làng chài Ngư Mỹ Thạnh

Vào những buổi sáng sớm, khoảng từ 4 đến 7 giờ sáng, làng chài Ngư Mỹ Thạnh như thức giấc với những thanh âm, hình ảnh đặc trưng của một vạn đò lớn trên vùng sóng nước Tam Giang mênh mông, nên thơ và kì vĩ.

Bình minh trên phá Tam Giang. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Ngư Mỹ Thạnh là một làng chài nổi tiếng trên phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng chài thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, cách trung tâm thành phố Huế chừng 20 cây số về phía Đông Bắc.

Làng này xưa gốc là làng Mỹ Thạnh, hình thành vào khoảng đầu thế kỉ 19. Lúc đầu làng là nơi sinh sống của những hộ dân ở trên bờ, về sau một số dân chài ở vùng Phú Vang, Phú Lộc cách đấy chừng vài chục cây số đi thuyền đến đánh bắt mưu sinh, thấy nơi đây đầm phá nhiều tôm cá, thuận lợi làm ăn nên ở lại, lâu dần sống quần tụ với dân trên bờ thành một vạn đò, gọi là vạn Mỹ Thạnh.

Làng chài Ngư Mỹ Thạnh dần hiện ra trong ánh bình minh tím. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Dân vạn Mỹ Thạnh đa phần sinh sống bằng nghề sông nước, đánh bắt cá tôm trên phá Tam Giang, mọi sinh hoặt, ăn ở đều diễn ra trên đò, ngày đi đánh bắt, tối mới về bờ neo đò ghe để nghỉ ngơi.

Đến năm 1990, để ổn định đời sống cho cư dân vạn đò, tránh cảnh sống bấp bênh, nguy hiểm trên sông nước, chính quyền xã Quảng Lợi đã vận động đưa dân lên bờ làm nhà định cư và chính thức đặt tên làng là “Ngư Mỹ Thạnh”.

Khung cảnh bình dị của làng chài Ngư Mỹ Thạnh. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Là một làng chuyên về nghề chài lưới lâu đời trên phá Tam Giang nên đời sống, văn hóa của cư dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh từ bao đời nay luôn gắn chặt với vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này.

Ngày nay, cuộc sống tuy có khá giả hơn so với trước nhưng lối sống sông nước của họ thì dường như vẫn vậy. Hằng ngày, cứ vào buổi chiều tối dân làng lại lên đò ra phá đánh bắt cá tôm. Họ đánh bắt cả đêm, đến khoảng 4 giờ sáng thì vào bờ để bán. Có lẽ vì thế mà nhịp sống ở làng chài Ngư Mỹ Thạnh vui và nhộn nhịp nhất là vào lúc sáng sớm, khoảng từ 4 đến 7 giờ sáng. Lúc này đò ghe từ ngoài phá kéo về đông vui. Trên bờ người mua kẻ bán cũng nhộn nhịp. Cảnh mua bán cứ thế diễn ra trên phá, trên bến, trên đường làng từ lúc chưa nhìn rõ mặt người cho đến khoảng 7 giờ sáng thì tan dần rồi vắng hẳn. Người mua kẻ bán theo lối thuận mua vừa bán, vui vẻ, hòa đồng chứ không có cảnh tranh giành, cãi cọ như thường thấy ở các chợ cá tôm, thành ra không chỉ dân buôn tìm đến mua mà người dân, du khách nghe tiếng cũng tìm đến ngày một đông.

Cá tôm đánh bắt về sẽ được bày bán ngày trên đường làng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Phá Tam Giang là vùng nước lợ nên tôm cá rất ngon, nổi tiếng là tôm càng xanh, tôm rảo (có nơi gọi là tôm đất), cua, cá bống, cá nâu... Sản lượng đánh bắt tuy không nhiều như ở ngoài biển nhưng nhờ chất lượng luôn tươi ngon nên có bao nhiêu cũng bán hết, đa phần là bán cho các người buôn đem đi các chợ xa, nhà hàng, hoặc dân trong vùng.

Các loại cá tôm tươi ngon nổi tiếng của vùng nước lợ phá Tam Giang. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Hình ảnh đầm phá mênh mông, nên thơ, hữu tình, cùng lối sống bình dị đậm chất sông nước của cư dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh đã thu hút không ít du khách gần xa tìm đến tham quan, khám phá về đời sống, văn hóa của một trong những làng chài lâu đời và mang đậm dấu ấn đặc trưng của vùng đầm phá Tam Giang nổi tiếng xứ Huế./.

Làng chài Ngư Mỹ Thạnh giờ còn là điểm du lịch cộng đồng khá nổi tiếng ở Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Bài, ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm